Quốc tế

Người đàn ông có trái tim titan

Bảo Thư 13/08/2024 16:26

Một bệnh nhân 58 tuổi tại Mỹ mắc bệnh suy tim giai đoạn cuối đã trở thành người đầu tiên trên thế giới được cấy tim nhân tạo làm bằng vật liệu titan. Thông thường, các bệnh nhân bị suy tim thường phải chờ 3 năm mới được ghép tim mới do nguồn hiến tạng khan hiếm. Do đó, trái tim bằng titan được coi là giải pháp kéo dài sự sống cho các bệnh nhân chờ được ghép tim và trong tương lai có tiềm năng là thiết bị thay thế tim thật.

anhbaiduoi(1).jpg
Trái tim titan được thử nghiệm trên bàn thí nghiệm của BiVACOR. Nguồn: Texas Heart Institute.

Trái tim nhân tạo toàn phần (TAH) bằng titan do Công ty thiết bị y tế BiVACOR (Mỹ) thiết kế, với mục đích thay thế toàn bộ chức năng của tim người trong thời gian lâu nhất có thể. Nó có kích thước tương đối nhỏ, độ bền cao để chống ăn mòn, không có van như tim thật, song, được thiết kế để bơm máu cho cơ thể bằng công nghệ đệm từ trường. Tim nhân tạo này sẽ được cung cấp năng lượng từ một thiết bị gắn bên ngoài bệnh nhân.

Ngày 11/8, trang Science Alert cho biết bệnh nhân 58 tuổi nói trên được thay tim titan tại Trung tâm Y tế Baylor St.Luke thuộc Viện Tim Texas (Mỹ), đã qua 1 tuần và không gặp biến chứng nào. Ông Daniel Timms - nhà sáng lập BiVACOR, cho biết, trong 10 ngày đầu khi được ghép, trái tim titan sẽ hoạt động “hoàn toàn tốt”, sau đó còn phải chờ đợi những diễn biến thực tế, tuy rằng trong phòng thí nghiệm nó đã hoạt động bền bỉ được 4 năm.

Cho tới nay, ông Bert Jan-ssen (người Hà Lan) hiện là bệnh nhân cấy ghép tim sống lâu nhất thế giới. Năm 1984, ông được ghép tim. Như vậy, tính tới nay ông đã sống bình yên với “trái tim của người khác” 39 năm 112 ngày. Hiện ông Bert Jan-ssen 57 tuổi, có vợ và 2 con trai. Bác sĩ Albert Mattart - Bệnh viện Harefield (Anh) cho biết, đó là sự thần kỳ vì trước ông Bert, kỷ lục bệnh nhân cấy ghép tim sống lâu nhất thế giới thuộc về Harold Sokyrka, người Canada, với 34 năm 359 ngày, thiết lập vào năm 2021.

Y học thế giới cũng đã từng dùng tim lợn biến đổi gene cấy ghép cho người, tuy nhiên, đều không thành công như dự tính. Đầu tháng 11/2023, trường hợp cấy ghép tim lợn thứ hai trên thế giới tại Trung tâm Y khoa Đại học Maryland (Mỹ) đã tử vong sau khi được ghép gần 6 tuần. Đại diện cơ sở y khoa này cho biết, quả tim dường như khỏe mạnh trong tháng đầu tiên, nhưng sau đó các dấu hiệu đào thải xuất hiện mà không có cách gì ngăn được.

Trước đó, trường hợp người đầu tiên trên thế giới được áp dụng kỹ thuật cấy ghép tim lợn biến đổi gene là ông David Bennett (57 tuổi, người Mỹ), qua đời 2 tháng sau ca ghép tim vào năm 2022 với nhiều biến chứng.

Bảo Thư