Sức mua thị trường bán lẻ liên tục tăng chậm
Chiều 13/8, tại TPHCM, thông tin về thị trường bán lẻ và đẩy mạnh kích cầu tiêu dùng nội địa, Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công thương cho hay, sức mua hàng hóa bán lẻ trong nước liên tục tăng chậm lại trong một thời gian dài (từ 2021 đến nay).
Theo Vụ Thị trường trong nước, năm 2021, tổng mức bán lẻ hàng hóa dịch vụ chỉ đạt 4.789.495 tỷ đồng, giảm 3,76% so với năm 2020.
Đáng lưu ý, trong cơ cấu nhóm hàng hóa chỉ có ngành hàng lương thực, thực phẩm có sự tăng trưởng hơn 10%. Đây cũng là ngành duy nhất hỗ trợ cho nhóm bán lẻ hàng hóa không giảm so với năm 2020. Các ngành hàng còn lại giảm từ 1,57 – 9,31%.
Sang năm 2022, tổng mức bán lẻ hàng hóa, dịch vụ đạt 5.679,9 nghìn tỷ đồng, tăng 19,8% so với cùng kỳ năm 2021. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ năm 2023 đạt 6.231,8 tỷ đồng, tăng 9,6% so với năm 2022.
6 tháng đầu năm 2024, tổng mức bán lẻ và dịch vụ đạt 3.098.692 tỷ đồng, tăng 8,6% so với cùng kỳ năm trước. Trong cơ cấu tổng mức bán lẻ, các nhóm hàng có đóng góp lớn cho mức tăng chung là lương thực, thực phẩm, văn hóa phẩm giáo dục,...
Theo Bộ Công thương, nếu tính chung cả giai đoạn 2021 – 2023, tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tăng bình quân khoảng 7,2%. Mức tăng này thấp hơn khá nhiều so với mục tiêu của ngành đặt ra tại chiến lược phát triển thương mại trong nước giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn 2045 là 13 – 13,5%.
Đặc biệt, riêng 6 tháng đầu năm 2024, tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ chỉ tăng 8,6% so với cùng kỳ năm trước. Mức này thấp hơn so với mục tiêu của ngành trong năm 2024 và thấp hơn khá nhiều so với mục tiêu tại chiến lược thương mại trong nước.
Vụ Thị trường trong nước cho rằng, tốc độ tăng tổng mức bán lẻ và dịch vụ giai đoạn 2021 đến nay suy giảm. Điều này vô hình trung ảnh hưởng tới tỷ trọng đóng góp của thương mại trong nước vào tăng trưởng khu vực dịch vụ và GDP chung cả cả nước.
Đề cập đến sức mua trên thị trường bán lẻ, đại diện các siêu thị cũng thừa nhận, sức mua 6 tháng đầu năm 2024 khá chậm và chưa có sức bật. Bước sang tháng 7, tình hình mua sắm có nhích hơn. Nhiều nhà phân phối bán lẻ hy vọng, trong những tháng cuối năm 2024, sức mua trên thị trường sẽ ghi nhận những chuyển biến tích cực.
Ông Phạm Văn Chinh – Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước khẳng định: “Thị trường trong nước là 100 triệu dân – sức tiêu thụ rất lớn, dư địa rất lớn. Nếu không có những giải pháp kích cầu tiêu thụ trong nước sẽ không tận dụng được cơ hội phát triển”.
Khảo sát về thị trường bán lẻ, bà Nguyễn Cao Ngọc Dung – Quản lý cấp cao phụ trách phát triển thị trường cho dịch vụ về đo lường bán lẻ tại NielsenIQ Việt Nam nhận định, người tiêu dùng đang chịu khó tiết kiệm trong chi tiêu.
Khảo sát chỉ rõ, 68% người tiêu dùng Việt kiểm tra giá cả hầu hết các sản phẩm trước khi mua, thậm chí so sánh 2 – 3 loại sản phẩm cùng lúc rồi mới quyết định mua.
Ngoài ra, đến 69% người tiêu dùng mua sắm có kế hoạch bằng cách lập danh sách rõ ràng, thay vì mua sắm theo kiểu ngẫu hứng. Bởi vì mua sắm ngẫu hứng dễ mất kiểm soát trong chi tiêu.