Nan giải bài toán thiếu giáo viên
Lâu nay, vẫn tồn tại một nghịch lý trong ngành giáo dục. Đó là nơi thừa nơi thiếu, môn thừa môn thiếu giáo viên.
Tuy nhiên, đáng chú ý mùa tuyển sinh đại học năm nay, trong 4 ngành dẫn đầu về số lượng nguyện vọng đăng ký có ngành sư phạm, với tỷ lệ tăng kinh ngạc 85%, tương đương 200.000. Trong khi đó, theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, năm học tới cả nước vẫn thiếu 113.490 giáo viên các cấp học mầm non và phổ thông.
Vậy, với việc nhiều thí sinh hào hứng thi vào trường sư phạm, liệu thời gian tới có giải được bài toán thiếu giáo viên (GV) không? Theo nhiều chuyên gia trong ngành giáo dục, thì đây là bài toán khó vì nó đã tồn tại như một nghịch lý suốt những năm qua.
Tuy thế, thì thông tin về điểm chuẩn dự kiến của các trường ngành sư phạm nằm trong nhóm dẫn đầu về số lượng nguyện vọng đăng ký năm nay là rất phấn khởi.
Trong đó sư phạm Toán, sư phạm Sử dẫn đầu. Năm ngoái, một số ngành đào tạo GV thuộc các trường đại học, như Sư phạm Hà Nội 2, Sư phạm Vinh, Sư phạm Thái Nguyên, Sư phạm TPHCM… điểm đầu vào đã trên 28 (thang điểm 30), tức thí sinh phải đạt hơn 9 điểm mỗi môn thi tốt nghiệp (3 môn tổ hợp) thì mới có cơ hội trúng tuyển.
Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT), chính sách hỗ trợ học phí, sinh hoạt phí theo Nghị định 116/2020 của Chính phủ chính là chất xúc tác thu hút thí sinh theo học ngành sư phạm. Cụ thể, sinh viên sư phạm được nhà nước hỗ trợ tiền đóng học phí bằng mức thu học phí của cơ sở đào tạo GV nơi theo học; sinh viên sư phạm được nhà nước hỗ trợ 3,63 triệu đồng/tháng làm sinh hoạt phí trong thời gian học tập tại trường.
Như vậy, Nghị định 116 đã giúp giảm bớt gánh nặng tài chính cho sinh viên sư phạm, đồng thời thúc đẩy sự phát triển của ngành giáo dục.
Nhưng cũng cần thấy rằng, nhiều năm qua, ít nhất về số lượng thì đội ngũ GV vẫn... có vấn đề. Cả nước đang thiếu hơn 113.490 GV các cấp học mầm non và phổ thông. Trong khi đó toàn quốc đang còn hơn 64.000 biên chế GV chưa được tuyển dụng.
Thực tế đó cho thấy nhiều địa phương thiếu rất nhiều GV nhưng lại thừa chỉ tiêu biên chế chưa tuyển dụng. Cử nhân sư phạm ra trường kiếm việc làm đúng ngành rất khó khăn. Còn dạy hợp đồng thì không biết khi nào mới có suất chính thức nên chán nản, bỏ giấc mơ đứng trên bục giảng.
Cũng cần phải nhắc lại, nhiều địa phương luôn “than” thiếu GV, nhưng từ năm 2022 Bộ Chính trị đã quyết định giao bổ sung 65.980 biên chế GV cho giai đoạn 2022-2026 (Quyết định số 71/2022). Vậy tại sao tình trạng thiếu GV vẫn kéo dài? Phải chăng là do có tiêu cực trong thi tuyển viên chức giáo dục; thụ động, chậm trễ trong xây dựng phương án tuyển dụng; cắt giảm cơ học biên chế giáo dục; thiếu chính sách đãi ngộ cho GV, nhân viên giáo dục vùng cao, vùng sâu, vùng xa?
Nguồn tuyển không thiếu, thậm chí tăng; chỉ tiêu biên chế đã được trung ương giao, mà vẫn không tuyển được. Vậy, trách nhiệm thuộc về ai?
Trong 2 ngày 22 và 23/7 vừa qua, tại hội nghị Giám đốc Sở GDĐT toàn quốc, nhiều ý kiến cho biết địa phương vẫn loay hoay vì thiếu GV. Giám đốc Sở GDĐT tỉnh Đắk Lắk cho biết, do thiếu GV nên địa phương phải triển khai các phương án dạy liên cấp, liên trường, trực tiếp kết hợp trực tuyến để đáp ứng yêu cầu dạy, học. Còn theo Giám đốc Sở GDĐT tỉnh Hậu Giang, thiếu GV, khó tuyển dụng GV là nỗi trăn trở của ngành giáo dục tỉnh này. Để thu hút được GV, sở đã tham mưu với HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết về đãi ngộ và cam kết đối với GV tuyển mới, đặc biệt là GV Tin học, Tiếng Anh, Âm nhạc và Mỹ thuật.
Nơi thừa nơi thiếu, môn thừa môn thiếu GV - giải quyết thế nào thì vấn đề vẫn còn bỏ ngỏ. Đối với bất cứ nền giáo dục nào, thời điểm nào thì vai trò của người GV đều đặc biệt quan trọng. Xây dựng đội ngũ GV đủ về số lượng, tốt về chất lượng luôn là nhiệm vụ và cũng là mục tiêu. Trách nhiệm trước hết thuộc về ngành giáo dục trong việc đào tạo. Tuy nhiên, với “đầu ra”, trách nhiệm phải thuộc về địa phương khi mà chỉ tiêu có nhưng tuyển dụng lại rất chậm chạp, nếu không muốn nói là ách tắc.
Chỉ có gỡ được điểm nghẽn này thì từ đào tạo tới sử dụng GV mới thông suốt; người học mới được thụ hưởng quyền lợi đầy đủ. Nói như Bộ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Kim Sơn thì để thực hiện triển khai có hiệu quả các mục tiêu đặt ra cho năm học mới, thì các Sở GDĐT cần tiếp tục tham mưu cho phát triển đội ngũ GV cả về số lượng và chất lượng; bên cạnh việc đầu tư xây dựng trường lớp.