Gian nan thuê trọ
Tháng 8 luôn là thời gian cao điểm của việc tìm phòng thuê trọ. Và năm nào cũng vậy, giá nhà trọ tại các khu vực gần các trường đại học trên địa bàn TP Hà Nội lại tăng cao hơn khi gần kề năm học mới. Bên cạnh đó, tìm nhà trọ đảm bảo an toàn phòng cháy chữa cháy cũng là vấn đề được đặt ra...
“Đỏ mắt” tìm phòng trọ
Đã 3 ngày rong ruổi quanh các phố Trần Cung, Hoàng Quốc Việt, Phạm Văn Đồng... để tìm phòng trọ, Nguyễn Thuận và Vương Anh (cùng sinh năm 2006, quê Bắc Giang) cho biết, các em dự đoán khả năng cao sẽ đỗ vào Trường Đại học Thương mại nên đã lên Hà Nội sớm để tìm phòng trọ. Thế nhưng sau vài ngày tìm kiếm vẫn chưa thể thuê được một căn phòng phù hợp với mong muốn cũng như mức tài chính mà gia đình các em có thể đáp ứng.
“Em đã gọi điện thoại và đến xem tận nơi 5 phòng trọ nhưng hầu như giá thuê khá cao. Như một phòng có diện tích 30m2 ở khu vực đường Cốm Vòng có giá 3,6 triệu đồng/tháng, chưa kể tiền điện 4.000 đồng/1 số, tiền nước 100.000 đồng/người/tháng, mạng internet 50.000 đồng/người/ tháng... Tính ra mỗi tháng em sẽ phải trả từ 4,5 - 5,5 triệu đồng. Mặc dù chúng em dự tính ở ghép cùng nhau nhưng với sinh viên tỉnh lẻ thì chi phí đó là khá cao”, Nguyễn Thuận cho hay.
Cũng là sinh viên đi thuê trọ, Mai Anh, sinh viên năm 2 Học viện Báo chí và Tuyên truyền cũng đang đau đầu tìm phòng chuyển trọ. Em cho biết, nhà trọ cũ sau khi lắp đặt các thiết bị phòng cháy chữa cháy (PCCC) đã yêu cầu tăng giá thuê phòng thêm 300.000 đồng/tháng nên em buộc phải chuyển sang chỗ mới.
“Mặc dù nhà trọ cũ đã trang bị PCCC nhưng với giá thuê cao hơn như vậy em không thể chi trả để ở tiếp cho đến khi tốt nghiệp. Sau khi tham khảo ý kiến gia đình em đành phải tìm một nhà trọ khác để cân bằng kinh tế, mong sao tìm được một nơi ở mới tốt và an toàn hơn”, Mai Anh chia sẻ.
Hai trường hợp trên cũng là câu chuyện của nhiều sinh viên đang gặp phải tại thời điểm này. Tìm phòng trọ gần trường, đảm bảo an toàn PCCC, có đủ tiện nghi, phí dịch vụ không quá cao... là mong mỏi của đại đa số sinh viên khi học tập tại Hà Nội. Nhưng mong mỏi ấy có lẽ chưa khi nào được đáp ứng bởi giá phòng trọ mỗi năm mỗi khác, hầu như chỉ tăng lên chứ không có xu hướng giảm đi.
Tình trạng tăng giá phòng trọ hiện cũng phổ biến tại địa bàn quận Hai Bà Trưng, nơi có nhiều trường đại học như: Kinh tế quốc dân, Xây dựng, Bách khoa... Hay trên địa bàn quận Đống Đa với các trường Đại học Ngoại thương, Học viện Ngoại giao, Đại học Luật Hà Nội; địa bàn quận Thanh Xuân, Hà Đông với rất nhiều trường đại học như Đại học Khoa học xã hội và nhân văn, Đại học Khoa học tự nhiên, Đại học Hà Nội…
Ghi nhận chung cho thấy, phân khúc nhà trọ giá thấp luôn được tìm kiếm dù các chủ nhà đồng loạt tăng giá. Có những phòng trọ nhỏ ở khu vực đường Trần Đại Nghĩa (quận Hai Bà Trưng) với diện tích chỉ 15m2 - 20m2 cũng đội giá lên 2,5 - 3 triệu đồng/tháng. Trong khi trước đó chỉ 2 - 2,5 triệu đồng/tháng.
Đối với phòng trọ mới xây, diện tích 15 - 20m2 tại khu vực đường Láng, Chùa Láng (quận Đống Đa) có đầy đủ đồ đạc như giường, tủ, bếp ăn, hầu hết đều ở mức giá từ 3 triệu đồng trở lên. Với phòng trọ rộng hơn từ 25 - 40m2 thì giá dao động từ 3,5-5 triệu đồng.
Một chủ nhà trọ ở ngõ 328 Nguyễn Trãi (Thanh Xuân, Hà Nội) chia sẻ, việc tăng giá thuê phòng trọ là điều không thể tránh khỏi vì người đổ về Hà Nội ngày một đông mà nhà trọ cũng như các sản phẩm khác đều phải tăng giá theo thời gian.
“Phòng trọ cho sinh viên thường tăng giá vào đầu năm khi có lứa sinh viên mới, nhưng cũng có thể tăng vào bất kỳ thời điểm nào trong năm. Sinh viên ra Hà Nội học ngày càng đông hơn mà nhà trọ, chung cư mini xây mới lại không nhiều nên tăng giá là điều tất yếu. Chưa kể, bây giờ, mọi loại mặt hàng đều tăng giá nên chúng tôi cần có thêm chi phí trang trải cuộc sống”, người này cho biết.
An toàn thì mới an cư
Nhìn từ thực tế, chuyện tìm nhà trọ ở thành thị vẫn luôn là điều nan giải cho mỗi cá nhân muốn sống và gắn bó với Hà Nội hay các thành phố lớn khác. Nhưng vẫn câu chuyện đó, hiện nay không chỉ dừng lại ở việc tìm được nơi để nghỉ lưng sau ngày lao động mệt mỏi mà còn phải đảm bảo các công tác PCCC và cứu hộ cứu nạn.
Sau nhiều vụ cháy thương tâm, Công an TP Hà Nội ra quân kiểm tra, rà soát các cơ sở kinh doanh cho thuê trọ. Kết quả cơ quan Công an đã yêu cầu 16.479 nhà trọ và 22 chung cư mini trên địa bàn phải dừng hoạt động. Điều này khiến cho các chủ nhà trọ buộc phải có những biện pháp tu sửa, trang bị các thiết bị để PCCC, đáp ứng đủ yêu cầu mới được tiếp tục kinh doanh. Chính vì vậy, giá thuê sẽ ngày một tăng cao.
Ông Đinh Minh Tuấn - Chuyên gia về bất động sản phân tích, giá cho thuê phân khúc nhà trọ, phòng trọ tại Hà Nội tăng là do nhu cầu lớn của người dân. Thêm vào đó, giai đoạn vừa qua có nhiều vấn đề liên quan đến an toàn cháy nổ khiến các chủ nhà trọ phải đầu tư sửa chữa, đáp ứng yêu cầu. Từ đó, chi phí lắp đặt, sắm sửa thiết bị cũng sẽ tính vào giá thuê nhà. Một phần cũng do nguồn cung nhà trọ trong nội đô ít đi, người dân có xu hướng tìm thuê nhà trọ đầy đủ tiện ích, có mức độ an toàn cao hơn.
Chị Nguyễn Thị Minh Phương, quản lý nhà trọ tại ngõ 41, Bùi Ngọc Dương (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) đã từng bị cơ quan Công an lập biên bản cấm kinh doanh sau khi kiểm tra an toàn PCCC cho biết, bản thân chị đã phải đầu tư nhiều tiền và công sức để cải tạo lại hệ thống PCCC trong nhà.
“Các thiết bị PCCC cơ bản như bình bọt chữa cháy, bình cứu hỏa, mặt nạ phòng độc, hệ thống báo cháy, thang dây, hệ thống thoát hiểm, lối thoát nạn... đều được chúng tôi bổ sung và trang bị tại các phòng, với tổng chi phí khoảng 15 triệu đồng. Vì thế nên giá thuê phòng hiện nay cũng phải tăng lên ít nhất 300.000 đồng/phòng. Người thuê nhà muốn an toàn, chúng tôi đã đáp ứng đủ, thì số tiền chúng tôi nhận về cũng chỉ để trả cho các chi phí đó mà thôi”, chị Phương nói.
Việc các chủ nhà trọ đều có xu hướng tăng giá thuê sau khi sửa sang đảm bảo PCCC là điều dễ hiểu. Nhưng với những lý do này thì chỉ nên tăng ở mức nhẹ và tăng một lần duy nhất.
Tăng giá là một phần, nhưng mặt khác, với các chủ nhà trọ chưa đáp ứng được yêu cầu về PCCC phải tạm dừng hoạt động kinh doanh thì người thuê trọ cũng bị ảnh hưởng khá nhiều. Các chuyên gia cho rằng, việc TP Hà Nội tạm dừng hoạt động hàng nghìn nhà trọ, chung cư mini đây là việc làm cần thiết và phải làm. Tuy nhiên, cơ quan chức năng cũng cần phải xây dựng lộ trình và tính tới phương án hỗ trợ người thuê nhà để bảo đảm an sinh xã hội.
Ông Nguyễn Văn Đính - Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam chia sẻ, quy định yêu cầu dừng hoạt động cho thuê trọ không đảm bảo PCCC là cần thiết. Nhưng cùng với quy định này phải có các giải pháp đồng bộ để tránh ảnh hưởng đến đời sống của người dân đi thuê trọ. Tuyệt đối không nên đẩy họ ra ngoài đường mà không tính phương án hỗ trợ.
Câu chuyện tìm nơi chốn ở thành thị trong thời gian tới vẫn sẽ tiếp tục là vấn đề cần đến sự quan tâm của các cơ quan quản lý, chính quyền địa phương để tạo điều kiện giúp cho sinh viên hay những người có nhu cầu thuê trọ tìm kiếm được nơi cư trú với mức giá phải chăng, bên cạnh đó là đảm bảo an toàn về PCCC, an ninh trật tự.
TS Trần Xuân Lượng - Viện phó Viện Nghiên cứu và Đánh giá thị trường bất động sản Việt Nam: Không thể làm theo cách "không quản được thì cấm"
Một thực tế đáng bàn đó là nhiều năm qua người thuê trọ cũng như chủ nhà trọ rõ ràng nhìn thấy nguy cơ cháy tiềm ẩn nhưng vẫn “nhắm mắt đưa chân”, bởi nếu thuê ở những căn nhà cho thuê hiện đại, đảm bảo an toàn PCCC thì giá thành cao, bản thân hoàn cảnh gia đình khó khăn sẽ rất khó để đáp ứng được.
Trong khi đó, gần như rất ít nhà trọ, chung cư mini đáp ứng được yêu cầu. Việc cấm những chung cư mini, phòng trọ không đảm bảo về PCCC là chủ trương hoàn toàn đúng đắn nhưng phải xây dựng một lộ trình phù hợp. Đây là vấn đề an sinh xã hội, không thể làm theo cách "không quản được thì cấm".
Tôi cho rằng, trong ngắn hạn có thể tổng kiểm tra 1 lượt các phòng trọ, chung cư mini thực hiện các bước đầy đủ về trang thiết bị, được tập huấn an toàn về PCCC. Ngoài ra, cần đặt ra khái niệm hộ nào là hộ kinh doanh, hộ nào là hộ tăng gia sản xuất. Cần làm rõ khái niệm để người dân tiếp cận đúng các điều kiện về đảm bảo an toàn PCCC.
Các cơ quan quản lý cần xem xét các bài toán về quy hoạch, giám sát để tránh được các bất cập. Đưa ra giải pháp đồng bộ, để đảm bảo quyền lợi của người thuê trọ.
Ông Nguyễn Thế Điệp - Phó Chủ tịch Câu lạc bộ Bất động sản Hà Nội: Xây dựng hành lang pháp lý cho phân khúc phòng trọ, nhà cho thuê
Giá nhà ở Hà Nội tăng cao vượt xa khả năng mua của đại đa số người dân. Việc người dân chọn thuê những căn hộ chung cư mini không đảm bảo an toàn PCCC nhưng vừa túi tiền cũng là điều dễ hiểu. Chính vì thế tự bản thân người thuê cũng cần cân nhắc và tìm hiểu tính toán an toàn khi ở trong căn hộ mình thuê. Còn các cơ quan chức năng cần có những kiểm tra rà soát nghiêm ngặt từ khâu xây dựng đảm bảo đúng giấy phép, đủ điều kiện kinh doanh cho thuê, an toàn PCCC... để loại trừ những rủi ro, tránh xảy ra những sự việc đáng tiếc như thời gian qua.
Nhưng phải nhìn nhận, hiện nay chúng ta đang “nợ” phân khúc phòng trọ, nhà cho thuê một hành lang pháp lý. Luật Nhà ở 2023 cũng chưa có quy định riêng về các tiêu chuẩn, quy chuẩn về nhà trọ, mà chỉ quy định chung chung về phòng ở, sẽ dẫn đến việc xây dựng một cách tràn lan, mỗi nơi, mỗi cá nhân làm một kiểu, cơ quan chức năng cũng có không có căn cứ để quản lý. Vì vậy tôi cho rằng cần phải nhanh chóng xây dựng một hành lang pháp lý thật rõ ràng, chặt chẽ cho loại hình sản phẩm nhà trọ, phòng trọ cho thuê. Cần có quy định cụ thể về quy mô, như 100 phòng thì như thế nào, 50 phòng thì ra sao, và 10 phòng thì như nào. Luật phải cụ thể thì người dân mới nắm được rõ và thực thi đúng luật.