Tiếng dân

Bản Tà Cóm tìm cách thoát nghèo

Nguyễn Chung 10/08/2024 10:31

Nhiều năm qua, Tà Cóm - bản người Mông thuộc xã Trung Lý, huyện vùng biên Mường Lát (Thanh Hóa) sống trong cảnh khó khăn do địa hình chia cắt, giao thông chưa được đầu tư. Làm sao để thoát nghèo vẫn là câu hỏi khó đối với chính quyền và người dân nơi đây.

anh-bai-tren(2).jpg
Đường vào Tà Cóm. Ảnh: Nguyễn Chung.

Chúng tôi ngược về xã Trung Lý, huyện miền biên giới Mường Lát trong cái nắng đầu tháng tám. Từ đỉnh con dốc Cổng trời hun hút nhìn xuống, bản Tà Cóm gần như nằm biệt lập với thế giới bên ngoài. Một bên là sông sâu, một bên là những dãy núi cao. Để đến được bản, chúng tôi phải đi từ trung tâm xã Trung Lý qua địa phận xã Mường Lý, rồi đi đò vượt sông Mã vào bản.

Chị Giàng Thị Dế, người bản Tà Cóm cho biết: “Đường đi ra trung tâm xã khó quá nên bao năm rồi nhà mình và dân bản vẫn bị cái đói, cái nghèo đeo bám. Ở đây, bà con chủ yếu đi bộ. Những người đi được xe máy mới chở được bao sắn, bao ngô xuống bến, bán lại cho thương lái thôi”.

Chị Dế kể: Nhà chị trồng được hơn 1ha sắn, năm ngoái diện tích này trị giá gần 40 triệu đồng. Năm nay, gia đình chị Dế mở rộng lên 2ha sắn nữa. Tuy nhiên, do giao thông khó khăn đã khiến sắn và các loại nông sản khác rất khó tiêu thụ, nếu có bán được thì giá cũng rất thấp vì thương lái ép giá. Chị Dế hy vọng, Tà Cóm sẽ được đầu tư một con đường bê tông kiên cố thuận lợi để vận chuyển nông sản ra trung tâm. Giao thông thuận tiện sẽ thúc đẩy hàng hóa, giao thương phát triển, thu nhập của gia đình chị cũng như các hộ trong bản sẽ được tăng lên. “Năm vừa rồi, cũng bởi con đường đi khó khăn mà sắn của bà con bên này sông chỉ bán với giá 1.200 đồng/kg (do phải trừ đi chi phí vận chuyển qua sông), còn giá sắn bà con bên trung tâm xã nhập cho công ty, luôn ở mức hơn 2.000 đồng/kg” - chị Dế than thở.

Bí thư Chi bộ bản Tà Cóm Sùng A Tông cho rằng, cũng bởi khó khăn về địa hình, địa bàn chia cắt nên vựa sắn năm 2023 cả bản chỉ trồng được 30ha. Sắn được mùa, được giá, bước sang năm 2024, hộ nào trong bản cũng trồng, diện tích tăng gần gấp đôi. Bà con mong muốn sớm có con đường liên bản kiên cố, dẫn ra trung tâm để việc vận chuyển nông sản được thuận lợi.

Cũng theo ông Sùng A Tông, hiện bản có 112 hộ, với 620 nhân khẩu thì có tới 102 hộ nghèo. Lâu nay, đời sống của bà con gặp rất nhiều khó khăn. Kinh tế của người dân chủ yếu dựa vào phát triển lâm nghiệp, chăn nuôi là chính. Thế nhưng, suốt hơn 10 năm, cây xoan từ đề án gần như không cho thu nhập, đã đẩy người dân vào thế khó.

Hi vọng và niềm vui lớn nhất của người dân bản là cuối năm 2023, bà con có điện lưới quốc gia. Còn con đường nữa thôi, nếu được đầu tư, đời sống của người dân sẽ thay đổi. Những năm trước, dù có rất nhiều chương trình, dự án đầu tư sinh kế nhằm giúp người Mông ở Tà Cóm thoát nghèo, nhưng vì giao thông cách trở, không điện, không đường mà hiệu quả đầu tư chưa cao.

Bên cạnh những khó khăn về địa hình, địa bàn thì vấn đề học tập cũng là một trong những trở ngại lớn mà Bí thư Chi bộ Sùng A Tông trăn trở. Một bộ phận người dân trong bản không thạo tiếng phổ thông. Đó cũng là nguyên nhân dẫn đến đời sống của người dân chậm thay đổi. Tư duy “trông chờ, ỷ lại” vào chính sách của Nhà nước vẫn còn nặng nề.

Trao đổi với chúng tôi, ông Ngân Văn Lon - Chủ tịch UBND xã Trung Lý cho biết, việc đó đang là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến đói nghèo và là rào cản với địa phương trong việc triển khai các chủ trương, chính sách. Nâng cao dân trí chính là “con đường” giúp bà con thay đổi tư duy, khơi dậy ý chí thoát nghèo. Ngoài việc đẩy mạnh học tập của con em địa phương, Đồn Biên phòng Trung Lý đã, đang tiếp tục phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện triển khai các lớp học tại các bản Khằm 1, Khằm 2, Pa Búa, Tà Cóm...

Đại úy Hơ Văn Di - cán bộ Đồn Biên phòng Trung Lý, người đứng lớp ở bản Tà Cóm cho biết: Lớp học ở bản Tà Cóm nói riêng, cũng như các bản khác của xã Trung Lý đã tạo nên những hiệu ứng tích cực. Cán bộ biên phòng cũng lồng ghép các nội dung về tuyên truyền pháp luật vùng biên, nếp sống văn hóa mới... từ đó góp phần giúp bà con thay đổi tư duy, nhận thức, nếp nghĩ, cách làm.

“Tà cóm có thoát nghèo được hay không thì ngoài việc áp dụng hiệu quả các chủ trương, chính sách của nhà nước trong phát triển kinh tế còn phải trông chờ vào các thế hệ trẻ. Chúng tôi xác định, muốn thoát nghèo bền vững, thoát khỏi các hủ tục lạc hậu thì chỉ có một con đường học tập. Chính vì vậy, trong những năm qua, chính quyền và các ban, ngành luôn tập trung vận động tuyên truyền đến từng hộ dân, từng phụ huynh quan tâm hơn nữa đến học tập của con em. Hi vọng, những “mầm chữ” ở Tà Cóm nói riêng và các bản người Mông ở Trung Lý nói chung sẽ lên xanh và cho những mùa vụ bội thu” - ông Ngân Văn Lon chia sẻ thêm.

Nguyễn Chung