Chính trị

Tháo gỡ vướng mắc phát triển thị trường bất động sản và nhà ở xã hội

H.Vũ 12/08/2024 09:01

Đoàn giám sát của Quốc hội về “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội từ năm 2015 đến hết năm 2023” đã làm việc với 12 địa phương, và 4 bộ, ngành. Vấn đề đang được đặt ra là tháo gỡ những vướng mắc để phát triển thị trường bất động sản và nhà ở xã hội.

anh-bai-ben-phai-trang-7.jpg
Đoàn giám sát của Quốc hội làm việc với UBND TP Hà Nội.

Làm việc với Đoàn giám sát, tỉnh Bình Thuận cho biết, trên địa bàn tỉnh có 31 dự án đầu tư xây dựng khu dân cư, khu đô thị, nhà ở thương mại còn hiệu lực và 5 dự án nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân. Tuy nhiên tỉnh này cũng cho biết, hiện thị trường bất động sản và nhà ở xã hội ở Bình Thuận còn gặp nhiều vướng mắc. Theo đó, thị trường bất động sản du lịch là một trong những phân khúc thị trường có tốc độ phát triển nhanh và mạnh trong những năm gần đây và dự báo còn tiếp tục phát triển sôi động trong thời gian tới. Tuy nhiên, hiện nay pháp luật chưa có quy định rõ ràng, các khái niệm về bất động sản du lịch và sản phẩm của bất động sản du lịch chưa có trong các quy định pháp luật về Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Xây dựng, Luật Đầu tư, Luật đất đai gây nhiều khó khăn cho cơ quan quản lý nhà nước trong việc hướng dẫn thực hiện loại hình bất động sản này.

Qua đó, tỉnh Bình Thuận kiến nghị Đoàn giám sát báo cáo với các cấp có thẩm quyền nghiên cứu điều chỉnh, bổ sung một số quy định, cơ chế về nhà ở cho người có công với cách mạng, hộ nghèo đang khó khăn về nhà ở. Ban hành Thông tư hướng dẫn phương pháp xác định giá bán nhà ở tái định cư do Nhà nước đầu tư. Quy định việc đặt cọc giữ chỗ, đặt chỗ, đăng ký vị trí trong Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh Bất động sản.

Báo cáo của UBND TP Hà Nội cho thấy, trong giai đoạn từ năm 2015 đến hết năm 2023, công tác phát triển nhà ở xã hội được chú trọng, đã có 30 dự án đã hoàn thành, 58 dự án đang triển khai, 83 ô đất có tổng quy mô sử dụng đất khoảng 43,58ha tại 48 dự án nhà ở thương mại, khu đô thị phải dành quỹ đất 20%, 25% để xây dựng nhà ở xã hội theo quy định.

UBND TP Hà Nội đề nghị, Chính phủ trình Quốc hội ban hành Nghị quyết cho phép thí điểm thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất đối với đất khác trên địa bàn TP Hà Nội. Bởi Luật Đất đai 2024 chỉ cho phép nhà đầu tư đang có quyền sử dụng đất ở hoặc đất ở và đất khác được chuyển mục đích sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại, không quy định cho phép đối với trường hợp chỉ có quyền sử dụng đất khác, trong khi hiện nay trên địa bàn Thành phố có khoảng 300 dự án loại này đang dừng thực hiện.

Trao đổi với Đoàn giám sát, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh đề nghị, Chính phủ cần nghiên cứu, rà soát để sớm sửa đổi pháp luật về quản lý thuế. Qua đó bổ sung thuế tài sản vào hệ thống thuế của nước ta, nhằm giúp ngăn chặn hiệu quả các hiện tượng đầu cơ, găm đất gây sốt ảo trên thị trường, đẩy giá đất tăng cao, đưa đất đai về đúng giá trị thực tế.

UBND TP Hà Nội cũng đề nghị, Bộ Xây dựng, các bộ, ngành liên quan chủ động nghiên cứu để sớm ban hành văn bản hướng dẫn thực hiện quản trị tại nhà ở xã hội để đưa công tác này vào nề nếp, bảo đảm chất lượng, tạo môi trường sống văn minh cho người dân ở loại hình nhà ở này.

Tương tự, làm việc với Đoàn giám sát, UBND tỉnh Bắc Ninh cho rằng, việc quản lý hoạt động kinh doanh bất động sản khu công nghiệp là một vấn đề mới. Do đó đề nghị các bộ, ngành có liên quan hướng dẫn cụ thể để bảo đảm cơ sở thực hiện, đồng bộ giữa quy định của Luật Kinh doanh bất động sản và các nghị định về quản lý khu công nghiệp, khu kinh tế, cũng như phù hợp với đòi hỏi của thực tế.

Qua giám sát tại địa phương, làm việc với các bộ, ngành, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng, giá nhà ở Việt Nam quá cao so với thu nhập của người dân. Do đó cần đánh giá kỹ hơn thị trường bất động sản có khủng hoảng không? quan hệ cung cầu thị trường bất động sản có đúng theo quy luật thị trường hay không? Liệu có đầu cơ, tăng trưởng nóng, cung vượt quá cầu? Do đó cần đánh giá về mức độ về khủng hoảng của thị trường bất động sản, điều tiết thị trường bất động sản khi có biến động.

Theo Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị, thời gian qua do chưa hoàn thiện về công cụ để quy định quản lý thị trường bất động sản nên lúng túng trong điều tiết thị trường. Vì vậy, Luật Kinh doanh bất động sản năm 2023 đã bổ sung quy định cụ thể về các nguyên tắc, biện pháp, thẩm quyền điều tiết thị trường bất động sản.

Ông Nghị cho biết, hiện nay Chính phủ đã ban hành nghị định hướng dẫn, trong đó quy định rõ việc đánh giá thị trường bất động sản làm cơ sở đề xuất điều tiết. Đề xuất các biện pháp điều tiết thị trường bất động sản, quy định cụ thể về việc trình cấp có thẩm quyền phê duyệt các biện pháp điều tiết thị trường bất động sản.

Liên quan đến xử lý các dự án tồn đọng, vướng mắc, theo ông Nghị, các vướng mắc này liên quan đến cả đầu tư, quy hoạch, đất đai, quy trình, thủ tục hành chính. Vì vậy, trong nghị định hướng dẫn thực hiện Luật Nhà ở đã quy định rõ các giai đoạn đầu tư nhà ở thương mại, quy trình đầu tư xây dựng nhà ở xã hội. Đối với việc phát triển nhà ở xã hội, khi Luật Nhà ở năm 2023 có hiệu lực sẽ tháo gỡ cơ bản những vướng mắc này. Luật Nhà ở đã quy định rõ các điều kiện hưởng chính sách nhà ở xã hội theo hướng đơn giản thủ tục hành chính, điều kiện thu nhập trong đăng ký mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội. Luật cũng quy định rõ hơn về trách nhiệm của UBND cấp tỉnh trong việc dành đủ quỹ đất xây dựng nhà ở xã hội theo chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở của tỉnh. Nghị định hướng dẫn thi hành luật cũng quy định về trình tự, thủ tục đầu tư dự án nhà ở xã hội, các giai đoạn đầu tư dự án nhà ở thương mại, nhà ở xã hội, cải tạo chung cư cũ.

Kết quả báo cáo giám sát về việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội từ năm 2015 đến hết năm 2023 sẽ được Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 8 tới.

H.Vũ