Hà Nội triển khai học bạ số ở tất cả các trường phổ thông
Các trường tiểu học, THCS, THPT trên địa bàn thành phố sẽ triển khai học bạ số từ năm học 2024-2025.
Ngày 12/8, Sở GDĐT Hà Nội tổ chức hội nghị tổng kết học bạ số cấp tiểu học, triển khai học bạ số cấp học phổ thông năm học 2024-2025.
Hà Nội là đơn vị đầu tiên trên cả nước triển khai thí điểm học bạ số ở cấp tiểu học.
Học bạ số ở cấp tiểu học được triển khai thí điểm từ tháng 4/2024. Sở GDĐT Hà Nội đã tổ chức hội nghị hướng dẫn, triển khai thí điểm học bạ số cấp tiểu học bằng hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến với 150 đại biểu dự trực tiếp và trên 2.500 đại biểu dự trực tuyến.
Tính đến ngày 24/6, có 27.533/29.093 giáo viên, nhân viên các trường tiểu học đã được trang bị chữ ký số cá nhân, đạt tỷ lệ 94,64%.
Giám đốc Sở GDĐT Hà Nội Trần Thế Cương cho biết, tính đến ngày 31/7, số học bạ được ký số trên tổng số học sinh tiểu học đạt 97,6%. Với kết quả này, Hà Nội là đơn vị dẫn đầu toàn quốc về kết quả triển khai học bạ số cấp tiểu học.
Tỷ lệ còn lại là một số học sinh chưa hoàn thành nhiệm vụ, tiếp tục rèn luyện trong hè và sẽ hoàn thành ký số sau khi có kết quả rèn luyện bổ sung. Ngoài ra còn một số học sinh theo học tại các trường quốc tế, học sinh chưa được cha mẹ thực hiện cấp mã số định danh cá nhân.
Tuy nhiên, theo ông Cương, quá trình thí điểm còn có một số khó khăn như: phát sinh chi phí về hạ tầng thiết bị, lưu trữ và vận hành hệ thống dữ liệu học bạ số; giáo viên phải sử dụng điện thoại, thiết bị của cá nhân để cài đặt phần mềm quản lý chữ ký số...
Từ kết quả thí điểm đối với cấp học tiểu học, Giám đốc Sở GDĐT Hà Nội Trần Thế Cương đã phát động việc triển khai học bạ số tại tất cả các trường phổ thông trên địa bàn thành phố từ năm học 2024-2025.
Để triển khai đại trà học bạ số ở các trường phổ thông trên địa bàn thành phố từ năm học tới, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Hà Minh Hải đề nghị Sở GDĐT Hà Nội thống nhất nhận thức về công tác chuyển đổi số trong cán bộ, giáo viên, nhân viên toàn ngành, đặc biệt là trách nhiệm của người đứng đầu mỗi đơn vị.
Đồng thời, cần quan tâm đầu tư hạ tầng dữ liệu đồng bộ; đẩy mạnh việc số hóa và kết nối dữ liệu; tập trung hướng đến “4 không” gồm: Có khả năng họp không gặp mặt, xử lý văn bản không giấy, giải quyết thủ tục hành chính không tiếp xúc và thanh toán không dùng tiền mặt; “4 có” gồm: Có toàn bộ hành động an toàn trên môi trường số, có khả năng cung cấp dịch vụ mới nhanh chóng, có khả năng sử dụng nguồn lực tối ưu và có khả năng kiến tạo phát triển, dẫn dắt chuyển đổi số quốc gia, giải quyết hiệu quả những vấn đề lớn trong phát triển và quản lý kinh tế-xã hội.