Tinh hoa Việt

Ðà Lạt, như sợi dây vô hình…

NGUYỄN XUÂN THỦY 15/08/2024 07:28

Những mảnh ký ức dạt trôi lại là nơi lưu giữ sinh động, đặc sắc và chi tiết nhất, ám ảnh đến dai dẳng về một vùng đất. Có một Đà Lạt đã được “bảo tồn” theo cách ấy trong mỗi lữ khách đặt chân đến nơi này.

dalat4.jpg
Bên hồ Xuân Hương. Ảnh: Nguyễn Xuân Thủy.

Nét riêng cuốn hút

Kiều - dân Quy Nhơn, kinh doanh homestay trên Đà Lạt. Homestay nhà Kiều ở ngõ 79, Bùi Thị Xuân, phía trên là đường Lý Tự Trọng bình lặng, thông xuống là Bùi Thị Xuân phố xá đông vui. Ngoài homestay này Kiều thuê thêm một khách sạn nhỏ đối diện. Cả hai thường xuyên kín khách suốt bốn mùa Đà Lạt.

Đường Lý Tự Trọng dẫn lên Dinh tỉnh trưởng như bị thời gian bỏ quên giữa thiên nhiên cây lá. Kiều mở điện thoại bật cho tôi xem, trên bản đồ Đà Lạt khu vực này cũng là vùng xanh còn giữ được giữa khu trung tâm thành phố. Dinh tỉnh trưởng được xây dựng từ năm 1910, liên tục từ đó các đời tỉnh trưởng Đà Lạt đã ở đây. Hiện tòa nhà này được bảo tồn, thuộc sự quản lý của Trung tâm văn hóa, nghệ thuật, Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Lâm Đồng.

Trên đồi có nhiều cây cổ thụ, xà cừ, long não, kề phía sau nhà có một cây sa mộc lớn cao hơn nóc nhà. Tòa nhà hiện được dùng để trưng bày, lưu giữ những ký ức về Đà Lạt. Cùng với đó, như những vùng đất khác, vẫn còn đó rất nhiều những mảnh ký ức lạc trôi về vùng đất này.

Nhà Kiều nằm dưới chân đồi Dinh tỉnh trưởng. Địa thế chỗ ngõ 79, Bùi Thị Xuân ấy khá điển hình cho dạng địa hình dốc của Đà Lạt, trông lên là đường, trông xuống cũng đường. Có chỗ đi bộ có thể được nhưng chưa chắc đi xe máy được, vì dốc cao thì phải làm bậc, mà bậc thì chỉ có leo chân, cũng có những con dốc vừa vừa thì thiết kế cả bậc cả đường liền cho xe máy leo.

Có chỗ đi xe máy được, ngang tắt rất gần nhưng ô tô thì lại phải vòng cả cây số đi đường khác. Quanh co nhiều tầng, trên dưới kề nhau nhưng có khi phải vòng cả cung đường. Như nhà Kiều, ô tô thì phải đi phía Bùi Thị Xuân nhưng nếu xe máy có thể ghé phía quán cà phê trên Lý Tự trọng đi bộ xuống. Đầu đường vào Lý Tự Trọng cũng vậy, gần như chung với đầu đường Phan Bội Châu, khúc đầu như một con đường đôi nhưng mỗi nhánh là một đường độc lập chia về hai ngả, vào nhầm nhánh là đi miết khó mà quay lại. Bởi thế Google map ở đây bị rối loạn, thường chỉ sai. Nghe Kiều diễn giải xong tôi hỏi đường gần nhất ra chợ đêm để tự đi, Kiều lại bảo: “Với cái kiểu “lằng tà ngoằng” của Đà Lạt ngay cả người ở đây chỉ đường cũng khó diễn giải, tốt nhất là để em chở”.

dalat1.jpg
“Ngôi nhà kỳ quái” của KTS Đặng Việt Nga. Ảnh: Xuân Thủy.

Tòa homestay nhà Kiều mua năm 2021, 65 m2, 17 tỷ đồng. Giờ có giá khoảng 22 - 25 tỷ. Khách sạn 2 sao đối diện gia đình thuê 30 triệu/tháng. Mộc là tên ở nhà của con trai Kiều, cô đã lấy cái tên này để đặt cho homestay khi khởi nghiệp.

Kiều bảo khách đến Đà Lạt có nhu cầu đi và khám phá ngoại cảnh là chính nhưng vẫn ưu tiên sự tiện lợi nên nhiều người vẫn muốn ở khu trung tâm với giá cả phải chăng, 250 nghìn/người/ngày là mức giá phù hợp cho mọi đối tượng, khách đoàn thì có thể chỉ 100 nghìn một người. Kiều bảo, bất động sản Đà Lạt có mức giá cao hơn Quận 1, TPHCM nhưng cũng ít có giao dịch vì ít có người bán, nhất là khu trung tâm, có mua được cũng phải ra xa xa trung tâm, đất nông nghiệp, đất vườn mua bán dạng viết tay thôi.

Nhưng bây giờ nhiều người trẻ khởi nghiệp rất có tầm nhìn, đất rẫy, đất cheo leo ven lộ mà có view đẹp là chớp mắt thành khu cà phê check-in ngất ngây. “Thung lũng đèn coffee” tại dốc số 7, Trại Mát là một ví dụ. Nơi này cách trung tâm Đà Lạt 8 cây số, với địa thế ôm trọn thung lũng và núi non, chủ đầu tư đã thiết kế thành tổ hợp ăn uống, check-in, ngắm cảnh, thường được chọn là điểm đến không thể bỏ qua khi tới Đà Lạt. Rồi rất nhiều quán nướng, cà phê "view" thiên nhiên hay có tầm nhìn rộng thu cả Đà Lạt vào tầm mắt, dù xa nhưng nhờ quảng bá tốt trên mạng xã hội nên vẫn có dự phần vào lịch trình của khách muốn tìm một Đà Lạt nguyên sơ, chan hòa với thiên nhiên.

Chỉ cần đặt chân tới Đà Lạt ít phút là vô vàn những địa chỉ gợi ý sẽ hiển thị trên dòng thời gian Facebook của du khách. Nhưng vẫn có những khoảng trống. Bằng chứng là Kiều giới thiệu về những điểm có thể đến không giống trên Facebook, đó là quán cà phê do người khiếm thính phục vụ. Là quán “Gạt tàn đời”, nghe cái tên đã chất, là quán cà phê nơi có thể đọc sách giữa những chú sóc nhảy nhót vui đùa…

dalat3.jpg
Một góc tòa biệt thự vốn là Dinh Tỉnh trưởng tại Đà Lạt. Ảnh: Xuân Thủy.

Thời toàn cầu hóa, thế giới phẳng dễ san bằng mọi bản sắc, may thay Đà Lạt vẫn níu được những bước chân lữ khách, áp đặt “luật chơi” của mình một cách dễ chấp nhận bởi những áp đặt đó quá đỗi yêu thương. Không giống như phố biển du lịch theo mùa, Đà Lạt có đủ lý do để người ta đến quanh năm, hết mùa mai anh đào thì có mùa phượng tím, mùa dã quỳ...

Du lịch ngày nay cũng có trend, những xu thế của giới trẻ đã tạo ra những sản phẩm du lịch mới, hoặc đôi khi là ngược lại khi các sản phẩm du lịch, các điểm đến được truyền thông tốt. Các điểm check-in có điểm bền lâu, có điểm chỉ tồn tại một thời gian và cũng có tính hai mặt. Như địa điểm bức tường của tiệm “Bánh mì cối xay gió” vài năm trước, lũ lượt người chụp ảnh trong khi phố nhỏ, xe đông, rất dễ xảy ra mất an toàn, giao thông bị đình trệ, vậy nên chính quyền Đà Lạt đã quyết tâm dẹp bỏ vì chỉ là một bức tường mới vẽ, không mang giá trị lịch sử, không vì chiều khách mà bất chấp.

Thiên nhiên ưu ái cho Đà Lạt nhiều thứ để mà cảm, mà kể, mà thăm thú thưởng ngoạn, thế nên Đà Lạt là vùng đất bốn mùa, các cơ sở lưu trú không quá lo lắng vì trống phòng, vì hết mùa du lịch. Nhà Kiều có một cơ sở kinh doanh lưu trú khác ở Đà Nẵng. Khi mùa hè phố biển rộn ràng kết thúc thì Đà Lạt cũng chuẩn bị vào mùa đẹp nhất năm, của tháng mười rực rỡ dã quỳ, khi mùa mưa đã qua, trời trong veo và nắng lạnh cao nguyên mời gọi, nên vợ chồng Kiều cứ chia thời gian luân phiên cho hai nơi như thế.

dalat2.jpg
Góc trưng bày những kỷ vật của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn với Đà Lạt trong tòa biệt thự Dinh Tỉnh trưởng. Ảnh: Xuân Thủy.

Mảnh đất của sự kết nối

Nằm trong dải cao nguyên Kon Tum - Gia Lai - Đắk Lắk - Đắk Nông - Lâm Đồng nhưng Đà Lạt là một khác biệt. Nhịp điệu cao nguyên hừng hực đã được làm lạnh để giảm tông đi rất nhiều nếu không muốn nói đã được "cấp đông" để ra một “biến thể” lạ lùng. Sự ngái ngủ của cao nguyên, sự dềnh dàng đỏng đảnh lúc mưa lúc nắng đã khiến người ta không vội, không thể vội.

Nếu như Huế mang âm hưởng lặng buồn trầm lắng thì Đà Lạt là sự vô ưu, chầm chậm sống, không cầu kỳ diệu vợi nhưng đủ độ duyên dáng tình tứ.

Lần đầu tiên tôi đặt chân đến Đà Lạt là năm 2001. Khi ấy Đà Lạt đang “nổi” với ngôi nhà kỳ quái của KTS Đặng Việt Nga, công trình kiến trúc này có hình dáng cách điệu một gốc cây cổ thụ; khi ấy đã có Phước khùng - một nghệ sĩ nhiếp ảnh tự do đậm màu sắc Đà Lạt. Bây giờ hai “điểm nhấn” đó vẫn còn, chỉ là bị hòa loãng hơn trong nhiều thứ “độc lạ” mới mẻ khác.

“Ngôi nhà kỳ quái” xưa đã liên tục mở rộng thành một tổ hợp giao thoa giữa kiến trúc và điêu khắc chứa đựng tâm huyết trọn đời của nữ kiến trúc sư đã qua tuổi 80, vẫn là một điểm đến của Đà Lạt.

Nghệ sĩ Phước khùng đã kết hôn cùng nhà thơ trẻ Hồng Thủy Tiên sau khi cô tốt nghiệp từ Hà Nội vào, ông vẫn cùng vợ sống trong ngôi nhà xưa đậm chất Phước. Khu Hòa Bình khi tôi đến lần đầu vẫn là tâm điểm cho những người muốn thẩm thấu hồn cốt Đà Lạt xưa, nhâm nhi cà phê ngắm mưa rơi chứ chưa rầm rập kéo nhau đứng dưới bức tường “Bánh mì cối xay gió” như vài năm trước hay ra quảng trường Lâm Viên bên hồ Xuân Hương với hai tòa nhà cách điệu hoa dã quỳ và hoa atiso check-in như bây giờ.

Ở lại trong tôi từ chuyến đi hơn 20 năm trước là căn gác trên ngôi biệt thự cổ đường Lê Hồng Phong, nơi sinh sống của gia đình một quan chức ngành truyền hình từ chế độ cũ chuyển qua chế độ mới. Oái oăm thay, con gái của ông lại bén duyên với một sĩ quan quân đội khi anh này đưa em gái đi thi vào Trường Cao đẳng Sư phạm Đà Lạt và ở trọ tại gia đình.

Cô gái ấy đã gửi cả một lẵng hoa bất tử ra Trường Sa cho chàng trai khi anh ra làm nhiệm vụ tại đây, và tôi là đồng đội theo chân anh lên thăm nhà bạn gái khi chúng tôi từ Trường Sa trở về đất liền. Chỉ là những lát cắt nhỏ nhưng những hình ảnh ấy đến giờ vẫn sáng rõ, hình ảnh bà má cô gái ngồi bên hiên nhà ngập sương cắt mớ cải thảo ướp kim chi, những đứa trẻ má đỏ au như u trong mây… Trời mưa, cả nhà ngồi quây quần quanh chiếc bếp đổ bánh xèo đãi khách, chiếc nào ra là ăn ngay cho nóng. Ngôi biệt thự cổ với dương xỉ mọc đầy trên mái ngói, những chiếc chậu tí xíu bên các ban công nở đầy hoa ấy đã thành một ám gợi về Đà Lạt, lần trở lại nào tôi cũng đến đường Lê Hồng Phong gần Nhà thờ Con Gà tìm lại những ký ức xưa.

Đường Lê Hồng Phong giờ đã mang một dáng dấp khác, hào nhoáng, kiểu cách hơn, những rêu phong lùi vào sâu hơn nhường mặt đường cho những phận sự mới. Mây cũng không còn bay từ rừng thông bên kia hồ Xuân Hương, qua mặt hồ, sang bên này, những bà già ngồi bán sữa đậu nành nóng bên gốc thông cũng đã lùi vào dĩ vãng.

dalat5.jpg
Ngõ Đà Lạt. Ảnh: N.X.Thủy.

May thay, Đà Lạt dù phát triển nhưng vẫn đủ để lưu giữ những ký ức cá nhân, vẫn ôm chứa những hồn cốt xưa trong sự ít nhiều đã trở nên sôi động hôm nay. Ngày trước là những tiếng guitar bập bùng ở cà phê Tùng, bây giờ vẫn còn phảng phất trong mưa bay tiếng saxophone vi vút bên hồ Xuân Hương kéo dài đôi bờ, một bên sôi động, còn một bên trầm mặc.

Nghệ sĩ Trần Văn Vinh từ miền Tây bỏ lại tất cả chỉ để lên Đà Lạt sống và thổi saxophone ven hồ, ngay cuối dốc Bùi Thị Xuân đi ra phía chợ đêm một chút. Kiều đã cho tôi biết điều này nhưng khi cô chở tôi ra đã chiều muộn, nghệ sĩ Trần Văn Vinh không còn biểu diễn. Tôi chỉ được nghe lại qua clip cô quay vài ngày trước, khi đưa thầy giáo cũ từ Quy Nhơn lên đến để giới thiệu với thầy về một nét văn hóa của Đà Lạt. Tại Đường hầm điêu khắc trước đây cũng có hai vợ chồng biểu diễn âm nhạc. Tấn Vũ - Ngọc Hiếu hát và biểu diễn trống thép, một thứ nhạc cụ lạ có xuất xứ từ Thụy Sĩ.

Ngọc Hiếu vốn là kiểm soát viên ngân hàng tại TPHCM nhưng cô đã về Đà Lạt, chọn công việc trong mắt nhiều người được gọi là “hát rong” như một đam mê và cũng là công việc kiếm sống. Bên cạnh cô là người chồng, cũng là người thổi tình yêu nghệ thuật tới cô. Đà Lạt và âm nhạc đã gắn kết họ thành một gia đình. Lần trở lại này tôi thấy Ngọc Hiếu biểu diễn ở Thung lũng Tình yêu, còn chồng cô vẫn ở Đường hầm điêu khắc. Cô đã đến và ở lại với Đà Lạt như thế. Đà Lạt đã đủ rộng và đủ sâu để thâu nạp những tâm hồn đồng điệu. Bây giờ ở điểm du lịch nào cũng xuất hiện những nghệ sĩ đường phố biểu diễn tạo hình, hội họa, âm nhạc, nhưng ở Đà Lạt vẫn là một cái gì đó rất riêng.

Những tình khúc của Trịnh Công Sơn, Ngô Thụy Miên và một số ca khúc khác vang lên như thể không còn nơi nào hợp lý hơn cho những sự đồng điệu, kết nối.

Kiều tên đầy đủ là Hồ Diễm Kiều, thuở đầu đời cô đã bén duyên với văn chương, có những sáng tác đăng trên tập san “Áo trắng”. Tôi gặp cô lần đầu tại Quy Nhơn, cô sinh hoạt trong một nhóm những người viết trẻ gọi là Gia đình Áo trắng Quy Nhơn.

Homestay nhỏ của Kiều cũng là nơi kết nối bạn bè, kết nối những người viết trẻ. Đã có những người viết tìm đến Mộc homestay của Kiều để sáng tác như một sự tìm kiếm cảm xúc, như Lò Minh Hiếu ở Đắk Lắk, lần nào qua Đà Lạt về cũng có những tác phẩm mới. Tuy giờ đây bận rộn không có nhiều thời gian cho sáng tác nhưng Kiều đã trở thành cầu nối của văn chương như thế, vai trò viết đã nhường chỗ cho vai trò sứ giả văn hóa của Đà Lạt.

Những người như Kiều sẽ góp phần làm nên những ký ức riêng về Đà Lạt nơi những người có cơ duyên gặp cô, những mảnh ký ức riêng lẻ, dạt trôi nơi lữ khách sẽ có sức sống tiềm tàng dai dẳng về một Đà Lạt của riêng ai đó. Như đã từng có một Đà Lạt của riêng tôi.

NGUYỄN XUÂN THỦY