Bóng đá Việt: Tập trung đầu tư cho các đội tuyển trẻ
Nửa đầu năm 2024, bóng đá Việt gần như chới với trong rất nhiều thất bại từ tuyển Việt Nam xuống các tuyến trẻ. Nguyên nhân đương nhiên có nhiều, nhưng một trong số đó vẫn nằm ở chất lượng các cầu thủ trẻ đang đi xuống khá nghiêm trọng.
Tại vòng chung kết U16 Đông Nam Á 2024 diễn ra hồi đầu tháng 7 vừa qua, đội tuyển U16 Việt Nam đứng hạng 4. Tiếp sau đó, tại vòng chung kết U19 Đông Nam Á 2024 vừa kết thúc cuối tháng 7, đội tuyển U19 Việt Nam do huấn luyện viên (HLV) Hứa Hiền Vinh dẫn dắt đã bị loại ngay từ vòng bảng. Những thất bại liên tiếp của U16 và U19 Việt Nam tại các giải Đông Nam Á vừa qua mang đến những câu hỏi lớn về lực lượng kế cận cho bóng đá Việt Nam.
Phó Chủ tịch Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) Trần Anh Tú thừa nhận thành tích của hai đội tuyển U16 và U19 Việt Nam vừa qua không được như kỳ vọng. Có thể lý giải được điều này bởi các đội tuyển trẻ trong đó có U19 Việt Nam đã có những sự thay đổi lớn về nhân sự.
Sau khi HLV Hoàng Anh Tuấn chia tay đội tuyển U20 Việt Nam, HLV Hứa Hiền Vinh tiếp nhận đội tuyển trong một thời gian ngắn. Vì vậy, các cầu thủ khó thấm nhuần lối chơi của HLV mới. Bên cạnh đó, do áp lực thành tích tại giải vô địch quốc gia V.League cũng như giải hạng Nhất nên nhiều câu lạc bộ không chịu “nhả” người, dẫn đến các huấn luyện viên không có được lực lượng tốt nhất. Trải qua 2 kỳ liên tục không có danh hiệu ở các giải trẻ trong khu vực, người hâm mộ đặt sự hoài nghi về công tác đào tạo trẻ của bóng đá Việt Nam và chất lượng các cầu thủ trẻ ở những lò đào tạo trong nước.
Câu chuyện về đào tạo trẻ không còn mới đối với bóng đá Việt Nam, thực tế chỉ số ít CLB có hệ thống đào tạo trẻ tốt. Thậm chí, một số lò đào tạo không còn duy trì, một số lò đào tạo bóng đá trẻ trong nước có dấu hiệu bão hòa trong thời gian gần đây, điển hình như lò HAGL JMG, sau lứa cầu thủ khoá đầu là Công Phượng, Tuấn Anh, Xuân Trường… thì chưa cho ra lò được các lứa kế cận có năng lực tương đương.
Thậm chí, những lò đào tạo tên tuổi như SLNA hay đầu tư tốt như PVF cũng đang chững lại, khiến nguồn cầu thủ đang bị hao hụt. Đứng trước thực trạng hiện tại, VFF đã ngay lập tức lên những kế hoạch đầu tư cho các đội tuyển trẻ cũng như sẽ có những kế hoạch hợp tác với các trung tâm đào tạo và CLB về vấn đề này.
“Chúng tôi đã lên kế hoạch với việc tập trung bồi dưỡng các HLV đào tạo trẻ cấp CLB. Cụ thể, mỗi CLB có thể đề cử 1-2 HLV phụ trách đào tạo trẻ. Giám đốc kỹ thuật của VFF sẽ tổ chức các đợt tập huấn để nâng cao trình độ. VFF hy vọng các HLV đào tạo trẻ sẽ được bồi dưỡng kiến thức, tích luỹ thêm kinh nghiệm, mở mang thêm khả năng, qua đó góp phần giúp “ươm mầm” các tài năng bóng đá nước nhà trong tương lai”, ông Trần Anh Tú chia sẻ.
Với các đội tuyển trẻ, VFF cũng hướng tới đầu tư giúp nâng cao trình độ. Trong tháng 9 và 10, vòng loại U20 châu Á 2025 (dành cho đội U20 Việt Nam) và vòng loại U17 châu Á 2025 (dành cho đội U17 Việt Nam) sẽ diễn ra và mục tiêu của VFF là đầu tư cho các đội tuyển trẻ hướng tới sân chơi châu Á. Nhằm giúp các cầu thủ trẻ nâng cao trình độ, VFF sẽ tạo điều kiện cho các đội tuyển trẻ đi tập huấn, thi đấu giao hữu quốc tế trong thời gian tới. Cụ thể, để chuẩn bị tốt cho giải vòng loại U20 châu Á năm 2024 diễn ra vào tháng 9 tới, VFF sẽ cử đội tuyển U19 và U16 Việt Nam đi tập huấn tại Nhật Bản.
Đội tuyển U16 quốc gia dự kiến tập trung cuối tháng 8 và tham dự giải giao hữu quốc tế tại Trung Quốc. Đây là những bước chuẩn bị quan trọng trước khi tham dự vòng loại U17 châu Á năm 2026. Bên cạnh đó, đội tuyển U23 cũng tiếp tục có những đợt tập trung và tập huấn, thi đấu giao hữu quốc tế nhằm tích lũy kinh nghiệm thi đấu. Với U16 Việt Nam, VFF đã ký hợp đồng với HLV vừa cùng U17 Hà Nội vô địch U17 Quốc gia 2024 Cristiano Roland làm HLV trưởng. Quan điểm của vị HLV này là xây dựng lối chơi của đội tuyển dựa trên ưu điểm về kỹ thuật của các học trò, đồng thời chú trọng vào sự chắc chắn trong phòng ngự.
Theo kế hoạch, từ ngày 14/8, U16 Việt Nam sẽ lên đường sang Thẩm Dương (Trung Quốc) để tham dự giải giao hữu U16 quốc tế - Peace Cup 2024. Giải đấu này có sự góp mặt của U16 Việt Nam, U16 Nhật Bản, U16 Uzbekistan và chủ nhà U16 Trung Quốc. Đây đều là những đội tuyển mạnh, do vậy U16 Việt Nam sẽ có những trận đấu rất bổ ích để chuẩn bị cho vòng loại U17 châu Á vào tháng 10.
U20 Việt Nam sẽ tập trung trở lại vào ngày 15/8. Sau đó, thầy trò HLV Hứa Hiền Vinh sẽ lên đường sang Nhật Bản tập huấn bắt đầu từ ngày 23/8. Tại xứ sở Mặt trời mọc, U20 Việt Nam sẽ có các trận giao hữu với đội Ehime FC (ngày 25/8), FC IMabari (ngày 28/8) và Đại học Matsuyama (ngày 30/8) trước khi lên đường trở lại Hà Nội vào ngày 1/9.
Sau khi trở về Việt Nam, U20 Việt Nam tiếp tục tập luyện và đặc biệt, có 2 trận giao hữu rất được kỳ vọng trước đội bóng rất mạnh là U20 Nga. Theo kế hoạch, 2 đội sẽ thi đấu 2 trận vào các ngày 6 và 9/9 tại Trung tâm đào tạo bóng đá trẻ Việt Nam. Sau đó, đội sẽ tiếp tục rèn chuyên môn trước khi tham dự vòng loại U20 châu Á 2025 tại Hải Phòng. U19 Việt Nam sẽ có hai trận giao hữu với U20 Nga trước thềm vòng loại U20 châu Á 2025. Đây là một phần trong kế hoạch đầu tư có trọng điểm của VFF cho các đội tuyển trẻ của bóng đá Việt Nam.
Ngoài lực lượng, thành phần của ban huấn luyện U20 Việt Nam trong đợt tập trung tới sẽ có sự góp mặt đáng chú ý của HLV Phan Thanh Hùng.
Ông Hùng là HLV giàu kinh nghiệm, từng rất thành công cả ở V.League cũng như các đội trẻ của Đà Nẵng. Hiện, HLV Phan Thanh Hùng đang cùng U21 Đà Nẵng góp mặt ở tứ kết U21 Quốc gia. Sự góp mặt của HLV từng dẫn dắt đội Hà Nội lên ngôi vô địch V.League 2 lần hứa hẹn sẽ giúp sức cho ông Hứa Hiền Vinh về chuyên môn.
Sau hàng loạt thất bại trong năm 2024, nhiều người đề xuất tìm kiếm các cầu thủ có gốc gác chơi bóng ở châu Âu như Indonesia đang làm nhằm giúp bóng đá Việt Nam trở lại. Tuy nhiên, đây chỉ là một giải pháp tạm thời, còn lâu dài bóng đá Việt Nam vẫn cần tập trung xây nền móng sao cho chắc chắn hơn thay vì chờ “viện binh”. Nền móng ấy không gì khác vẫn là đạo tạo trẻ một cách nghiêm túc nhất, thay vì chờ vào từng lứa cầu thủ tài năng thiên bẩm giống U23 Việt Nam tại Thường Châu 2018. Các cầu thủ trẻ không được thi đấu nhiều ở các CLB chuyên nghiệp là nguyên nhân không nhỏ ảnh hưởng đến việc phát triển chuyên môn.
Người hâm mộ hy vọng mùa giải mới các cầu thủ trẻ được ra sân nhiều hơn thay vì khá ít ỏi ở các sân chơi hạng Nhất và V.League. Tất nhiên, để được ra sân người trẻ bắt buộc phải khác biệt, nỗ lực… nhưng ít nhất các CLB cũng cần cởi mở hơn thay vì sử dụng khá tiết chế như đã thấy.
Các đơn vị đào tạo trẻ trong nước cần chung tay, tìm nguồn tài chính ổn định để tổ chức thêm nhiều giải đấu trong nước cho cầu thủ trẻ thi đấu giao hữu, nhằm nâng cao trình độ “thực chiến” mới có thể giúp cầu thủ trẻ nhanh tiến bộ. Các cầu thủ trẻ cần được ra sân nhiều hơn, bởi phía trước là hàng loạt giải đấu quan trọng sẽ diễn ra trong năm 2025 như vòng loại U23 châu Á tới SEA Games. Vì lẽ đó, nếu không tạo ra các nhân tố mới thực sự khó tìm lại vinh quang sau giai đoạn đi xuống vừa qua.