Kinh tế

Xuất khẩu trái cây: Điểm danh những mặt hàng thế mạnh

Khanh Lê 14/08/2024 07:55

Dự báo xuất khẩu rau quả của Việt Nam có thể đạt 7 tỷ USD, mức cao kỷ lục trong nhiều năm trở lại đây; khẳng định chất lượng rau quả Việt Nam ngày càng nâng lên, đáp ứng các yêu cầu của thị trường xuất khẩu.

anhtren1.jpg
Sản phẩm dừa tươi rộng đường xuất khẩu.Ảnh:VGP.

Dồn dập tin vui

Hiệp hội Rau quả Việt Nam cho biết từ đầu năm 2024 đến nay, nhu cầu thị trường tăng mạnh đã giúp tăng kim ngạch xuất khẩu rau quả. Theo đó, trong tháng 7/2024, xuất khẩu rau quả đem về 477 triệu USD, tăng 18% so với cùng kỳ năm trước. Lũy kế 7 tháng năm 2024, kim ngạch xuất khẩu rau quả đạt trên 3,8 tỷ USD tăng 23,4% so với cùng kỳ năm ngoái.

Theo Hiệp hội Rau quả Việt Nam, xuất khẩu tăng mạnh cho thấy chất lượng rau quả Việt Nam ngày càng tốt hơn, đáp ứng các yêu cầu của thị trường xuất khẩu.

Thời gian qua nhiều mặt hàng rau quả đã được các thị trường mở cửa nhập khẩu chính ngạch. Với thị trường Trung Quốc, Việt Nam đang xuất khẩu 14 mặt hàng rau quả gồm: thanh long, nhãn, vải, chôm chôm, xoài, dưa hấu, mít, chuối, măng cụt, sầu riêng, khoai lang, dừa, ngoài ra tạm thời xuất khẩu chanh leo và ớt.

Thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của rau quả Việt Nam là Hàn Quốc, đạt 164 triệu USD tăng 57,9% so với cùng kỳ năm 2023. Hàn Quốc là thị trường nhập khẩu thanh long (trắng, đỏ), xoài, bưởi từ Việt Nam. Đáng chú ý, cuối tháng 7 vừa qua, sau 3 tháng lấy ý kiến rộng rãi của các bên liên quan, Cục Kiểm dịch động thực vật Hàn Quốc (APQA) đã chính thức công bố trên website của APQA quy định nhập khẩu đối với quả bưởi tươi từ Việt Nam sang Hàn Quốc. Như vậy, bưởi là quả tươi thứ 3 của Việt Nam được phép nhập khẩu vào thị trường Hàn Quốc, cùng với các loại quả thanh long và xoài.

Giới chuyên gia đánh giá, với dân số 50 triệu, Hàn Quốc là thị trường rất tiềm năng cho bưởi Việt Nam - một trong 14 nhóm trái cây chủ lực theo đề án phát triển cây ăn quả mà Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT) định hướng.

Theo thống kê hiện cả nước có hơn 100.000ha trồng bưởi, với sản lượng hơn 900.000 tấn. Riêng Đồng bằng sông Cửu Long chiếm khoảng 32.000ha, với sản lượng khoảng 370.000 tấn, được xem là vùng sản xuất trọng điểm. Trước Hàn Quốc, một số thị trường lớn như Hoa Kỳ, New Zealand… cũng đã cấp phép cho trái bưởi tươi Việt Nam. Hiện bưởi Việt Nam được xuất khẩu chính ngạch tới 13 quốc gia và vùng lãnh thổ. Theo Hiệp hội Rau quả Việt Nam, cùng với sầu riêng, bưởi là mặt hàng trái cây có giá trị tăng cao, tính từ đầu năm 2023 đến nay.

Nhiều triển vọng xuất khẩu dừa tươi

Cùng với bưởi tươi, ngành rau quả đang rất tự tin và trông chờ vào việc ký kết các nghị định thư cho phép xuất khẩu sầu riêng đông lạnh và dừa tươi sang Trung Quốc, bởi sầu riêng đông lạnh và dừa tươi đều là những mặt hàng có nhu cầu lớn tại thị trường này. Nếu các nghị định thư được ký, 2 mặt hàng này có sẽ mang lại tiềm năng rất lớn.

Hiệp hội Rau quả Việt Nam tính toán, nếu dừa tươi và sầu riêng đông lạnh được phép xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc, thì trong những năm đầu tiên, mỗi năm, 2 mặt hàng này có thể đem về thêm cho xuất khẩu rau quả Việt Nam khoảng 500 triệu USD.

Đối với mặt hàng dừa tươi, Hiệp hội Rau quả Việt Nam nhận định nhu cầu nhập khẩu mặt hàng này của thị trường Trung Quốc là rất lớn và có xu hướng tăng trưởng ổn định, năm sau cao hơn năm trước. Trong khi đó, sản lượng dừa của Trung Quốc mới chỉ đáp ứng được khoảng 10% nhu cầu tiêu thụ nội địa, phần còn lại là nhập khẩu. Do đó, nếu xuất khẩu chính ngạch được mặt hàng này vào thị trường này sẽ giúp xuất khẩu rau quả của Việt Nam tiếp tục tăng trưởng khả quan.

“Nếu Nghị định thư xuất khẩu được ký, các doanh nghiệp khai thác tốt lợi thế mình có, thì ngành dừa nước ta có thể thu thêm khoảng 300 triệu USD từ thị trường Trung Quốc. Vài năm nữa, ngành dừa Việt Nam có thể đem về kim ngạch tỷ USD” - ông Nguyên dự báo.

Ở góc độ doanh nghiệp, ông Trần Văn Đức - Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần đầu tư dừa Bến Tre cho hay, Trung Quốc là thị trường vô cùng tiềm năng vì mỗi năm sử dụng tới 2,6 tỷ trái dừa tươi và 1,5 tỷ trái dừa phục vụ chế biến. Với lợi thế về khoảng cách địa lý, thời gian vận chuyển ngắn với chi phí thấp nên sản phẩm sẽ cạnh tranh được với các quốc gia khác. Nếu dừa tươi của Việt Nam mở cửa được tại thị trường này, xuất khẩu dừa sẽ có bước đột phá.

Thứ trưởng Bộ NNPTNT Phùng Đức Tiến cho biết, hiện hai bên đã nhất trí sớm hoàn tất cả thủ tục để ký kết Nghị định thư về yêu cầu kiểm dịch quả dừa tươi trong thời gian tới, sẽ mở ra triển vọng xuất khẩu cho trái dừa của Việt Nam. Bên cạnh đẩy mạnh đàm phán đưa các mặt hàng xuất khẩu chính ngạch, theo ông Tiến để đạt được giá trị xuất khẩu cao, việc truy xuất nguồn gốc, xây dựng thương hiệu là một yêu cầu bắt buộc, không thể khác để chúng ta có sản phẩm đi vào thị trường thế giới.

“Đảm bảo chất lượng, truy xuất nguồn gốc, an toàn thực phẩm, mẫu mã và thương hiệu những những yếu tố rất quan trọng. Đây là những yếu tố thúc đẩy xuất khẩu và đây chính là “đầu kéo” cho sản xuất” – Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh.

Khanh Lê