“Luật hóa” thi tuyển chức danh lãnh đạo quản lý
Tại hội nghị tổng kết “Đề án thí điểm thi tuyển chức danh lãnh đạo, quản lý cấp phòng và tương đương năm 2022”, ông Phan Văn Mãi - Chủ tịch UBND TPHCM cho biết, trong năm 2024 thành phố sẽ tiếp tục thí điểm và mở rộng thi tuyển lãnh đạo, quản lý cấp phòng và cấp sở, quận, huyện. Trong kế hoạch thi tuyển lãnh đạo cấp sở của TPHCM có các Sở: Khoa học và Công nghệ, Văn hóa và Thể thao, Lao động-Thương binh và Xã hội.
Việc thi tuyển chức danh lãnh đạo quản lý không phải là mới. Thời gian qua đã có một số bộ và địa phương thực hiện việc này. Mới đây, UBND TP Hà Nội cũng có Quyết định số 2755 về việc ban hành kế hoạch tiếp tục và mở rộng thí điểm thi tuyển chức danh lãnh đạo, quản lý cấp phòng thuộc sở, ban, ngành; UBND quận, huyện, thị xã và đơn vị sự nghiệp công lập thuộc UBND thành phố. Việc này thực hiện đến ngày 31/12/2024. Và chỉ thực hiện việc thi tuyển chức danh lãnh đạo, quản lý đối với trường hợp bổ nhiệm lần đầu giữ chức vụ cấp trưởng, phó cấp phòng.
Thực tế, từ năm 2015, Bộ Chính trị có Kết luận số 202-TB/TW về Đề án “Thí điểm đổi mới cách tuyển chọn lãnh đạo quản lý cấp vụ, cấp sở, cấp phòng”. Trên cơ sở Kết luận số 202, năm 2017 Bộ Nội vụ đã có văn bản số 2424 về việc hướng dẫn thực hiện Đề án thí điểm đổi mới cách tuyển chọn lãnh đạo, quản lý cấp vụ, cấp sở, cấp phòng.
Tại văn bản số 3135 của Văn phòng Trung ương Đảng về việc triển khai thực hiện Đề án thí điểm thi tuyển chức danh lãnh đạo, quản lý, cả nước có 36 cơ quan được chọn thí điểm đổi mới cách tuyển chọn chức danh lãnh đạo, quản lý cấp vụ, cấp sở và cấp phòng. Cụ thể, có 14 bộ, ngành Trung ương và 22 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được chọn tổ chức thí điểm thi tuyển chức danh lãnh đạo, quản lý. Sau thí điểm sẽ tiến hành sơ kết, rút kinh nghiệm báo cáo Bộ Chính trị, Ban Bí thư về kết quả thực hiện thí điểm.
Tuy nhiên, đến nay sau một thời gian thực hiện, bên cạnh việc đã đem lại một số kết quả bước đầu thì thực tế trong quá trình triển khai còn có những hạn chế. Đơn cử như cùng một bộ, chức danh lãnh đạo cấp vụ này thì phải qua thi, nhưng chức danh lãnh đạo cấp vụ khác lại thực hiện theo quy trình bổ nhiệm truyền thống. Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi cũng thẳng thắn nhìn nhận, do chưa có quy định chung nên thành phố phải thực hiện một cách thận trọng, bàn bạc, trao đổi kỹ lưỡng.
Thi tuyển chức danh lãnh đạo quản lý nếu thực hiện tốt sẽ “trao” cơ hội cho những người có năng lực, phẩm chất. Qua đó, tránh được tình trạng “khép kín” so với kiểu bổ nhiệm theo truyền thống. Vậy vấn đề đặt ra là có nên sớm tổng kết việc “thí điểm” để chính thức “luật hoá”, PGS.TS Bùi Thị An - Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và kỹ thuật Hà Nội cho rằng, thi tuyển hướng tới sự minh bạch, công bằng trong lựa chọn cán bộ lãnh đạo quản lý, nhất là người tài, người có năng lực xứng đáng với vị trí đó.
Theo bà An, thi tuyển chức danh lãnh đạo quản lý cần sớm được tổng kết, nhân rộng để áp dụng tại các địa phương. Nghĩa là phải được “luật hoá” và áp dụng đồng bộ trên phạm vi cả nước. “Thi tuyển cũng giống như đấu thầu vậy. Có tiêu chí nhưng cần minh bạch, công khai cho mọi người biết “đầu vào” là ai? để người dân còn giám sát. Cố gắng minh bạch “đầu vào” để tránh tình trạng thi nhưng…“vẫn gửi”. Làm sao để giám sát chặt chẽ việc thi tuyển. Đặc biệt thi xong cần có thêm thời gian để đánh giá, thử thách năng lực thực sự của cán bộ lãnh đạo quản lý đó” - bà An kiến nghị.
Theo TS Đinh Duy Hoà - nguyên Vụ trưởng Vụ Cải cách hành chính (Bộ Nội vụ), nên tiến hành tổng kết thí điểm, chính thức cho triển khai thi tuyển chức danh lãnh đạo quản lý, trước mắt cho các chức danh lãnh đạo quản lý cấp vụ, cấp sở và cấp phòng. Nếu chính thức cho triển khai tức là ưu tiên thi tuyển, tiến tới xem xét dừng cách thức tuyển chọn theo quy trình truyền thống từ trước đến nay.
Theo ông Lê Văn Cuông - nguyên Phó trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hoá, đã có nhiều ý kiến cho rằng cần đổi mới công tác bổ nhiệm, đề bạt cán bộ thông qua thi tuyển. Hiện một số địa phương đã làm thí điểm thi tuyển chức danh lãnh đạo quản lý và có kết quả tốt. Tuy nhiên, theo ông Cuông, vì là thí điểm nên đơn vị nào muốn thì làm chứ không phải là quy định chung mang tính bắt buộc. Do đó cần tổng kết việc thí điểm để chỉ ra điểm được, điểm chưa được. Từ đó xây dựng thành một quy định để thực hiện trong một thời gian. Khi có kết quả tốt thì chính thức “luật hoá” vấn đề này.
“Công tác cán bộ là vấn đề quan trọng, không vội vàng nhưng cũng không được trì trệ. Phải thường xuyên nghiên cứu từ thực tiễn, có thí điểm, xem xét nơi nào làm tốt, đúc kết thành kinh nghiệm, bài học. Nếu cứ bổ nhiệm như hiện nay sẽ khó ngăn chặn việc “chạy chức, chạy quyền” do lợi dụng sơ hở của các quy định. Một vị trí lãnh đạo phải có nhiều ứng cử viên “ngang sức, ngang tài”. Sau đó thi tuyển vào vị trí đó. Nếu trúng vào vị trí đó rồi thì cần có chương trình hành động, sẽ đổi mới như thế nào? Thi tuyển chức danh lãnh đạo quản lý sẽ khách quan và chống được chạy chức, chạy quyền trong công tác cán bộ hiện nay” - ông Cuông nói và cho rằng như vậy sẽ công khai minh bạch và đánh giá cán bộ thực chất hơn. Còn cứ theo kiểu truyền thống chỉ xem lý lịch, vài ý kiến nhận xét mang tính hình thức. Như vừa qua có nhiều trường hợp được bổ nhiệm nhưng dư luận lại xì xào, bàn tán.