Kinh tế

Tăng cường sử dụng vật liệu xây không nung

NAM ANH 09/08/2024 13:10

Vật liệu xây không nung ngày càng được sử dụng rộng rãi trong ngành xây dựng giúp giảm thiểu khí phát thải gây hiệu ứng nhà kính và ô nhiễm môi trường. Việc sử dụng vật liệu xây không nung còn tận dụng phế thải từ các ngành công nghiệp, tiết kiệm nhiên liệu, đem lại hiệu quả kinh tế chung cho toàn xã hội.

anh-bai-tren(1).jpg
Gạch không nung góp phần bảo vệ môi trường. Ảnh: N.A.

Phát triển vật liệu xây không nung vẫn gặp khó

Vật liệu xây không nung (VLXKN) được dùng trong xây dựng, trong đó việc sản xuất (tạo ra sản phẩm) không sử dụng nhiệt để nung. Sản phẩm của loại vật liệu này được tạo từ những phụ phẩm, phế thải hoặc các loại cốt liệu thông qua quá trình tạo hình, đóng rắn mà không cần sử dụng đến nhiệt. Các vật liệu xây dựng không nung được sản xuất bởi các nguyên liệu như mạt đá, cát, xi măng và một số thành phần phụ gia khác… Và các nước trên thế giới từ lâu đã áp dụng những công nghệ hiện đại sản xuất VLXKN nhằm tận dụng phế thải công nghiệp, tiết kiệm tài nguyên không tái tạo, tiết kiệm năng lượng, giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

Chia sẻ tại hội thảo trực tuyến “Thực trạng và giải pháp cho việc sử dụng vật liệu xây không nung” mới đây, TS Phan Hữu Duy Quốc - Phó Tổng thư ký Hội Bê tông Việt Nam cho biết, trong thời gian vừa qua, thị trường bất động sản trầm lắng kéo theo nhu cầu vật liệu xây dựng bao gồm VLXKN giảm mạnh. Theo đó sản lượng sản xuất và tiêu thụ các loại sản phẩm vật liệu xây dựng liên tục suy giảm; lĩnh vực VLXKN gặp nhiều khó khăn, sản phẩm tiêu thụ chậm, tồn kho lớn. Sản lượng sản xuất và VLXKN năm 2023 khoảng 4,9 tỉ viên quy tiêu chuẩn; sản lượng tiêu thụ khoảng 4,8 tỉ viên quy tiêu chuẩn; các sản phẩm VLXKN chiếm khoảng 30% so với tổng sản lượng vật liệu xây dựng.

Ông Quốc cho rằng, nhiều người sử dụng VLXKN nhưng chưa hiểu rõ bản chất vấn đề, chưa thực hành đúng như hướng dẫn. Thêm vào đó, giá thành VLXKN còn cao, nhất là gạch bê tông khí chưng áp vì yêu cầu sử dụng vữa chuyên dụng, lưới gia cường. Việc biên soạn giáo trình, hướng dẫn thực hành, tập huấn thi công sử dụng VLXKN chưa được thực hiện đồng bộ ở các địa phương.

Theo TS Trần Bá Việt - Phó Chủ tịch Hội vật liệu xây dựng Việt Nam (VABM), thời gian qua nhiều công trình sử dụng VLXKN cho kết quả tin cậy, hiệu quả như các công trình nhà ở thấp tầng và cao tầng, tòa nhà văn phòng, trụ sở cơ quan, trường học... Tuy nhiên, cũng còn một số công trình khi sử dụng VLXKN phát sinh việc nứt thấm, nhất là một số công trình ở các tỉnh.

Bên cạnh đó, việc triển khai thực hiện các quy định của Chính phủ và Bộ Xây dựng về gạch không nung cũng gặp một số khó khăn lớn như thói quen sử dụng gạch nung truyền thống trong nhân dân, giá thành một số loại VLXKN còn cao… Ngoài ra, VLXKN cũng có một số nhược điểm cần được khắc phục như độ hút nước, trọng lượng lớn.

Theo các chuyên gia trong ngành, tính đến thời điểm hiện nay, hành lang pháp lý cũng như cơ chế, chính sách, tiêu chuẩn, quy chuẩn đối với VLXKN đã cơ bản đầy đủ. Nhưng thực tế cho thấy, đối với công trình sử dụng vốn ngân sách nhà nước - đối tượng công trình bắt buộc phải sử dụng VLXKN thì chủ đầu tư mới sử dụng. Còn đối với các công trình không bắt buộc phải sử dụng VLXKN, chủ đầu tư vẫn né sử dụng, thậm chí sẵn sàng chịu phạt.

Cần ban hành hệ thống tiêu chuẩn, quy trình kỹ thuật

Để giải quyết những thách thức nêu trên, TS Trần Bá Việt nhấn mạnh vai trò của quản lý nhà nước tại địa phương và cho rằng, Sở Xây dựng cần kiểm tra, đánh giá những công ty sản xuất vật liệu xây dựng, vật liệu phụ và phụ kiện đi kèm. Đồng thời, Sở Xây dựng cần tập huấn cho cơ quan thẩm định thiết kế, thanh tra xây dựng, tư vấn thiết kế, tư vấn giám sát, nhà thầu và nhân công đang thực hiện công trình trên địa bàn, kiểm tra đánh giá cả về lý thuyết và thực hành sẽ ngăn ngừa được những khuyết tật, sự cố về khối xây VLXKN.

Đại diện Hội Bê tông Việt Nam chia sẻ, chất lượng công trình có VLXKN còn chịu sự ảnh hưởng của quy trình thi công và vật liệu bổ trợ khác. Người thực hành cần hiểu đúng bản chất vấn đề và thực hành đúng như hướng dẫn của chuyên gia. Do vậy, các địa phương cần được hỗ trợ hơn về chuyên môn, người thực hành cần được tập huấn để hiểu đúng và làm đúng. Ngoài ra, định mức cũng cần được rà soát, điều chỉnh để đáp ứng được chi phí thực tế khi áp dụng VLXKN.

Trong khi đó, để thúc đẩy thị trường VLXKN phát triển, theo đại diện Sở Xây dựng Hà Nội, các cơ quan báo, đài cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến chủ trương của Chính phủ, Bộ Xây dựng và UBND thành phố về việc thay thế gạch nung bằng VLXKN. UBND các địa phương cần tổ chức các hội nghị, tập huấn, lồng ghép tuyên truyền nội dung sử dụng VLXKN trong chương trình xây dựng nông thôn mới…

Cơ quan thẩm định thiết kế, dự toán và UBND các địa phương căn cứ quy định của Chính phủ và thông tư của Bộ Xây dựng để chỉ đạo phòng chuyên môn các quận, huyện, thị xã sử dụng VLXKN (từ khâu thiết kế đến hoàn thiện) đối với các công trình sử dụng vốn nhà nước, công trình thuộc chương trình xây dựng nông thôn mới và những công trình xây dựng khác tại địa phương. Các chủ đầu tư, đơn vị thi công cần tổ chức tập huấn, hướng dẫn người lao động và công nhân về những vấn đề liên quan đến quy trình kỹ thuật thi công các hạng mục, công trình sử dụng VLXKN.

Đại diện Sở Xây dựng Hà Nội cũng kiến nghị Bộ Xây dựng cần tiếp tục hoàn chỉnh, ban hành hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn, quy trình kỹ thuật thi công, các định mức, đơn giá liên quan đến việc sản xuất và sử dụng các chủng loại VLXKN để có cơ sở áp dụng đồng bộ, phù hợp với thực tế, tạo điều kiện thuận lợi cho các đơn vị thiết kế, chủ đầu tư và nhà thầu trong việc đưa những loại sản phẩm này vào công trình.

Bên cạnh đó, Bộ Xây dựng chỉ đạo các tổng công ty thuộc Bộ tập trung đầu tư, chuyển đổi sản xuất, sử dụng VLXKN thay thế vật liệu nung truyền thống. Bộ cũng cần chỉ đạo các đơn vị tư vấn thuộc Bộ nghiên cứu, xem xét, tư vấn cho các chủ đầu tư dự án xây dựng công trình trong việc sử dụng VLXKN trong công trình xây dựng (đồng bộ tất cả các khâu như lập dự án, khảo sát, thiết kế, thi công).

Theo TS Phan Hữu Duy Quốc - Phó Tổng Thư ký Hội Bê tông Việt Nam, lĩnh vực VLXKN gặp nhiều khó khăn, sản phẩm tiêu thụ chậm, tồn kho lớn. Sản lượng sản xuất và VLXKN năm 2023 khoảng 4,9 tỉ viên quy tiêu chuẩn; sản lượng tiêu thụ khoảng 4,8 tỉ viên quy tiêu chuẩn; các sản phẩm VLXKN chiếm khoảng 30% so với tổng sản lượng vật liệu xây dựng. Thêm vào đó, giá thành VLXKN còn cao, nhất là gạch bê tông khí chưng áp vì yêu cầu sử dụng vữa chuyên dụng, lưới gia cường. Việc biên soạn giáo trình, hướng dẫn thực hành, tập huấn thi công sử dụng VLXKN chưa được thực hiện đồng bộ ở các địa phương.

NAM ANH