Xã hội

Sức sống mới ở Lâm Hà

NGUYỄN TRỌNG VĂN 11/08/2024 10:10

Chúng tôi về thăm huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng, vào một ngày cuối tháng 7. Mặc dù đã được giới thiệu trước nhưng suốt chặng đường đi chừng hơn 20 cây số từ TP Đà Lạt về tới huyện, chúng tôi vẫn không khỏi ngỡ ngàng trước cảnh sắc hai bên đường. Mùa này dã quỳ chưa nở nhưng dọc đường đã thấy màu lá xanh ngát, báo hiệu một mùa rực rỡ.

1(3).jpg
Một góc Thị trấn Nam Ban.

Tuy xa mà gần

Sau cái bắt tay chào đón, ông Thái Văn Mai - Bí thư Đảng ủy thị trấn vui vẻ nói: “Đã về tới Lâm Hà thì đoàn chúng ta sẽ thấy mảnh đất này tuy xa Hà Nội mà lại vẫn rất gần gũi. Đoàn ta sẽ có cảm giác như đang ở ngoài Thủ đô vậy”.

Câu nói vui kèm lời giới thiệu khéo của ông Mai mới ngoài 40 tuổi, vốn quê ở huyện Đông Anh, Hà Nội đã khiến chúng tôi chú ý. Đúng là tuy xa mà thấy gần. Đầu tiên là chúng tôi được gặp gỡ những người con Hà Nội, họ đã vào đây lập nghiệp từ năm 1976. Thời gian cũng gần 50 năm rồi nhưng vui là ở chỗ những cư dân Lâm Hà, dù vào sinh sống hay sinh ra trên mảnh đất cao nguyên thì vẫn giữ được giọng Hà Nội.

Tôi đem thắc mắc này hỏi ông Thái Văn Mai thì được ông cho hay: “Người Hà Nội vào Khu kinh tế mới Hà Nội ở Lâm Đồng đã mấy chục năm nhưng từ khi vào đây họ đã được định cư tại chỗ theo địa chỉ”. Tôi hỏi thêm: “Theo địa chỉ nghĩa là thế nào?”.

6.jpg
5.jpg
Cơ sở sợi tơ Cường Hoàn silk ở thị trấn Nam Ban.

Thì ra khi cả gia đình “gồng gánh” vào khu kinh tế mới thì những người dân hoặc là ở các huyện ngoại thành như: Đông Anh, Gia Lâm hay Từ Liêm hoặc là ở các quận nội thành như Ba Đình, Hoàn Kiếm hay Đống Đa, Hai Bà Trưng đều được bố trí ở theo khu vực. Thế nên ở huyện Lâm Hà hiện nay có các xã như: Mê Linh hay Gia Lâm; khu phố Ba Đình hay khu phố Thăng Long. Địa danh “quê gốc” được đặt cho “quê mới” nên bà con vẫn cảm thấy gần gụi, vẫn thấy đâu đây “hình bóng quê nhà”. Trẻ em sinh ra ngay từ khi lọt lòng mẹ đã sống trong môi trường ngập tràn âm thanh xứ Bắc yêu thương. Câu giới thiệu của ông Thái Văn Mai hóa ra là như vậy.

Sau khi đưa chúng tôi đi một vòng quanh thị trấn Nam Ban, ông Mai dẫn đoàn tới thăm một số hộ làm kinh tế giỏi. Ông Mai giới thiệu: “Tuy chỉ ở thị trấn Nam Ban, một trong hai thị trấn của huyện Lâm Hà, lại không phải là thị trấn huyện lỵ nhưng tôi vẫn có thể cung cấp thông tin về huyện cho đoàn ta biết”.

Tôi hỏi: “Việc đặt tên địa danh đã thành “cái lệ” là theo “quê gốc” nhưng sao cái tên Nam Ban nghe có vẻ “Lâm Đồng” vậy?”. Ông Thái Văn Mai gật đầu: “Hồi còn Khu kinh tế mới Hà Nội thì Nam Ban cùng với Lán Tranh là những địa điểm người Hà Nội vào định cư. Nam Ban hồi đó được coi là trung tâm của Khu kinh tế mới Hà Nội. Còn cái tên Nam Ban đã có từ trước, theo tiếng của người K’ho thì Nam Ban có nghĩa là “lúa mới”. Tên đó rất hay và cũng đầy tính dự báo nên giữ lại”.

Thị trấn Nam Ban ban đầu là một thị trấn nông trường, được thành lập ngày 19/9/1981. Tháng 10/1987 khi huyện mới Lâm Hà, có nghĩa là Lâm Đồng - Hà Nội, được thành lập thì thị trấn nông trường Nam Ban được đổi tên là thị trấn Nam Ban.

Ông Mai khoát một vòng tay chỉ ra bốn phương nói: Thị trấn Nam Ban nằm trên thềm chuyển tiếp giữa cao nguyên với vùng bình nguyên, ở độ cao trung bình từ 800 - 1.000m so với mặt nước biển. Tôi nghĩ thầm, thảo nào TP Đà Lạt ở độ cao những 1.500m kia. Nhiệt độ chênh nhau những 5 độ là phải. Ông Mai nói thêm: “Địa hình ở đây cơ bản là đồi núi, nhân dân sống tập trung hầu hết là ở giữa các khe núi, thung lũng. Nhưng hay là ở chỗ rất thuận cho trồng cây công nghiệp như cà phê và cây bơ”.

4.jpg
Cây cà phê Lâm Hà ở Khu sinh thái Tám Trình.

Vươn lên trên vùng đất mới

Chúng tôi tiếp tục được mời tới tham quan Khu du lịch sinh thái Tám Trình ở xã Gia Lâm, tuy không thuộc thị trấn Nam Ban nhưng từ vị trí của nhà hàng cà phê Tám Trình chúng tôi có thể thả mắt chiêm ngưỡng thắng cảnh nổi tiếng như: thác Voi, chùa Linh Ẩn ở thị trấn Nam Ban. Ông Đoàn Mạnh Trình, người quê ở xã Văn Khê, huyện Mê Linh, Hà Nội, hiện là chủ doanh nghiệp cho biết: “Tuy ở đây không có những điểm du lịch đẹp như Đà Lạt nhưng các bác thấy đấy, ngồi đây hóng gió cao nguyên, uống chậm ly cà phê và ngắm thác Voi ầm ào kể cũng chẳng thua kém gì”.

Chúng tôi được biết, thị trấn Nam Ban nói riêng, huyện Lâm Hà nói chung hàng năm cũng thu hút một lượng khách du lịch đáng kể chủ yếu là khách du lịch nước ngoài ghé tham quan cũng như tìm hiểu bản sắc đa văn hóa ở đây và nghề dâu tằm.

Được biết doanh nghiệp nông dân Tám Trình được thành lập từ năm 1991, ban đầu là hộ kinh doanh nhỏ rồi dần dần phát triển lên như hiện nay. Ông Trình cho biết, hiện doanh nghiệp có 1 nhà máy chế biến cà phê có công suất 15.000 tấn/năm. Xuất khẩu đi các nước châu Âu và Mỹ. Trong đó xuất thành phẩm là 15%, còn lại là xuất cà phê nguyên liệu.

Tôi hỏi: “Thế cà phê nguyên liệu các anh có từ nguồn nào?”. Ông Trình trả lời: “Chúng tôi thu mua tại chỗ từ bà con các xã và tự túc trồng trên 4 ha của gia đình”. Chỉ nghe ông Trình nói vậy tôi đã hiểu người dân nơi đây đã chuyển mạnh từ trồng cây lương thực mới sang trồng cây công nghiệp có kinh tế cao. Thảo nào người nông dân Lâm Hà hiện nay nhà nào cũng rất khá.

Rời quán cà phê của doanh nghiệp Tám Trình, chúng tôi được ông Thái Văn Mai mời tới thăm một doanh nghiệp khởi thủy từ hộ nông dân mà lên. Đó là doanh nghiệp Cường Hoàn chuyên về tơ tằm.

Ông Cường đưa chúng tôi đi thăm phân xưởng sợi của mình. Trong tiếng máy sợi rền vang, chúng tôi thấy rõ nét mặt phấn khởi của ông chủ doanh nghiệp. Ông Cường cho biết: “Doanh nghiệp chúng tôi thành lập năm 1990. Chủ yếu là làm tơ tằm xuất khẩu với sản lượng 1,8 tấn sợi/tháng. Đất Lâm Hà rất thích hợp với nghề trồng dâu nuôi tằm nên chúng tôi đã mạnh dạn vay vốn đầu tư máy móc. Rồi tiến hành thu mua kén do các hộ nông dân quanh vùng cung cấp. Nghề trồng dâu nuôi tằm cũng là nghề bà con đưa từ ngoài Bắc vào đấy các bác ạ”.

Nhớ lời ông Thái Văn Mai đã giới thiệu: “Những năm gần đây, với những lợi thế có được về tự nhiên và làng nghề, Nam Ban đang có những điều kiện để phát triển du lịch, hàng năm thu hút một lượng lớn du khách, đặc biệt là khách nước ngoài đến tham quan, khám phá. Cùng với cây cà phê, rau và cây hoa công nghệ cao thì cây dâu với con tằm cũng là một thế mạnh của thị trấn Nam Ban”.

Được biết, hiện sản phẩm du lịch nổi bật nhất của thị trấn Nam Ban là các làng nghề, với hai làng trồng dâu nuôi tằm được công nhận làng nghề truyền thống là Đông Anh 3 và Đông Anh 5. Thị trấn Nam Ban hiện có tới 60% dân số trồng dâu nuôi tằm, vừa làm kinh tế, vừa trở thành nơi tham quan. Bên cạnh đó, nghề ươm tơ dệt lụa truyền thống của miền Bắc cũng được cơ sở Cường Hoàn silk đưa vào hoạt động, trở thành điểm du lịch hấp dẫn.

Một ngày ở huyện Lâm Hà qua nhanh. Chúng tôi lên xe trở lại Đà Lạt. Đường trở lại quanh co lượn quanh sườn núi nhưng không hề cảm thấy dốc cao bởi trong lòng đang dâng lên cảm xúc gần gũi.

NGUYỄN TRỌNG VĂN