70% bệnh nhân mắc ung thư phát hiện ở giai đoạn muộn
Số liệu được Globocan (Tổ chức Ung thư toàn cầu) công bố vào đầu năm nay cho thấy, Việt Nam có hơn 120.000 ca tử vong do ung thư mỗi năm. Một trong những nguyên nhân chủ yếu dẫn tới tình trạng này là phát hiện muộn.
Tỷ lệ ca tử vong do ung thư ngày càng cao
Cụ thể hơn theo Globocan, mỗi năm Việt Nam ước tính có 180.480 ca mắc mới và 120.184 ca tử vong do ung thư. Tỷ suất mắc mới ở Việt Nam đứng thứ 91 trong số 185 nước, song tỷ suất tử vong đứng vị trí 50 và ngày càng tăng trên bảng xếp hạng toàn cầu. Trong đó, dẫn đầu là ung thư gan, ung thư phổi, với tỷ lệ mắc mới và tử vong tăng theo từng năm.
PGS.TS Nguyễn Thị Xuyên - Chủ tịch Tổng hội Y học Việt Nam cho biết, lý do chủ yếu là do phát hiện muộn. Các bệnh viện Việt Nam hiện trang bị hầu hết phương tiện chẩn đoán và điều trị hiện đại, tiệm cận với thế giới, trong đó có điều trị đích, điều trị miễn dịch. Nhiều thuốc điều trị ung thư đã được đưa vào Danh mục thuốc được chi trả của bảo hiểm y tế, giúp bệnh nhân tiếp cận tốt hơn với phác đồ điều trị hiệu quả cũng như phương thuốc tiên tiến. Song, yếu tố chính tác động đến tỷ lệ chữa khỏi ung thư là việc phát hiện sớm hay muộn. Trong khi đó, hiện hơn 70% bệnh nhân ung thư phát hiện bệnh ở giai đoạn muộn, khiến tỷ lệ chữa khỏi ung thư của Việt Nam thấp hơn các nước phát triển.
Thực tế, một trong những thực trạng đáng lo ngại nhất trong lĩnh vực y tế là sự phát hiện muộn của nhiều loại bệnh, đặc biệt là ung thư. Đối với nhiều bệnh nhân, việc không nhận ra triệu chứng sớm hoặc không thực hiện các biện pháp kiểm tra định kỳ dẫn đến việc bệnh đã ở giai đoạn nặng trước khi được chẩn đoán. Điều này làm giảm đáng kể cơ hội chữa trị và tăng nguy cơ tử vong.
Khám sức khỏe định kỳ chưa trở thành thói quen
Tại nước ta, việc khám sức khỏe định kỳ vẫn chưa được hình thành như một thói quen cần có. Nguyên nhân bởi hầu hết mọi người đều có những suy nghĩ sợ khám vì biết đâu khám… ra bệnh; e ngại chi phí điều trị cao; và đa số chờ đến khi có bệnh mới bắt đầu đi thăm khám.
Với quan niệm sai lầm đó, không ít bệnh nhân khi nhận được kết quả khám thì bàng hoàng phát hiện sức khỏe đã ở mức trầm trọng, nảy sinh nhiều biến chứng, thậm chí bị chẩn đoán mắc bệnh nan y, ung thư…
Gần 1 năm nay, chị N.T.L. (32 tuổi, Hà Nội) đau dạ dày theo từng đợt. Mỗi đợt chị thường bị quặn bụng, chướng bụng, ợ chua, chán ăn, mệt mỏi. Chị nghĩ do đau dạ dày thông thường nên tự mua thuốc về uống. Tình trạng đau tăng dần, uống thuốc không cải thiện, sụt 5kg, chị đến cơ sở y tế thăm khám. Kết quả nội soi dạ dày cho thấy, bệnh nhân bị ung thư dạ dày giai đoạn muộn.
GS.TS Lê Văn Quảng - Giám đốc Bệnh viện K cho hay: Ở Việt Nam, 3 loại ung thư thường gặp là phổi, gan, dạ dày. Những bệnh lý này thường tiên lượng rất xấu, tỷ lệ tử vong cao hơn. Đặc biệt, người bệnh đến khám ở giai đoạn muộn, các bác sĩ không thể can thiệp, chỉ có thể điều trị giảm nhẹ. Thực tế ghi nhận hiện nay trong nhiều trường hợp, khi phát hiện và chẩn đoán xác định rõ ràng, cụ thể thì người bệnh thường ở giai đoạn cuối; ngoài khối u được phát hiện đã phát sinh thêm tình trạng nổi các hạch vùng và di căn đi nơi khác. Vì vậy, việc phát hiện và chẩn đoán sớm bệnh ung thư có ảnh hưởng rất lớn đến thái độ xử trí biện pháp can thiệp, kết quả điều trị và tiên lượng bệnh, có nghĩa là ung thư chẩn đoán sớm sẽ giúp việc điều trị có kết quả. Tầm quan trọng và yêu cầu cần thiết của việc chẩn đoán xác định sớm ung thư phải được các nhà khoa học cũng như cộng đồng quan tâm trong khi những yếu tố nguy cơ gây nên bệnh ung thư ngày càng đáng lo ngại.
Các chuyên gia nhấn mạnh, trong “cuộc chiến” chống ung thư cam go, “thắng” hay “thua” nằm ở hai chữ “sớm”, “muộn”. Chính vì vậy, chủ động tầm soát ung thư sớm là cực kỳ quan trọng, bởi tầm soát phát hiện bệnh ở giai đoạn đầu mang lại hiệu quả điều trị cao, giúp kéo dài thời gian sống và thậm chí có thể khỏi bệnh hoàn toàn.
Bên cạnh biện pháp tránh ô nhiễm môi trường (không khí, nước và đất), thực phẩm và tránh bức xạ do chính phủ đảm nhiệm, cá nhân mỗi người cần biết cách phòng, chống ung thư bằng các biện pháp sống lành mạnh, bỏ hoặc không hút thuốc lá, hạn chế ăn muối, ăn nhiều rau và trái cây, ăn nhiều cá, ăn ít thịt bò, heo, giảm ăn thịt hộp, dùng thực phẩm an toàn.
Rèn luyện thể lực mức độ trung bình: mỗi ngày 30-45 phút; ít nhất 4 ngày/tuần với các hình thức như đi bộ nhanh (7km/giờ), đi xe đạp nhanh, chạy chậm, chơi bóng bàn, bơi…
Phát hiện sớm ung thư bằng khám định kỳ ít nhất 6 tháng/lần/năm và đi khám ngay khi có các dấu hiệu bất thường như: chảy máu, đau, nhiễm khuẩn lâu ngày không khỏi, viêm tĩnh mạch; khối u bất thường, viêm họng lâu lành, khàn giọng lâu, khó tiêu dai dẳng; loét lâu ngày không liền và lan rộng. Chủ động tầm soát ung thư sớm như siêu âm tuyến vú; nội soi cổ tử cung, nội soi đại trực tràng, nội soi tai mui họng, nội soi dạ dày thực quản.