Chặn từ gốc hiểm họa ngộ độc
Là thị trường tiêu thụ lớn nhất khu vực phía Nam và cả nước, TPHCM thường xuyên là điểm nóng về số vụ và số người bị ngộ độc phải nhập viện hàng năm. Sau liên tiếp các vụ hàng chục học sinh, sinh viên phải nhập viện do triệu chứng đau bụng, nôn ói, tiêu chảy, gần đây trên địa bàn thành phố lại tiếp tục tái diễn vụ việc nghi ngộ độc hóa chất, gây lo ngại trong cộng đồng.
Canh cánh nỗi lo...
Đầu tháng 8/2024, Bệnh viện huyện Bình Chánh (TPHCM) tiếp nhận 5 trường hợp nghi ngộ độc hóa chất PAC. Các bệnh nhân nhập viện trong tình trạng suy hô hấp cấp, ngộ độc chất vô cơ, theo dõi ngộ độc polyaluminium chloride, được đặt nội khí quản, thở máy. Một số bệnh nhân sau đó đã được chuyển lên tuyến trên để tiếp tục điều trị, trong đó có bệnh nhân nặng nhất là N.V.L.E. (SN 1993) nhập viện trong tình trạng hôn mê, được chuyển tiếp lên Bệnh viện Nhân dân 115 để điều trị.
Đồng thời, Bệnh viện Nhi đồng 1 cũng đã kịp thời chia sẻ thuốc quý hiếm cho Bệnh viện Trưng Vương, để giúp cứu sống 2 bệnh nhân bị methemoglobin nặng, nghi ngộ độc hóa chất. Theo thông tin ban đầu, cả 5 bệnh nhân đều tham gia vận chuyển bột PAC xử lý nước tại Công ty TNHH TMDV và kỹ thuật Trương Nguyệt tại xã Tân Kiên, huyện Bình Chánh.
Vụ việc gần đây nhất, ngày 8/8, Đội Quản lý thị trường số 9, Cục Quản lý thị trường TPHCM đã phối hợp UBND phường Bình Chiểu (TP Thủ Đức) bất ngờ kiểm tra đột xuất một doanh nghiệp kinh doanh thực phẩm đông lạnh, phát hiện tạm giữ hơn 500kg thực phẩm đông lạnh không rõ xuất xứ, không có hóa đơn chứng từ, trị giá hàng chục triệu đồng.
Trước đó vào cuối tháng 7/2024, cũng tại địa bàn phường Bình Chiểu (TP Thủ Đức), cơ quan chức năng kiểm tra đột xuất một doanh nghiệp kinh doanh thực phẩm đông lạnh khác, và phát hiện tại đây đang kinh doanh thực phẩm đông lạnh không có nhãn hàng hóa theo quy định, không có hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa. Đoàn kiểm tra đã tiến hành lập biên bản đối với doanh nghiệp trên, tạm giữ toàn bộ hàng hóa vi phạm để xử lý theo quy định pháp luật.
Điều đáng nói, số vụ việc hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ được phát hiện, bắt giữ, xử phạt chỉ là số ít, trong khi thực tế đã có không ít vụ nghi ngộ độc thực phẩm có số lượng lên đến hàng chục bệnh nhân là học sinh, sinh viên từ đầu năm đến nay. Trong đó, vào đầu tháng 5 vừa qua có 19 sinh viên ở ký túc xá Đại học Quốc gia TPHCM lần lượt nhập viện do các triệu chứng đau bụng, nôn ói, tiêu chảy sau khi ăn tối khoảng 2-3 giờ tại căng tin khu B của ký túc xá.
Sau đó, Trung tâm quản lý ký túc xá đã phải tạm dừng hoạt động căng tin, giữ nguyên hiện trạng phục vụ điều tra. Cùng thời gian này, Sở Y tế TPHCM cũng báo cáo thông tin tình trạng của 15 học sinh bị ngộ độc thực phẩm, đang học tại 4 trường tiểu học trên địa bàn TP Thủ Đức. Hầu hết các em đều ăn cơm cuộn mua trước cổng trường. Sau khi ăn khoảng 2 đến 3 giờ, các học sinh lần lượt xuất hiện triệu chứng buồn nôn rồi nôn nhiều lần, đau bụng, chóng mặt, mệt mỏi...
Chủ động giám sát từ đầu
Trước diễn biến các vụ ngộ độc, nhất là xuất phát từ thực phẩm bẩn trôi nổi, HĐND TPHCM đã thành lập đoàn khảo sát về chất lượng an toàn thực phẩm tại các công ty sản xuất suất ăn, cơ sở kinh doanh thực phẩm, chợ đầu mối trên địa bàn thành phố. Mới đây, Đoàn khảo sát của Ban Văn hóa - Xã hội thuộc HĐND TPHCM đã tiến hành kiểm tra, giám sát dây chuyền sản xuất suất ăn, quy trình chế biến, nấu ăn, vệ sinh dụng cụ tại Công ty TNHH MTV suất ăn công nghiệp Tú Anh (tại quận Bình Tân, TPHCM).
Theo ông Nguyễn Minh Nhựt - Phó trưởng ban Văn hóa - Xã hội, Đoàn kiểm tra đã đặt ra các vấn đề về lưu mẫu suất ăn; xây dựng nguồn đầu vào thực phẩm sạch; liên kết các nguồn nguyên liệu ra sao; đánh giá nguồn nguyên liệu như thế nào; quy trình truy xuất nguồn gốc thực phẩm...
Về công tác này, bà Nguyễn Khánh Phong Lan - Giám đốc Sở An toàn thực phẩm TPHCM cho biết, lực lượng thanh tra của sở còn "quá mỏng" so với số lượng công ty, đơn vị, cơ sở kinh doanh thực phẩm, suất ăn trên địa bàn TP Thủ Đức và 22 quận, huyện của TPHCM. Do đó, vấn đề quản lý, thanh, kiểm tra an toàn thực phẩm vẫn chưa thật sự triệt để trong thời gian qua.
Tuy nhiên, bà Phong Lan cho biết, thời gian tới đây ngoài các đợt kiểm tra theo lịch báo trước thì Sở An toàn thực phẩm TPHCM sẽ tổ chức kiểm tra ngẫu nhiên bất kỳ công ty, đơn vị, cơ sở kinh doanh thực phẩm nào có dấu hiệu vi phạm. Quyết tâm không để xảy ra tình trạng ngộ độc thực phẩm diễn biến phức tạp như thời gian qua.
Cùng với kiểm tra định kỳ, đột xuất, vai trò của các lực lượng Quản lý thị trường và Thanh tra Sở Y tế TPHCM sẽ giúp đảm bảo xử phạt kịp thời, răn đe đối với các trường hợp công ty sản xuất suất ăn, cơ sở kinh doanh thực phẩm, chợ đầu mối chưa đảm bảo được vệ sinh an toàn thực phẩm hoặc không truy xuất thường xuyên được nguồn đầu vào của hàng hóa, thực phẩm.
Theo Cục Quản lý Thị trường TPHCM, thực phẩm đông lạnh không rõ nguồn gốc xuất xứ thường không được kiểm soát chất lượng và có thể chứa vi khuẩn, chất bảo quản quá mức, hoặc thậm chí là các chất độc hại. Việc không truy xuất được nguồn gốc các thực phẩm trôi nổi không chỉ là mối đe dọa đối với sức khỏe cộng đồng mà còn gây ra nhiều hệ lụy cho nền kinh tế và xã hội.
Cục Quản lý thị trường TPHCM cho biết, đã và đang tăng cường các biện pháp kiểm soát, giám sát và xử lý vi phạm nhằm đảm bảo an toàn thực phẩm và ổn định thị trường. Từ đó, ngăn chặn hàng hóa đông lạnh không rõ nguồn gốc xuất xứ để bảo vệ sức khỏe cộng đồng, duy trì trật tự kinh doanh, bảo vệ nguồn thu thuế, và hỗ trợ phát triển kinh tế bền vững.