Mặt trận

Để Nông thôn mới thực sự đem lại lợi ích cho nhân dân

PHƯƠNG NGUYÊN - ANH VŨ 11/08/2024 09:15

Dự kiến trong năm 2024, Hà Nội sẽ đạt tiêu chí Thành phố Nông thôn mới (NTM). Trong đó, hiện toàn thành phố đã có 68 xã đạt NTM kiểu mẫu và hàng trăm xã đạt NTM nâng cao. Xác định NTM chỉ thực sự có ý nghĩa khi cải thiện đời sống vật chất, tinh thần của người dân. Vì vậy, thành phố Hà Nội đang tổ chức lấy ý kiến sự hài lòng của người dân về kết quả xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu và kết quả xây dựng NTM cấp thành phố.

anh-thay-trang-5.jpg
Phụ nữ Đan Phượng chung tay làm đẹp tuyến đê kiểu mẫu tại xã Đan Phượng, huyện Đan Phượng, Hà Nội.

Ngay sau khi hoàn thành xây dựng NTM, nhiều địa phương trên địa bàn thành phố Hà Nội đã khẩn trương bắt tay vào xây dựng NTM kiểu mẫu, NTM nâng cao. Trong đó, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và toàn thể nhân dân, huyện Đan Phượng tiếp tục là địa phương dẫn đầu thành phố trong xây dựng NTM. Đặc biệt, những ngày này, huyện Đan Phượng đang triển khai lấy ý kiến sự hài lòng của người dân về kết quả xây dựng huyện NTM nâng cao.

Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện Đan Phượng Phạm Thị Kim Oanh cho biết: Chúng tôi đã triển khai lấy ý kiến người dân tại 15/15 xã. Huyện đã tổ chức hội nghị triển khai, hướng dẫn cán bộ cơ sở lấy phiếu bằng 2 hình thức, tùy theo điều kiện của từng thôn, khu dân cư. Một là, phát phiếu cho các hộ gia đình, hướng dẫn các hộ ghi phiếu trả lời các câu hỏi và thu phiếu trực tiếp tại các hộ. Hai là, tổ chức họp khu dân cư, phát phiếu và xin ý kiến đại diện các hộ gia đình. Đến nay, việc lấy phiếu vừa mới kết thúc trong sự phấn khởi của nhân dân.

Là một trong những địa phương đã cơ bản hoàn thành công tác lấy ý kiến người dân, ông Trần Ngọc Chiến - Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã Hồng Hà (huyện Đan Phượng) thông tin, đã lấy ý kiến 2.363 hộ, chiếm hơn 75% tổng số hộ. Nhìn chung, người dân rất hài lòng về kết quả xây dựng NTM nâng cao của huyện. Chẳng hạn, các phiếu không hài lòng về quy hoạch, giao thông, thuỷ lợi và phòng chống thiên tai… đều chiếm tỷ lệ rất nhỏ và sát với thực tế. Việc làm này thể hiện mong muốn của người dân về công tác công khai quy hoạch để nhân dân tham gia góp ý, hay người dân mong muốn một số tuyến đường được khẩn trương cải tạo hơn…

Việc tổ chức lấy ý kiến người dân về kết quả xây dựng huyện NTM nâng cao cũng đang được huyện Thường Tín thực hiện. Việc tổ chức lấy ý kiến bằng phiếu được thực hiện đối với từng hộ gia đình. Theo quy định, tỷ lệ triển khai lấy ý kiến toàn huyện phải đạt ít nhất 75% tổng số hộ dân, tương đương ít nhất là 54.947 hộ trở lên. Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Thường Tín Bùi Công Thản, triển khai xây dựng NTM nâng cao, hạ tầng kinh tế - xã hội của huyện đã được đầu tư đồng bộ; đời sống vật chất và tinh thần của người dân được nâng lên rõ rệt. Đến nay, thu nhập bình quân trên địa bàn huyện đạt 76,6 triệu đồng/người/năm…

Còn tại huyện Thanh Oai, Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện Thanh Oai Nguyễn Thị Bích Thủy cho biết, phiếu có 10 câu hỏi. Trong đó, kết quả đánh giá từ câu số 1 đến câu số 9 phải đạt trung bình từ 95% số hộ được lấy ý kiến hài lòng, câu số 10 cũng đã đạt từ 98% số hộ được lấy ý kiến hài lòng.

Sau quá trình triển khai tích cực, kéo dài trong nhiều năm, thành phố đã đạt nhiều kết quả quan trọng trong xây dựng NTM. Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội Nguyễn Đình Hoa cho biết, Hà Nội có 18/18 huyện, thị xã đạt chuẩn NTM. 4 huyện, Đông Anh, Gia Lâm, Thanh Trì, Hoài Đức phấn đấu năm 2024 được công nhận huyện NTM nâng cao. Các huyện Đan Phượng, Thanh Oai và Thường Tín đã được Đoàn thẩm tra đánh giá đủ điều kiện huyện NTM nâng cao.

Hiện nay, thành phố đang phối hợp sở, ngành hoàn thiện báo cáo thẩm tra, phối hợp với Ủy ban MTTQ thành phố để lấy ý kiến hài lòng của người dân. Trong 382 xã trên địa bàn thành phố có 186 xã đạt chuẩn NTM nâng cao và 68 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu. Song, để quá trình xây dựng NTM thực sự đem lại lợi ích cho nhân dân, MTTQ các cấp đã triển khai lấy ý kiến người dân về kết quả xây dựng NTM kiểu mẫu, NTM nâng cao. Việc lấy phiếu ý kiến sự hài lòng của người dân nhằm phát huy vai trò chủ thể của nhân dân; nâng cao trách nhiệm của MTTQ và các tổ chức thành viên trong việc vận động, giám sát xây dựng NTM nâng cao của các địa phương.

Về phía thành phố, Uỷ ban MTTQ thành phố Hà Nội cũng đã chỉ đạo các đơn vị lấy ý kiến người dân về việc đề nghị Hà Nội hoàn thành xây dựng NTM trong năm 2024. Đối với cấp huyện, mỗi huyện chọn 30% số xã, mỗi xã chọn 50% số khu dân cư; mỗi khu dân cư chọn 70% số hộ gia đình để lấy ý kiến.

Đối với thị xã, lấy 100% xã trên địa bàn, mỗi xã chọn 50% số khu dân cư; mỗi khu dân cư chọn 70% số hộ gia đình để lấy ý kiến. Vì vậy, thành phố triển khai lấy ý kiến tổng số 136.885 hộ trên địa bàn 18 huyện, thị xã. Sau khi hoàn thành việc lấy phiếu ý kiến đánh giá sự hài lòng của người dân trong xây dựng NTM cấp thành phố sẽ được niêm yết tại bảng tin của các khu dân cư, Nhà văn hóa thôn, trụ sở UBND các xã, các huyện, thị xã; công bố kết quả trên hệ thống các cơ quan thông tin đại chúng của xã, huyện, thị xã và thành phố.

Chủ tịch Uỷ ban MTTQ thành phố Hà Nội Nguyễn Lan Hương cho biết: “Trong quá trình lấy ý kiến đánh giá sự hài lòng của người dân trong xây dựng NTM, thành phố Hà Nội đặt người dân là trung tâm của việc xây dựng NTM, nên tiêu chí quan trọng là người dân được thụ hưởng thật, tránh việc nợ tiêu chí. Trong thực tế quá trình lấy ý kiến của huyện, xã trước đây về hoàn thành NTM nơi này nơi kia còn tình trạng nợ tiêu chí, người dân bị thiệt thòi khi không được hưởng giá trị thật của việc xây dựng NTM.

Do đó lần này, dứt khoát không thể xảy ra tình trạng nợ tiêu chí, nên phải chú trọng giám sát việc thực hiện của chính quyền. Sự hài lòng của người dân là thước đo về xây dựng NTM, nên cần thực hiện một các thực chất, không hình thức, đó là nguyên tắc trong quá trình triển khai”.

PHƯƠNG NGUYÊN - ANH VŨ