Hà Nội tận dụng thế mạnh thu hút ngành công nghiệp bán dẫn
Luật Thủ đô (sửa đổi) đã đưa ra nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp (DN) khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong các lĩnh vực khoa học công nghệ trọng điểm. Đồng thời, Quy hoạch Thủ đô thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 xác định, thành phố Hà Nội ưu tiên phát triển công nghiệp vi mạch bán dẫn và trí tuệ nhân tạo, đi đầu trong phát triển các ngành mới nổi theo xu thế công nghệ hàng đầu của thế giới. Trong đó, thành phố ưu tiên đầu tư phát triển Khu Công nghệ cao Hòa Lạc và đưa ra các ưu đãi đầu tư hấp dẫn.
Nói về lợi thế của Hà Nội trọng thu hút đầu tư phát triển ngành công nghệ bán dẫn, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch thành phố Hà Nội Nguyễn Ánh Dương cho biết, Luật Thủ đô số 39 ngày 28/6/2024 xác định, bán dẫn là lĩnh vực được ưu tiên thu hút nhà đầu tư chiến lược của Thủ đô. Nhà đầu tư chiến lược được lựa chọn theo quy định vào lĩnh vực bán dẫn sẽ được hưởng nhiều chính sách ưu đãi đầu tư của Hà Nội như: Nhà đầu tư được miễn tiền thuê đất, thuê mặt nước 10 năm và giảm 50% tiền thuê đất, thuê mặt nước cho thời gian còn lại; đồng thời được áp dụng mức thuế suất 5% thuế thu nhập DN, trong đó, được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp trong thời gian 4 năm và giảm 50% số thuế thu nhập phải nộp trong 9 năm tiếp theo. Hơn nữa, Hà Nội được thí điểm thành lập quỹ đầu tư mạo hiểm có sử dụng ngân sách để đầu tư vốn vào các DN công nghệ cao. Với vị trí chiến lược, hội tụ tốt nhất điều kiện về nguồn nhân lực, trình độ phát triển, sự quan tâm hỗ trợ từ chính quyền thành phố, đội ngũ DN FDI, Hà Nội được nhận định là một trong những tỉnh, thành phố phát triển ngành công nghiệp chế tạo bán dẫn của cả nước.
Tuy nhiên, theo GS Nguyễn Mại - Chủ tịch Hiệp hội DN đầu tư nước ngoài, Hà Nội cũng phải đối mặt nhiều thách thức để phát triển ngành công nghệ bán dẫn như: Vấn đề về năng lượng, vấn đề về hệ thống cơ sở hạ tầng kỹ thuật của đô thị. Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng hiện đang thiếu các khâu cơ bản của hệ sinh thái công nghiệp bán dẫn gồm công nghệ, chuỗi, nhân lực, vốn, dữ liệu, năng lượng. Trước những thách thức trên, để khai thác hiệu quả các tiềm năng, lợi thế của Thủ đô, ông Mại cho rằng, Hà Nội cần nâng cao hơn nữa việc sự phối hợp giữa chính quyền Thủ đô với các bộ, ngành trung ương, các viện khoa học, trường đại học trong thu hút đầu tư vào ngành công nghiệp bán dẫn để góp phần tăng vốn FDI cho Thủ đô. “Bên cạnh đó, Hà Nội cần xây dựng danh mục dự án khuyến khích đầu tư không chỉ tập trung vào công nghiệp bán dẫn mà còn khuyến khích các công nghệ tương lai như AI, Blockchain, Fintech, dịch vụ hiện đại, và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Những lĩnh vực này liên quan chặt chẽ với công nghiệp bán dẫn” - ông Mại nhấn mạnh.
Tương tự, Hiệu trưởng Trường đại học Công nghệ (Đại học Quốc gia Hà Nội) Chử Đức Trình cho rằng, Hà Nội nên phát triển nguồn nhân lực trong ngắn hạn, trung hạn và dài hạn, tạo được nguồn cung cấp nhân lực ổn định, lâu dài đáp ứng nhu cầu lao động của ngành bán dẫn nói chung, DN FDI nói riêng. Đồng thời cần có chiến lược dài hạn, những giải pháp đột phá kịp thời nắm bắt cơ hội phát triển, tận dụng thế mạnh và các giải pháp khuyến khích các DN đầu tư, phát triển ở lĩnh vực bán dẫn.