Chấn chỉnh điệp khúc lùi lịch - trễ hẹn
Là dự án hạ tầng giao thông đô thị được đầu tư lớn và kỳ vọng nhiều nhất của TPHCM, thế nhưng Dự án Metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) cũng là tâm điểm của điệp khúc “lùi lịch - trễ hẹn” từ năm này qua năm khác.
Dự án metro số 1 có tổng chiều dài gần 20 km, trong đó 2,6km đi ngầm còn lại là đường sắt trên cao, với tổng cộng 14 nhà ga. “Siêu dự án” này của TPHCM có tổng mức đầu tư sau khi được điều chỉnh lên đến 43.700 tỷ đồng, được phê duyệt lần đầu tiên vào năm 2007, khởi công vào năm 2008. Tính đến hết quý II/2024, chủ đầu tư cho biết dự án đã hoàn thành đạt khoảng 98% tiến độ, trong đó có một số gói thầu đạt đúng tiến độ.
Dù vậy, việc hoàn thành và đưa vào hoạt động dự án metro đầu tiên của TPHCM sau 16 năm kể từ khi khởi công vẫn là câu chuyện chưa có hồi kết. Tại nhiều thời điểm, dự án liên tục gặp “sóng gió” về thủ tục giải ngân, nhân sự điều hành, chậm bàn giao mặt bằng... đã dẫn đến liên tục lỗi hẹn khánh thành.
Đáng chú ý, năm 2019, UBND TPHCM phê duyệt điều chỉnh dự án, trong đó, tổng mức đầu tư tăng lên hơn 43.700 tỷ đồng và lùi tiến độ hoàn thành, khai thác thương mại vào quý IV/2021.
Tuy nhiên sau đó, lại tiếp tục chậm do dịch Covid-19, chậm ký kết phụ lục hợp đồng tư vấn… Sang cuối năm 2023, Ban Quản lý đường sắt đô thị TPHCM (MAUR) dự kiến thời gian vận hành thương mại metro số 1 từ tháng 7/2024.
Với kế hoạch mới nhất, MAUR lại xin lùi metro số 1 về thời gian chạy thương mại vào cuối năm 2024. Đồng thời, MAUR cũng gửi văn bản đến Văn phòng UBND TPHCM báo cáo về thực hiện nhiệm vụ và các khó khăn, vướng mắc của siêu dự án này. Tại thời điểm này, chủ đầu tư dự án đã trình bày do các khó khăn nên phải đến quý IV/2024, dự án mới hoàn thành công tác nghiệm thu phòng cháy chữa cháy; hoàn thành cấp chứng chỉ và thẩm định an toàn hệ thống cho các nhà ga còn lại.
Sau đó, Hội đồng kiểm tra nhà nước về công tác nghiệm thu công trình xây dựng mới có thể tiến hành kiểm tra nghiệm thu các hạng mục còn lại. Khi đó, tuyến metro số 1 mới đảm bảo điều kiện để tiến hành vận hành thương mại toàn tuyến.
Sự quan tâm cũng như sốt ruột của lãnh đạo TPHCM đối với tiến độ dự án metro số 1 còn được thể hiện rất rõ qua nội dung báo cáo của ông Phan Văn Mãi - Chủ tịch UBND TPHCM tại cuộc họp Ban Chỉ đạo 167 do Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì, làm việc với các chủ đầu tư dự án vào ngày 8/8 tại TPHCM mới đây.
Báo cáo với Thủ tướng, ông Phan Văn Mãi cho biết, TPHCM đang cố gắng hoàn tất 2 vấn đề khó khăn nhất là chứng nhận an toàn hệ thống và đào tạo nhân sự để đưa tuyến metro số 1 vào vận hành cuối năm 2024. Còn các thủ tục vướng mắc khác, bao gồm các phát sinh tranh chấp, thành phố sẽ tách từng vấn đề ra, giải quyết song song, quyết liệt.
Trước đó, liên quan đến kiến nghị của UBND TPHCM, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có tờ trình gửi Thủ tướng về việc điều chỉnh chủ trương (điều chỉnh thời gian thực hiện) dự án metro số 1.
Dự án metro số 1 là một trong các dự án về hạ tầng giao thông đô thị được Trung ương đặc biệt quan tâm. Đích thân Thủ tướng và các thành viên Chính phủ đã thường xuyên cùng lãnh đạo bộ, ban, ngành và TPHCM đi thị sát, kiểm tra siêu công trình này. Sau các cuộc làm việc với địa phương, Thủ tướng đều đã yêu cầu Chủ tịch UBND thành phố quyết liệt chỉ đạo, giải quyết dứt điểm những vướng mắc của dự án đường sắt đô thị Metro số 1. Đồng thời, thành phố huy động mọi nguồn lực, khẩn trương triển khai đầu tư xây dựng các tuyến đường sắt còn lại theo quy hoạch nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội.
16 năm nhưng chưa xong gần 20km đường sắt đô thị, khiến dư luận đặt ra câu hỏi lớn về tham vọng của TPHCM khi muốn có tới 180km metro chỉ trong 11 năm.
Thậm chí, nếu muốn đạt được mục tiêu này, TPHCM vừa phải vận dụng nhanh các cơ chế, chính sách đặc thù từ Nghị quyết 98 của Quốc hội, vừa phải chủ động đổi mới tư duy, đổi mới cách thức tổ chức và đổi mới cách thức tiếp cận, giải quyết đối với các vấn đề pháp lý liên quan.