Khai thác “mỏ vàng” ẩm thực
Những ngày cuối tuần, trên các tàu HP1, LP3 từ Hà Nội về Hải Phòng có rất đông bạn trẻ. Foodtour Hải Phòng đang là hoạt động hấp dẫn với những người trẻ thích trải nghiệm ẩm thực độc đáo và khám phá du lịch thành phố cảng. Không chỉ Hải Phòng, thời gian gần đây nhiều địa phương đã nhanh nhạy nắm bắt lợi thế, chọn ẩm thực để kích cầu du lịch...
Những năm gần đây, TP Hải Phòng trở thành điểm đến phổ biến với giới trẻ yêu thích ẩm thực. Chỉ ít lâu sau khi Sở Du lịch Hải Phòng giới thiệu Foodtour Hải Phòng (tháng 3/2022), nó đã trở thành trào lưu bùng nổ trên các nền tảng mạng xã hội. Nói đến du lịch là nhiều người trẻ nhắc đến ngay foodtour. Lượng hành khách di chuyển qua đường sắt Hà Nội - Hải Phòng nhờ đó cũng tăng vọt.
Foodtour - hướng du lịch mới
Ngân Anh - sinh viên Trường Đại học Thương mại Hà Nội tranh thủ ngày nghỉ cuối tuần cùng các bạn thực hiện chuyến Foodtour Hải Phòng 1 ngày. “Bọn em chọn đi tàu để có những trải nghiệm và chi phí cũng hợp lý. 6 giờ 20 lên tàu, khoảng 9 giờ có mặt ở ga Hải Phòng. Đoàn có 4 bạn, thuê 2 chiếc xe máy là có thể vi vu, thưởng thức ẩm thực của thành phố, sau đó 18 giờ lên tàu về Hà Nội” - Ngân Anh chia sẻ và bật mí, chuyến foodtour hôm nay, cả nhóm sẽ tranh thủ thưởng thức cơ bản các món đặc sản của Hải Phòng như bánh đa cua, bún cá cay, bánh mì que, chè dừa dầm và một số loại ốc.
Cũng giống như Ngân Anh, anh Quang Minh (Đống Đa, Hà Nội) chọn Hải Phòng để giới thiệu cho một người bạn vừa ở nước ngoài về và muốn thưởng thức các món ăn Việt. Anh Minh chia sẻ, sẽ khám phá Hải Phòng trong 2 ngày, ngày đầu thưởng thức ẩm thực thành phố, ngày thứ hai sẽ đi tham quan Hòn Dấu.
“Bạn tôi sinh sống ở nước ngoài nhưng luôn mong muốn một lần được về Hải Phòng để thưởng những món ẩm thực mang đậm nét văn hóa của thành phố cảng như bánh đa đỏ, nem cua bể hay bánh mỳ cay… đặc biệt là chè dừa dầm. Hỏi vì sao biết, cô ấy nói xem “review” trên mạng và qua chia sẻ của các bạn trẻ trên Facebook, Tiktok” - anh Minh nói.
Từ cách làm và thành công của Hải Phòng, một số địa phương cũng bắt đầu triển khai mô hình này. Mới đây, tại phường Vĩnh Trại, TP Lạng Sơn, Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch Lạng Sơn và chuyên gia ẩm thực Nguyễn Thường Quân đã có buổi khảo sát ẩm thực trải nghiệm quy trình quay lợn tại một cơ sở chế biến lợn quay. Đây là một hoạt động nhằm xây dựng sản phẩm du lịch Foodtour Lạng Sơn, bởi địa phương này có rất nhiều tiềm năng với những ăn độc đáo cùng cách chế biến rất riêng như: lợn quay, vịt quay mắc mật; bánh chưng đen, bánh ngải, khâu nhục, phở chua… cùng những loại gia vị nổi tiếng như: măng ớt, mắc mật, chanh rừng.
Ẩm thực Việt được ví như một “mỏ vàng” để phát triển du lịch. Nhiều địa phương có tiềm năng phát triển du lịch cũng đang rất nhanh nhạy nắm bắt lợi thế này. Ninh Hòa được ví như một tọa độ du lịch nổi tiếng của tỉnh Khánh Hòa. Trong hành trình khám phá Ninh Hòa, du khách được giới thiệu, trải nghiệm và thưởng thức những món ăn truyền thống nổi tiếng như: nem, gà Ninh Hòa, bún cá lá dầm... hay giải khát bằng nước dừa Vạn Thiện (phường Ninh Đa), theo chân ngư dân đi thả lưới, làm bánh xèo… rất thú vị.
Còn tại TPHCM, hầu hết các tour đưa đón khách đến thành phố đều giới thiệu ẩm thực đặc sắc của các vùng miền. Thành phố có lợi thế là các món ăn đặc sắc đa dạng vùng miền trên cả nước đều hội tụ, tạo nên nguồn ẩm thực phong phú để thu hút khách du lịch. Đến TPHCM, du khách có thể thưởng thức các món ăn đa dạng và phong phú từ mọi miền đất nước như phở Hà Nội, bún bò Huế, lẩu mắm Châu Đốc, hủ tiếu Mỹ Tho, tôm lụi Bạc Liêu... Thành phố cũng phát triển những con phố ẩm thực như: Bùi Viện (quận 1), phố đi bộ ẩm thực Kỳ Đài Quang Trung (quận 10), phố ẩm thực đường Hà Tôn Quyền (quận 11)…
Theo khảo sát của Tổ chức Du lịch ẩm thực thế giới (WFTA), có tới 81% số du khách quốc tế có nhu cầu tìm hiểu ẩm thực địa phương. Họ sẵn sàng dành trung bình 25 - 35% ngân sách cho các khoản chi tiêu liên quan đến thực phẩm và đồ uống trong hành trình du lịch. Ẩm thực được ví như “mỏ vàng” để các địa phương khai thác, kích cầu du lịch. Tiềm năng, lợi thế là vậy, tuy nhiên, chúng ta vẫn thiếu những tour du lịch ẩm thực thực sự đặc sắc.
Cần tạo ra sự đa dạng và hấp dẫn
Ông Phạm Hải Quỳnh - Viện trưởng Viện Phát triển du lịch châu Á cho rằng, thành công của TP Hải Phòng trong mô hình Foodtour là một minh chứng cho tiềm năng lớn của du lịch ẩm thực. Việc kết hợp giữa thưởng thức ẩm thực và khám phá văn hóa, lịch sử của địa phương không chỉ thu hút khách du lịch mà còn giúp tạo nên trải nghiệm độc đáo và tạo ra nguồn thu nhập mới cho cộng đồng địa phương.
“Tuy nhiên, để thành công với mô hình du lịch ẩm thực, các địa phương cần đầu tư vào việc nghiên cứu và phát triển các sản phẩm du lịch phong phú và độc đáo, đồng thời đảm bảo chất lượng dịch vụ và an toàn thực phẩm. Họ cũng cần xây dựng mối liên kết chặt chẽ với các địa phương khác để tạo ra sự đa dạng và hấp dẫn cho du khách” - ông Quỳnh chia sẻ.
Ở góc độ khai thác du lịch, ông Lê Công Năng - Tổng Giám đốc Công ty Du lịch Wonder tour cho rằng, sự thành công của TP Hải Phòng trong mô hình Foodtour là kết quả của việc khai thác hiệu quả những nét đặc trưng văn hóa ẩm thực địa phương. Hải Phòng không chỉ sở hữu nhiều món ăn đặc sản nổi tiếng như bánh đa cua, nem cua bể, bún cá cay, bánh mì cay, dừa dầm... Địa phương này còn có vị trí địa lý thuận lợi, giúp du khách dễ dàng tiếp cận và di chuyển tới các điểm đến trong tour ẩm thực.
Có thể nói du lịch ẩm thực - Foodtour là một trong những xu hướng phát triển mạnh mẽ nhất hiện nay trong ngành du lịch. Không chỉ đơn thuần là ăn uống, ẩm thực còn là cầu nối văn hóa, giúp du khách hiểu sâu hơn về đời sống, phong tục và truyền thống địa phương. Việc tổ chức Foodtour không chỉ gia tăng lượng khách du lịch mà còn đóng góp vào phát triển kinh tế địa phương và góp phần giữ gìn văn hóa ẩm thực truyền thống.
Các địa phương cũng có thể tham khảo từ mô hình thành công của các khu phố ẩm thực và chợ đêm tại Bangkok (Thái Lan). Đây là điển hình về cách thức tổ chức và thu hút du khách quốc tế với môi trường ẩm thực chuyên nghiệp, không gian hấp dẫn và các hoạt động giao lưu giữa người bán và du khách.
“Để thành công trong việc triển khai mô hình Foodtour, các địa phương cần chú trọng đến 3 yếu tố chính: nghiên cứu và xây dựng sản phẩm, đào tạo nhân lực và quảng bá hiệu quả. Trong đó, cần lựa chọn những món ăn mang đậm bản sắc và có sức hấp dẫn. Tại Hải Phòng, cùng những món ăn đường phố nổi tiếng, đội ngũ hướng dẫn viên ẩm thực cũng cần am hiểu về ẩm thực và văn hóa địa phương để giới thiệu cùng du khách cũng làm tăng thêm các tour du lịch ẩm thực” - ông Năng chia sẻ.
Cũng cần lưu ý, mỗi địa phương có đặc thù riêng, vì vậy không nên sao chép mô hình từ nơi khác mà cần phát triển những điểm đặc trưng riêng có của mình. Việc triển khai du lịch ẩm thực cần phải có chiến lược dài hạn, không dựa vào phong trào ngắn hạn. Đặc biệt, cần có sự hợp tác chặt chẽ giữa các đơn vị từ chính quyền đến doanh nghiệp và các cơ sở kinh doanh ẩm thực. Nên có hệ thống cơ sở dữ liệu ẩm thực đầy đủ, chính xác và toàn diện, vì nó sẽ tạo sự thuận tiện cho du khách dễ dàng tra cứu, tìm kiếm các món ăn, các thương hiệu ẩm thực. Và quan trọng là để họ nhớ và muốn quay trở lại.
Ông Nguyễn Xuân Quỳnh - Tổng Thư ký Liên chi hội Đầu bếp Việt Nam:
Phải tạo ra được sản phẩm đặc trưng
Ẩm thực chính là văn hoá của một vùng miền đã thấm đẫm trong từng món ăn, từng câu chuyện về cuộc sống, con người ẩn sâu trong đó, nếu chúng ta khai thác tốt thì đây có thể gọi là “mỏ vàng”. Thời gian qua, nhiều địa phương đã nhanh nhạy nắm bắt và khai thác tốt tiềm năng của ẩm thực du lịch. Tuy nhiên, để ghi điểm trong lòng du khách, để họ nhớ đến địa danh là nhớ đến ẩm thực thì phải tạo ra được các sản phẩm đặc trưng của từng vùng miền hoặc tạo thành một chuỗi như Foodtour Hải Phòng. Hải Phòng thành công chính là nhờ sự kết hợp xây dựng sản phẩm mang tính đặc trưng của vùng miền, để nói đến ẩm thực Hải Phòng là người ta nhớ đến bánh đa cua, bánh mỳ cay, bún cá... và du khách tiêu tiền nhưng vẫn thấy vui vì không bị nhàm chán kiểu “vẫn còn tiền mà thiếu chỗ ăn chơi”.