Tinh hoa Việt

Trùng tu di tích văn hóa: Xây dựng niềm tin cho công chúng

NGỌC HÀ 13/08/2024 16:19

Chương trình mục tiêu quốc gia chấn hưng, phát triển văn hóa, xây dựng con người giai đoạn 2025 - 2030 đặt mục tiêu đến năm 2030 sẽ có 95% di tích quốc gia đặc biệt và khoảng 70% di tích quốc gia được tu bổ, tôn tạo. Nhiều địa phương đã giành nguồn ngân sách lớn cho hoạt động này… Tuy nhiên, từ câu chuyện tu bổ Chùa Cầu (Hội An, tỉnh Quảng Nam) gây tranh cãi gần đây tiếp tục đặt ra cho công tác trùng tu di tích nhiều thách thức.

bai-vh-1(1).jpg
Chùa Cầu (Hội An) sau khi trùng tu. Ảnh: Tấn Thành

Trùng tu trong... băn khoăn

Những ngày đầu tháng 8 vừa qua, dư luận quan tâm, bày tỏ ý kiến về màu sắc mới sau tu bổ của Chùa Cầu (Hội An). Có lời khen, và cũng nhiều lời chê. Trong đó, nhiều người cho rằng việc trùng tu, đặc biệt màu sơn, đã khiến Chùa Cầu "bớt cổ kính", di tích trở nên lạ lẫm so với trước đây. Tuy nhiên, cũng có nhiều người khen công trình sau trùng tu vẫn giữ được nguyên bản gốc, riêng về màu sắc thì theo thời gian sẽ lại có màu rêu phong.

Sau khi tiếp thu ý kiến từ người dân và du khách, TP Hội An đã quyết định xử lý lại một số chi tiết nhỏ ở đà gỗ và chỗ vị trí dầm trắng dưới lan can Chùa Cầu bằng cách quét vôi có nước lót màu trắng để màu sẫm hơn so với màu trắng hiện tại.

Để thực hiện trùng tu Chùa Cầu không phải là chuyện ngày một, ngày hai. Chùa Cầu thuộc danh mục Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia, vì vậy việc trùng tu phải tuân theo Luật Di sản văn hóa và Thông tư 15 năm 2019 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quy định về bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích.

Ông Trần Đình Thành - Phó Cục trưởng Cục Di sản văn hóa (Bộ VHTTDL) cho biết, Bộ và Cục Di sản đã thẩm định hồ sơ dự án, thiết kế và quá trình triển khai trùng tu. Cục cũng phối hợp với UBND tỉnh Quảng Nam tổ chức hội thảo, hội nghị, mời nhiều giáo sư trong và ngoài nước đóng góp ý kiến về dự án tu bổ di tích. Toàn bộ thông tin dự án này đã được công khai tại địa phương, về cả nội dung triển khai, thiết kế, cho đến quá trình triển khai. Cục cũng phối hợp với cơ quan chuyên môn của tỉnh Quảng Nam và chuyên gia Nhật Bản trong quá trình lên phương án thiết kế và triển khai thi công.

Theo đơn vị thi công, hình dáng của kiến trúc, cấu trúc của kết cấu Chùa Cầu, từ tổng thể đến chi tiết được bảo tồn gần như nguyên vẹn; hình thái kiến trúc sau khi tu bổ hầu như không thay đổi, từ nét uốn cong mềm mại, uyển chuyển của của diềm mái, lan can, sàn cầu; hình thức vững chãi, chắc chắn của hệ kết cấu khung trính chồng trụ đội đến từng chi tiết đấu củng, con ke, họa tiết hoa văn trang trí… đều được giữ vẹn nguyên như lúc ban đầu. Di tích đã được khắc phục gần như triệt để các khiếm khuyết, gia cường đáng kể sự chắc chắn, đảm bảo sự ổn định, bền vững. Bên cạnh bảo tồn, dự án tu bổ cũng thực hiện đồng bộ việc đầu tư nâng cấp hạ tầng cảnh quan, môi trường xung quanh cũng như cơ sở vật chất, trang thiết bị đảm bảo an ninh, an toàn và phục vụ phát huy hiệu quả, lâu dài giá trị di tích.

Khác với những ý kiến dư luận có phần chê nhiều hơn, một số chuyên gia trong lĩnh vực di sản, di tích lại bày tỏ thái độ đồng tình với kết quả công việc của dự án trùng tu Chùa Cầu. TS Trần Đức Anh Sơn khẳng định, công tác trùng tu Chùa Cầu đã tuân thủ đúng yêu cầu kỹ thuật. “Tôi tán thành phương án “trùng tu hạ giải” mà dự án trùng tu Chùa Cầu đã chọn, sau khi tổ chức hội thảo chuyên gia để đánh giá và lựa chọn phương án. Công tác trùng tu đã thực hiện bài bản, khoa học, nghiêm túc, đạt kết quả tốt đẹp, trả lại cho Hội An một Chùa Cầu đúng với diện mạo, hình hài bản thể nhưng vững chãi hơn, kiên cố hơn”.

Nhìn một cách tổng thể, có thể thấy nguyên nhân gây tranh cãi, phản đối hầu như xuất phát ở lớp vỏ của di tích, khi mà sự mới mẻ gây phản kháng với quan niệm cũ kỹ, rêu phong. Bởi vậy, khi nhìn nhận đánh giá về một di tích được tu bổ không thể chỉ dựa trên hiểu biết cơ bản về di tích đó mà còn đòi hỏi những kiến thức chuyên ngành, phương pháp trùng tu nào được lựa chọn để trùng tu di tích đó. Ngoài ra, đội ngũ những người làm công tác trùng tu cần phải làm tốt việc truyền thông để người dân hiểu và có cái nhìn toàn diện về di tích đang được tiến hành trùng tu. Mặt khác, dư luận cũng cần tìm hiểu rõ nguyên nhân chứ không nên “tát nước theo mưa” khiến cho di tích “khó xử”.

anh-5.jpg
Điện Kiến Trung (Huế) trong quá trình trùng tu. Ảnh: Ngọc Hà

Nỗ lực trùng tu các di tích lớn

Nhắc câu chuyện của Chùa Cầu (Hội An) để thấy người dân rất quan tâm đến vấn đề tu bổ di tích, đặc biệt là các di tích, thắng cảnh được UNESCO công nhận hay đã được xếp hạng di tích quốc gia.

Trong thời gian qua, chúng ta cũng đã làm tốt công tác trùng tu những di tích lớn như tại Kinh thành Huế, Thánh địa Mỹ Sơn... đều có dự tham gia của các chuyên gia nước ngoài và nhiều nhà nghiên cứu trong nước.

Tại Huế, dưới sự chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế, Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế đã tôn tạo, trùng tu hệ thống di tích lịch sử một cách toàn diện, có hệ thống. Đến nay, đã có hơn 200 công trình, trong đó có các công trình tiêu biểu như: Điện Kiến Trung, Ngọ Môn, điện Thái Hòa, Hiển Lâm Các, cụm di tích Thế Miếu, các lăng vua Gia Long, Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức, lăng vua Đồng Khánh... đã được tu bổ, phục dựng.

Cách làm của chính quyền tỉnh Thừa Thiên - Huế được xem là đáng để tham khảo, học hỏi và nhân rộng. Theo đó, Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế - đơn vị được giao làm chủ đầu tư các dự án tu sửa, tôn tạo các di tích trong Hoàng thành Huế - đã ứng xử với di tích theo cách tôn trọng giá trị gốc, bảo tồn tính nguyên bản. Trước khi trùng tu một di tích nào, trung tâm đều tổ chức các hội thảo; từ các góp ý, trung tâm chuẩn bị hồ sơ tôn tạo rất kỹ cho mỗi hạng mục công trình cần trùng tu.

Trong số các công trình triều Nguyễn đang được khôi phục, tu bổ, nổi bật là điện Kiến Trung. Đây là cung điện được xây dựng muộn nhất trong kinh thành Huế, với kiến trúc phương Tây độc đáo. Tuy nhiên công trình này đã sụp đổ hoàn toàn trong chiến tranh. Hàng chục năm qua, điện Kiến Trung chỉ là một khu đất trống với dấu vết duy nhất là nền móng. Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế đã sưu tầm các hình ảnh của công trình, tổ nhiều nhiều hội thảo để tham vấn việc phục dựng cung điện này. Đầu năm 2020, dự án xây dựng lại điện Kiến Trung với kinh phí hơn 123 tỷ đồng được triển khai. Sau hơn 3 năm thi công, hiện điện Kiến Trung đã mở cửa đón khách với một diện mạo đảm bảo đúng theo kết cấu cổ, mang thông điệp lịch sử, trở thành điểm nhấn mới trong Kinh thành Huế.

Theo TS Phan Thanh Hải - Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Thừa Thiên - Huế, tại Huế, quá trình trùng tu nhiều di tích ở Huế cũng từng bị phản ứng, có nhiều ý kiến trái chiều. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất là chất lượng trùng tu công trình. Một dự án trùng tu đạt kết quả tốt nhất là dự án tuân thủ đúng các nguyên tắc về trùng tu di sản, được tiến hành bài bản, chuyên nghiệp với chất lượng cao nhất.

Tương tự, Thánh địa Mỹ Sơn (huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam) cũng là một trong những quần thể di tích được trùng tu khá mạnh để lưu giữ lại di sản văn hóa. Quần thể di tích này đã nhận được sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế, hàng trăm chuyên gia trong nước và nước ngoài đến nghiên cứu, hỗ trợ trùng tu… Nhiều nhóm tháp từ phế tích được phục dựng gần như nguyên vẹn. Cho đến thời điểm này, sau gần 30 năm bảo tồn, hầu hết các nhóm tháp tại Mỹ Sơn đều được trùng tu theo nhiều trường phái Ba Lan, Ý, Ấn Độ, Việt Nam.

Tuy còn nhiều tranh cãi về phương pháp hoàn nguyên hay chống sập, nhưng điều lớn nhất nhận thấy được là di sản Mỹ Sơn đã sạch, đẹp, ngăn nắp về cảnh quan cũng như thể hiện sự vững chãi. Từ đây đặt ra nền móng để phát triển du lịch. Theo báo cáo của Ban Quản lý Di sản Văn hóa Mỹ Sơn, 6 tháng đầu năm 2024, lượng du khách đến Mỹ Sơn tăng 37,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, khách nước ngoài đạt 216.828 lượt, khách nội địa đạt 21.348 lượt, doanh thu qua vé hơn 34,6 tỷ đồng.

Việc làm tốt công tác trùng tu di tích lớn là một điểm sáng, nhưng cần phải làm đồng bộ đối với tất cả các di tích chứ không chỉ riêng các quần thể di tích nổi tiếng thì mới nhận được sự quan tâm từ nhiều phía. Không thể bỏ qua việc tu bổ những di tích nhỏ ở địa phương bởi đây là một trong những việc làm quan trọng để gây dựng niềm tin cho công chúng, giúp họ hiểu để từ đó có những nhận định đúng đắn về di sản họ đang bảo vệ.

Không bỏ quên các di tích nhỏ

Theo Bộ VHTTDL, Việt Nam có hơn 41.000 di tích, thắng cảnh, trong đó có hơn 4.000 di tích được xếp hạng di tích quốc gia và hơn 9.000 di tích được xếp hạng di tích cấp tỉnh. Trong Chương trình mục tiêu quốc gia về chấn hưng và phát triển văn hóa, xây dựng con người giai đoạn 2025-2035 đề ra ít nhất 95% di tích quốc gia đặc biệt và khoảng 70% di tích quốc gia sẽ được tu bổ, tôn tạo. Vì thế chúng ta vẫn còn rất nhiều việc cần làm, trong đó là chú trọng việc tu bổ di tích sao cho hài hòa, không can thiệp thô bạo, phải đảm bảo di tích giữ nguyên giá trị kiến trúc, thẩm mỹ, tăng khả năng chống đỡ lại tác động của thời gian.

Nếu như các quần thể di tích lớn đang rất được quan tâm đầu tư cả về nghiên cứu, kinh phí thực hiện, cũng nhận được nhiều sự quan tâm từ dư luận... thì những di tích nhỏ có vẻ đang “yếu thế” hơn trong việc lên tiếng với những sai phạm khi trùng tu. Chẳng hạn, tháng 6/2023, hàng loạt tượng Phật cổ ở chùa Thổ Hà (di tích quốc gia, ở huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang) bị sơn vàng kém thẩm mỹ, trong quá trình tu bổ làm vỡ bia đá 342 năm tuổi. Trường hợp khác, di tích quốc gia đình Trung Thượng và đình Trùng Hạ (huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình) cũng từng bị phủ màu sơn vàng, sơn đỏ công nghiệp, không tôn trọng giá trị nguyên bản.

Năm 2022, vấn đề trùng tu Đình Chèm - di tích quốc gia đặc biệt ở phường Thụy Phương, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội cũng gây “tiếng vang xấu” trong tu bổ, tôn tạo di tích. Trải qua đợt trùng tu, hiện nay Đình Chèm đã được tu sửa và chỉnh trang toàn bộ hệ thống tường rào, cây xanh, sân trước và sân sau đình, cũng như sửa chữa phần ngói tạo thành một “di tích hoàn toàn mới”. Trong quá trình tu sửa, một cây đa lớn trước cửa đình đã bị chặt bỏ, và điều này gây phản ứng tiếc nuối trong cộng đồng. Một số người cho rằng, việc này làm mất đi giá trị của di tích.

Nghiêm trọng hơn, như đền An Liệt nằm ở xã Thanh Hải, huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương, có lịch sử hình thành từ thời Hậu Lê, kiến trúc hiện tại có từ thời Nguyễn, được xếp hạng di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia năm 1995. Sau khi trùng tu tôn tạo, cổng đền cổ kính có giá trị lớn về văn hóa, lịch sử đã bị phá bỏ hoàn toàn. Một cánh cổng mới được xây dựng với quy mô bề thế, rực rỡ và bóng bẩy. Khi khánh thành vào đầu năm 2023, công trình này bị nhiều người coi là xa lạ, và sai lệch nhiều so với nguyên gốc.

Trùng tu di tích đã có những sai phạm từ cấp làng, xã, cho thấy sự thiếu trách nhiệm của chính quyền địa phương trong việc quản lý quá trình tu bổ. Từ đây cũng là ngọn nguồn gây ra tâm lý ái ngại của công chúng khi nghe tin một di tích nào đó sắp được trùng tu. Bởi thế mà không thể tránh khỏi việc dư luận có những ý kiến trái chiều ngay cả khi di tích đó đang được tu bổ theo lộ trình khoa học.

Nhưng nói đi cũng phải nói lại, sự quan tâm của công chúng là chính đáng bởi họ sống và gắn bó với di tích nơi mình ở, cùng với đó là mong muốn bảo vệ, gìn giữ những địa điểm văn hóa - lịch sử của quê hương. Vì thế, việc trùng tu di tích, di sản trong thời gian tới cần nhiều hơn nữa sự quan tâm của các cơ quan quản lý nhà nước, cần thực hiện thận trọng, hiệu quả, lắng nghe người dân để có những bước tiến hành phù hợp, không để xảy ra nhiều tranh cãi ít nhiều đánh mất giá trị của di tích, di sản.

GS.TS.KTS Doãn Minh Khôi - Viện trưởng Viện Quy hoạch và Kiến trúc đô thị (Trường ĐH Xây dựng Hà Nội): Thông tin sớm về kết quả sau trùng tu di tích

gs.ts.kts.-doan-minh-khoi-.jpg

Với việc trùng tu, tu bổ di tích, một trong những vấn đề cốt lõi là bảo vệ các yếu tố gốc của di tích. Khi di tích thay đổi hình thức dư luận có phản ánh tức là dư luận quan tâm. Nguyên tắc của trùng tu là phải giữ được tính nguyên bản, tính chân xác của di sản. Muốn vậy, phải nắm bắt rõ lý lịch của di sản cùng sự biến đổi của nó theo thời gian được xác định qua nguyên tắc khảo cứu; đồng thời phải xác định được nhiệm vụ của trùng tu làm sao vừa phải đảm bảo được yếu tố kỹ thuật, vừa đảm bảo yếu tố nghệ thuật.

Còn về những phản ứng của dư luận, sở dĩ nhiều người dân bình luận trái chiều trước sự thay đổi của các di tích lịch sử sau trùng tu là do họ chưa được thông tin một cách kịp thời, đầy đủ về phương án tôn tạo di tích. Vì vậy các bên liên quan cần phải tổ chức các cuộc thảo luận, báo cáo, trưng bày để người dân hiểu, ủng hộ hay phản đối đúng. Cần có truyền thông thông tin để người dân nắm được. Dù khá phức tạp nhưng chỉ cần đưa lên một số thông tin cần thiết, không cần đưa quá sâu về chuyên môn để người dân dễ tiếp cận và yên tâm. Cùng với đó là truyền thông về các công trình đã trùng tu, khi mới trùng tu hình ảnh như thế nào, sau một thời gian sẽ ra sao thì người dân sẽ thấy được màu sắc của nó lâu dần cũng sẽ nhuốm màu thời gian như hình ảnh quen thuộc cũ.

PGS.TS Lê Quý Đức - nguyên Phó Viện trưởng Viện Văn hóa và phát triển (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh): Trùng tu cần chấp nhận điều mới

pgs.ts-le-quy-duc(1).jpg

Nếu di tích xuống cấp thì việc trùng tu là điều không tránh khỏi. Bất cứ công trình lịch sử, văn hóa hay kiến trúc nào cũng bị thời gian bào mòn và làm mai một. Các di tích lịch sử ấy sẽ dần xuống cấp theo thời gian, thậm chí có thể bị hủy hoại.

Khi trùng tu, sửa chữa, di tích càng giống ban đầu càng tốt, tuy vậy việc thưởng thức, hoài niệm chỉ mang tính tương đối chứ không thể tuyệt đối giống xưa được. Ai cũng có hoài niệm quá khứ, đó là nhu cầu tất yếu văn hóa của Việt Nam. Tuy vậy, bắt tay vào phục dựng là điều không dễ dàng bởi thời đại, kỹ thuật, công nghệ, trình độ, vật liệu đều có sự thay đổi. Điều này đòi hỏi đơn vị tu bổ, trùng tu phải nghiên cứu các ý kiến, tổ chức hội thảo cụ thể với sự tham dự của các nhà khoa học, chuyên gia hàng đầu về tu bổ di tích kiến trúc trong nước và nước ngoài. Qua đó, đưa ra quan điểm chung, xây dựng dự án trùng tu tổng thể, căn cơ vì mục tiêu gìn giữ nguyên vẹn và lâu dài giá trị di tích. Người thực hiện phải có hiểu biết về kỹ thuật, mỹ thuật và thậm chí chính tâm lý của những người đến thưởng thức văn hóa tại di tích để tạo ra một công trình chất lượng. Khi bắt tay vào tu bổ, tôn tạo cần tuân thủ nghiêm nguyên tắc đã được đề ra.

NGỌC HÀ