Quốc tế

Đậu mùa khỉ đã ở mức báo động

Thanh Đức 13/08/2024 07:01

Thông tin từ Tổ chức Y tế thế giới (WHO), khả năng tuyên bố tình trạng khẩn cấp toàn cầu đối với đậu mùa khỉ là gần như không tránh khỏi. Tổng Giám đốc WHO đã quyết định triệu tập cuộc họp khẩn để ứng phó với sự lây lan của dịch bệnh này.

anhbaitren.png
Lấy mẫu từ một bé trai bị nghi nhiễm đậu mùa khỉ tại Trung tâm Điều trị ở Munigi (tỉnh Bắc Kivu, Cộng hòa Dân chủ Congo). Nguồn: Reuters.

Trước đó, WHO đã ban bố đậu mùa khỉ (mpox) là tình trạng y tế khẩn cấp toàn cầu (PHEIC) từ tháng 7/2022 đến tháng 5/2023. PHEIC là mức cảnh báo cao nhất mà WHO đưa ra đối với một dịch bệnh.

Hiện bệnh đậu mùa khỉ đang hoành hành tại Cộng hòa Dân chủ Congo. WHO cho rằng biến thể đậu mùa khỉ hoàn toàn có thể lan ra khỏi châu Phi. Thống kê từ 15 quốc gia thành viên Liên minh châu Phi cho thấy, số ca mắc và tử vong do đậu mùa khỉ trong 7 tháng đầu năm nay đã tăng lần lượt 160% và 19% so với cùng kỳ năm 2023.

Ông Tedros Adhanom Ghebreyesus - Tổng Giám đốc WHO cho biết, cơ quan này cùng Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh châu Phi, chính phủ các nước và các đối tác đang tăng cường ứng phó với đợt bùng phát.

Trong một bài viết trên tạp chí Science, ông Tedros khẳng định, loại virus này có thể ngăn chặn và phải được ngăn chặn bằng các biện pháp y tế công cộng tăng cường, bao gồm giám sát, sự tham gia của cộng đồng, điều trị và triển khai vaccine có mục tiêu cho những người có nguy cơ lây nhiễm cao hơn.

Ở thời điểm này, Cộng hòa Dân chủ Congo là tâm điểm của dịch đậu mùa khỉ. Theo WHO, nước này đã báo cáo gần 5.000 trường hợp nghi ngờ mắc và hơn 350 trường hợp tử vong kể từ tháng 1, tăng gần gấp 3 lần so cùng kỳ năm ngoái. Đáng chú ý, các nghiên cứu dịch tễ đậu mùa khỉ cho thấy ở Kamituga (miền đông Congo) đã phát hiện những đột biến gene rất nguy hiểm. Các đột biến này được xem là kết quả của việc bệnh tiếp tục lây truyền ở người. Bệnh đang xảy ra ở một thị trấn nơi mọi người ít tiếp xúc với các động vật hoang dã được cho là mang mầm bệnh một cách tự nhiên.

Người đứng đầu phòng thí nghiệm về di truyền bệnh tật tại Viện nghiên cứu Y sinh quốc gia Cộng hòa Dân chủ Congo, tiến sĩ Placide Mbala - Kingebeni nhấn mạnh: Chúng ta đang ở một giai đoạn mới của đậu mùa khỉ. Có thể 99% số người sống sót khi mắc bệnh, nhưng cũng có thể 10% sẽ không qua khỏi nếu như dịch bệnh tiếp tục lây lan, kéo dài. “Rủi ro đến từ việc bệnh nhân không trình báo. Từ đó dẫn tới sự lây truyền trong thầm lặng cực kỳ nguy hiểm” - tiến sĩ Placide nói.

Để ngăn chặn cũng như dập tắt sự lây lan của đậu mùa khỉ cần có sự chung tay của cộng đồng. Nhưng nói như Giám đốc tình trạng khẩn cấp của WHO, tiến sĩ Michael Ryan, thì “chưa có một USD tài trợ nào được đầu tư”.

Đậu mùa khỉ là một căn bệnh do virus hiếm gặp, thường lây truyền qua dịch cơ thể, các giọt hô hấp và các vật liệu bị ô nhiễm khác. Đậu mùa khỉ có nhiều dấu hiệu và triệu chứng khác nhau. Ở một số người, chỉ xuất hiện các triệu chứng nhẹ, nhưng với một số người khác bệnh có triệu chứng nặng hơn và cần được chăm sóc tại cơ sở y tế. Những người có nguy cơ cao mắc bệnh nặng hoặc biến chứng bao gồm phụ nữ mang thai, trẻ em và người bị suy giảm miễn dịch. Triệu chứng điển hình về đậu mùa khỉ bao gồm sốt, đau đầu giật, đau cơ, đau lưng, suy nhược cơ thể, tăng bạch huyết.

Đậu mùa khỉ là một bệnh truyền nhiễm, lần đầu tiên được xác định ở người vào năm 1970 tại Congo. Trước đó, vào năm 1968 đã có một số báo cáo, nhưng không được ghi nhận. Sau đó các ca bệnh đã xuất hiện ở 11 quốc gia châu Phi, gồm: Benin, Cameroon, Cộng hòa Trung Phi, Cộng hòa Dân chủ Congo, Gabon, Bờ Biển Ngà, Liberia, Nigeria, Cộng hòa Congo, Sierra Leone và Nam Sudan.

Tới năm 2003, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) thông báo đợt bùng phát đậu mùa khỉ đầu tiên được báo cáo bên ngoài châu Phi. Đợt bùng phát này liên quan đến việc nhập khẩu động vật có vú bị nhiễm bệnh vào Mỹ. Năm 2018 - 2019, ghi nhận một số ca từ những du khách ở Anh, Israel trở về từ Nigeria.

Trước diễn biến nghiêm trọng bệnh đậu mùa khỉ tại Cộng hòa Dân chủ Congo mới đây, giáo sư Jimmy Whitworth (Trường Y học nhiệt đới London) cho rằng khi mùa du lịch hè mạnh mẽ với số người đi lại nhiều thì cũng là lúc nguy cơ bệnh truyền nhiễm lây lan. Trong đó có đậu mùa khỉ. “Thật đáng lo ngại khi hậu họa Covid-19 chưa dứt hẳn thì virus đậu mùa khỉ có thể tạo nên một đại dịch mới tiếp theo” - giáo sư Jimmy cảnh báo.

Theo WHO, sau khi xâm nhập vào cơ thể con người, thời gian ủ bệnh của đậu mùa khỉ có thể từ 6 - 21 ngày. Sau đó, các triệu chứng đầu tiên sẽ xuất hiện, bao gồm nhiều dấu hiệu giống bệnh đậu mùa như: sốt, nhức đầu, đau cơ, đau lưng, ớn lạnh, kiệt sức và các tổn thương lan rộng trên da, nổi mủ và vỡ ra. Virus lây truyền trong quá trình tiếp xúc gần người mắc bệnh, thông qua dịch thể, các tổn thương ở da hoặc niêm mạc (mắt, mũi, miệng). Virus lây truyền chủ yếu qua giọt bắn đường hô hấp. Song, virus cũng không thể văng xa.

Thanh Đức