Những vụ ám sát làm chao đảo chính trường nước Mỹ
Thời gian đang dần ngắn lại cho đường đua vào ghế Tổng thống nước Mỹ, tổ chức vào ngày 5/11/2024.
Hai ứng cử viên của hai đảng Dân chủ và Cộng hòa là ông Donald Trum và bà Kamala Harris đang nỗ lực tìm kiếm lợi thế trong bối cảnh chính trường nước Mỹ nhiều biến động. Trong cuộc đua ấy, việc ông Trump bị ám sát hụt và ông Joe Biden - Tổng thống Mỹ đương nhiệm dừng tái tranh cử, đã trở thành những điểm nhấn quan trọng nổi bật. Tại thời điểm này, nhiều hãng truyền thông lớn quốc tế đã lật lại hồ sơ các vị Tổng thống, ứng viên Tổng thống Mỹ đã từng bị ám sát.
Sự kiện ông Biden rút lui khỏi cuộc đua Tổng thống Mỹ năm 2024 làm người ta nhớ tới hai vị Tổng thống trước đó từng quyết định dừng tái tranh cử khi đang trong nhiệm kỳ. Đó là ông Lyndon Johnson và ông Harry Truman. Ông Johnson tuyên bố dừng tranh cử vào ngày 31/3/1968. Còn vào ngày 29/3/1952, ông Truman tuyên bố không tái tranh cử cho nhiệm kỳ tiếp theo.
Vụ ám sát hụt cựu Tổng thống Donal Trump
Vụ cựu Tổng thống Donal Trump, ứng viên đảng Cộng hòa bị ám sát hụt xảy ra tại một cuộc vận động tranh cử ở Pennsylvania, ngày 13/7/2024 đã làm rung động nước Mỹ. 10 ngày sau vụ nổ súng, ngày 23/7, Ủy ban An ninh nội địa Hạ viện Mỹ mở phiên điều trần. Tại đây, người đứng đầu lực lượng cảnh sát bang Pennsylvania (PSP), đại tá Christopher Paris đã trả lời nhiều câu hỏi của các nhà lập pháp liên quan đến hành động của lực lượng trong vụ ám sát cựu Tổng thống Trump tại thành phố Butler hôm 13/7.
Trang The Hill dẫn lời đại tá Christopher cho rằng có 5 chi tiết rất đáng chú ý. Thứ nhất, tay súng Thomas Matthew Crooks được lực lượng hành pháp địa phương phát hiện là đối tượng khả nghi khi y không vào được khu vực an ninh của cuộc mít tinh. Thứ hai, Crooks đã bắn 8 phát đạn trước khi bị Mật vụ Mỹ tiêu diệt. Thứ ba, 2 sĩ quan đã được cắt cử đứng chốt tại tầng hai của tòa nhà mà Crooks ra tay đã rời khỏi vị trí để bám theo nghi phạm sau khi phát hiện dấu hiệu khả nghi. Thứ tư, có thể kẻ ám sát đã ở trên mái nhà khoảng 3 phút trước khi bắn. Thứ năm, các sĩ quan hành pháp địa phương hỗ trợ công tác an ninh của cuộc mít tinh, gồm những người đứng chốt ở ngoài chu vi an ninh, không nắm vai trò quyết định mà chỉ hành động theo phân công. Như vậy, có thể hiểu rằng trách nhiệm chính trong vụ này thuộc về lực lượng mật vụ liên bang Mỹ.
Sau đó, Giám đốc mật vụ Mỹ Kimberly Cheatle đã thừa nhận thất bại của cơ quan này trong vụ ám sát và đã từ chức sau phiên điều trần căng thẳng tại Quốc hội nhằm xem xét lại vụ việc ông Trump bị ám sát hụt. "Tôi hoàn toàn chịu trách nhiệm về sai sót an ninh. Với trái tim nặng trĩu, tôi đã đưa ra quyết định khó khăn là từ chức" - Kimberly viết trong một email gửi nhân viên hôm 23/7.
Ngay sau đó, ông Mike Johnson - Chủ tịch Hạ viện đưa ra bình luận: "Đáng lẽ bà ấy phải từ chức ít nhất một tuần trước. Bây giờ, chúng ta phải xây dựng lại niềm tin và sự tin cậy của người dân Mỹ đối với cơ quan mật vụ".
Nhưng, câu chuyện không dừng lại khi mà Cục Điều tra liên bang Mỹ (FBI) muốn lấy lời khai ông Trump, trong khi cựu Tổng thống chê bai “cơ quan nổi tiếng một thời” giờ kém năng lực nghiệp vụ. Trong khi đó, nhân viên FBI không ngừng khám nghiệm mảnh đạn và các bằng chứng khác có được tại hiện trường, nhằm xác định cụ thể xem liệu ông Trump bị trúng đạn trực tiếp, hay mảnh đạn hoặc vật thể nào khác.
Giám đốc FBI Christopher Wray cũng nói rằng "còn một số câu hỏi" về vật thể làm ông Trump bị thương ở tai phải. Tuy nhiên, Ronny Jackson - bác sĩ của ông Trump khi ông còn ở Nhà Trắng đã bác bỏ ý kiến cho rằng ông Trump bị trúng mảnh đạn chứ không phải đạn trực tiếp trong vụ ám sát hụt ngày 13/7.
Cần nhắc lại, ngay sau khi vụ ám sát xảy ra, trên nền tảng Truth Social, ông Trump đã viết: "Một viên đạn đã bắn trúng tai tôi và trúng rất mạnh. Không phải mảnh vỡ thuỷ tinh, cũng không phải mảnh đạn”. Còn ông Jason Miller - người phát ngôn chiến dịch tranh cử của ông Trump nói với Reuters rằng, bất kỳ tuyên bố nào cho rằng cựu Tổng thống bị trúng thứ gì đó không phải là một viên đạn là "âm mưu nhảm nhí".
Những vụ Tổng thống, cựu Tổng thống Mỹ bị ám sát
Sau vụ cựu Tổng thống Donald Trump bị ám sát vừa qua, hãng AP đã nêu ra một số vụ ám sát và âm mưu ám sát đối với những nhân vật hàng đầu xảy ra tại Mỹ.
Theo đó, Abraham Lincoln là Tổng thống Mỹ đầu tiên bị ám sát vào ngày 14/4/1865 khi ông và vợ - bà Mary Todd Lincoln, tham dự buổi diễn tại Nhà hát Ford ở Washington. Hung thủ vụ ám sát là John Wilkes Booth. Ông bị bắn vào sau đầu và qua đời vào sáng ngày 15/4/1865.
Hung thủ ám sát ông Lincoln đã bị bắn chết vào ngày 26/4/1865 khi đang lẩn trốn trong một nhà kho gần Bowling Green, bang Virginia.
Vị tổng thống Mỹ bị ám sát tiếp theo chỉ sau 6 tháng nhậm chức là ông James Garfield - Tổng thống Mỹ thứ 20. Ông bị bắn khi đang đi bộ qua một ga xe lửa ở Washington vào ngày 2/7/1881 để bắt chuyến tàu đến New England. Hung thủ là Charles Guiteau, bị xử tử vào tháng 6/1882.
Tổng thống thứ 25 của nước Mỹ, ông William McKinley sau khi có bài phát biểu ở Buffalo, New York, ngày 6/9/1901. Ông đang bắt tay với mọi người thì bị một người đàn ông bắn 2 phát đạn vào ngực ở cự ly gần. Ông qua đời vào ngày 14/9/1901, 6 tháng sau khi ông bắt đầu nhiệm kỳ Tổng thống thứ hai của mình. Hung thủ Leon F.Czolgosz bị xử tử trên ghế điện vào ngày 29/10/1901.
Tổng thống Mỹ thứ 32, ông Franklin D.Roosevelt đã bị bắn khi có bài phát biểu ở bang Miami. May mắn, ông không bị thương nhưng vụ nổ súng này (tháng 2/1933) đã khiến Thị trưởng Chicago Anton Cermak thiệt mạng. Kẻ nổ súng là Guiseppe Zangara đã bị kết án tử hình sau đó.
Vào tháng 11/1950, ông Harry S.Truman - Tổng thống Mỹ thứ 33 khi đang ở tại Blair House, đối diện Nhà Trắng, thì có 2 tay súng đột nhập. Ông Truman không bị thương nhưng một cảnh sát Nhà Trắng và một trong những kẻ tấn công đã thiệt mạng trong cuộc đấu súng.
John F.Kennedy - Tổng thống Mỹ thứ 35 đã bị một sát thủ giấu mặt trang bị súng trường cỡ lớn bắn chết khi ông đến thăm Dallas vào tháng 11/1963 cùng với đệ nhất phu nhân Jacqueline Kennedy. Tiếng súng vang lên khi đoàn xe của Tổng thống Kennedy lăn bánh qua Dealey Plaza ở trung tâm thành phố Dallas.
Tổng thống Mỹ thứ 38, ông Gerald Ford là người đã phải đối mặt với 2 vụ ám sát trong vòng 17 ngày vào năm 1975. Rất may, ông đã không bị thương trong cả hai vụ việc.
Tháng 3/1981, ông Ronald Reagan - Tổng thống Mỹ thứ 40 rời khỏi một sự kiện ở Washington, D.C và đang đi về phía đoàn xe của mình thì bị John Hinckley Jr., người có mặt trong đám đông, bắn. Ông đã hồi phục sau vụ việc, tuy nhiên 3 người khác cũng đã trúng đạn trong vụ ám sát này, trong đó có thư ký báo chí của Tổng thống Reagan - James Brady, sau này bị liệt một phần cơ thể.
George W.Bush - Tổng thống Mỹ thứ 43 khi đang tham dự một cuộc mít tinh ở Tbilisi năm 2005 với Tổng thống Georgia Mikhail Saakashvili thì một quả lựu đạn ném về phía ông. Cả hai vị Tổng thống đều đứng sau hàng rào chống đạn khi quả lựu đạn bọc trong vải rơi xuống cách đó khoảng 30 mét. Lựu đạn không nổ và không ai bị thương.
Còn với các ứng viên Tổng thống, đầu tiên phải kể đến ông Theodore Roosevelt, bị bắn ở Milwaukee vào năm 1912 khi ông đang có buổi vận động trở lại Nhà Trắng. Hộp kính bằng kim loại trong túi của ông Roosevelt đã làm giảm tác động của viên đạn và ông không bị thương nặng.
Vào năm 1968, ông Robert F.Kennedy đang tìm kiếm đề cử Tổng thống của đảng Dân chủ thì bị giết tại một khách sạn ở Los Angeles, ngay sau khi đọc bài phát biểu chiến thắng trong cuộc bầu cử sơ bộ ở California năm 1968. Ông là thượng nghị sĩ Hoa Kỳ đến từ New York và là anh trai của Tổng thống John F.Kennedy, người bị ám sát 5 năm trước đó.
Ứng viên Tổng thống George C.Wallace, năm 1972 là Thống đốc bang Alabama bị bắn, khiến ông bị liệt từ thắt lưng trở xuống. Đáng nói là hung thủ Arthur Bremer là kẻ nổ súng bị kết án tù nhưng đã được trả tự do vào năm 2007.
Vị Tổng thống 2 lần bị ám sát hụt
Đây là trường hợp hy hữu trong số tất cả các vụ ám sát Tổng thống ở Mỹ từ trước tới nay. Người đó là ông Gerald Rudolph Ford Jr., Tổng thống thứ 38 của Mỹ từ năm 1974 đến năm 1977.
Ông Ford từng là lãnh đạo đảng Cộng hòa tại Hạ viện Mỹ từ 1965 đến 1973, là Phó Tổng thống thứ 40 dưới thời Tổng thống Richard Nixon từ 1973 đến 1974. Ông kế nhiệm chức Tổng thống khi ông Nixon từ chức tháng 8/1974.
Trong thời gian đương nhiệm, ông Ford từng 2 lần bị kẻ ám sát ẩn trong đám đông chĩa súng vào người, nhưng đều may mắn thoát chết.
Ngày 5/9/1975, ông Ford phát biểu tại cuộc họp thường niên của các lãnh đạo doanh nghiệp ở California. Trong vụ đầu tiên, hung thủ là Lynette Fromme, 26 tuổi. Sau này nữ hung thủ nói rằng quyết định của mình bắt nguồn từ mong muốn "có được sự sống, không chỉ cuộc sống của tôi mà cả không khí trong lành, nước sạch và sự tôn trọng các sinh vật và tạo vật".
Trong buổi sáng 5/9/1975, Fromme mặc trang phục toàn màu đỏ, đặt khẩu Colt 45 vào bao súng đeo ở chân trái, đi từ căn hộ đến khu đất bên ngoài tòa nhà nghị viện bang. Lúc 9 giờ 26 phút, Tổng thống Ford quay lại khách sạn sau buổi diễn thuyết kéo dài 2 giờ. Ông băng qua phố lúc 10 giờ 2 phút, bắt tay với đám đông đang tụ tập trên đường trong khi tiến về phía lối vào tòa nhà nghị viện. Lúc này, Fromme đứng cách ông Ford khoảng 60 mét, phía sau hàng người đầu tiên, thò tay vào áo choàng, rút khẩu Colt 45 từ bao súng ở chân. Cô ta giơ cánh tay phải về phía ông Ford, xuyên qua hàng người phía trước và chĩa súng vào độ cao giữa đầu gối và thắt lưng ông. Hung thủ bóp cò nhưng súng không khai hỏa do bị lỗi.
Ngày 19/11/1975, Fromme bị kết tội âm mưu ám sát Tổng thống, bị kết án chung thân. Trong thời gian thi hành án, Fromme bỏ trốn khỏi nhà tù, bị bắt lại sau hai ngày và phải nhận thêm hình phạt. Fromme được ân xá sau 34 năm ngồi tù, được thả tự do vào ngày 14/8/2009.
Chỉ sau 17 ngày bị ám sát hụt ở Sacramento, Tổng thống Ford lại bị một phụ nữ khác Sara Jane Moore âm mưu sát hại ở San Francisco. Người này đã bị cảnh sát giam giữ vì tội sử dụng súng ngắn trái phép một ngày trước vụ ám sát, nhưng được thả. Cảnh sát đã tịch thu khẩu súng lục ổ quay cỡ nòng 44 và 113 viên đạn của Moore.
15 giờ 30 ngày 22/9/1975, sau khi nói chuyện với Hội đồng Các vấn đề thế giới, Tổng thống Ford bước ra từ lối vào của khách sạn St.Francis ở Quảng trường Union, sau đó đi về phía xe limousine. Trước khi lên xe, ông dừng lại vẫy tay chào đám đông tụ tập bên kia đường. Đứng trong đám đông cách ông Ford hơn 12 mét, Moore bắn 2 phát bằng khẩu súng lục ổ quay cỡ nòng 38 Special. Phát súng đầu tiên sượt qua đầu ông Ford 12,7cm và xuyên qua bức tường phía trên cánh cửa ông vừa bước ra. Moore sử dụng khẩu súng mua vội vào sáng hôm đó, không biết cách ngắm chuẩn nên đã bắn trượt. Thấy không trúng đích, Moore lại giơ súng lên. Ngay lúc này, Oliver Sipple, cựu lính thủy đánh bộ có mặt tại hiện trường, lao vào tóm lấy cánh tay cầm súng trước khi Moore bóp cò lần hai. Phát đạn thứ hai trúng John Ludwig, tài xế taxi 42 tuổi đang đứng bên trong khách sạn.
Ludwig sống sót nhờ đạn không trúng chỗ hiểm. Đại úy cảnh sát San Francisco Timothy Hettrich chộp lấy Moore và giật khẩu súng khỏi tay cô ta, trong khi đội mật vụ đẩy Tổng thống vào xe limousine, dùng thân thể che chắn cho ông rồi đưa Tổng thống Ford lên chiếc Không lực Một để trở lại Washington.
Moore nhận tội âm mưu ám sát vào ngày 12/12/1975, bị kết án tù chung thân. Năm 1979, Moore trốn thoát khỏi nhà tù nhưng bị bắt vài giờ sau đó. Ngày 31/12/2007, sau 32 năm thụ án, Moore được ân xá ở tuổi 77.
Sau 2 vụ ám sát xảy ra trong cùng một tháng, từ tháng 10/1975, Tổng thống Ford luôn phải mặc áo khoác chống đạn khi ở nơi công cộng. Ông Ford qua đời tại California vào năm 2006 do tuổi già sức yếu.
Vụ ám sát Tổng thống Mỹ bí ẩn nhất
Đó là trường hợp Tổng thống John F.Kennedy. Ngày 22/11/2024 này sẽ đánh dấu 61 năm kể từ khi Tổng thống trẻ nhất nước Mỹ John F.Kennedy bị ám sát tại thành phố Dallas thuộc bang Texas (Mỹ), ở tuổi 46.
John Fitzgerald Kennedy (JFK), Tổng thống Mỹ thứ 35, đã bị ám sát lúc 12 giờ 30 phút trưa ngày 22/11/ 1963 tại Dealey Plaza, Dallas, Texas. Ông Kennedy bị Lee Harvey Oswald bắn trọng thương trong khi đang tham gia diễu hành vận động bầu cử cùng vợ là bà Jacqueline; Thống đốc bang Texas John Connally và vợ là Nellie, trên đoàn xe hộ tống Tổng thống. Vào lúc 1 giờ chiều cùng ngày, Tổng thống Kennedy qua đời tại phòng cấp cứu bệnh viện Parkland. Phó Tổng thống Lyndon B.Johnson đảm nhiệm cương vị Tổng thống ngay sau đó.
Một cuộc điều tra kéo dài 10 tháng từ tháng 11/1963 đến tháng 9/1964, Ủy ban Warren (Ủy ban của Tổng thống về vụ ám sát) đã kết luận rằng Oswald hành động một mình.
Trái ngược với kết luận của Ủy ban Warren, Ủy ban các vụ ám sát Mỹ (HSCA) kết luận vào năm 1979 rằng vụ ám sát Kennedy là kết quả của một âm mưu. Họ xác định rằng những phân tích các bản ghi âm cho thấy có một tiếng súng nữa và có xác suất cao là hai tay súng cùng nhằm vào Tổng thống. Tuy nhiên, Ủy ban này không xác định được thêm cá nhân hoặc tổ chức nào tham gia vào âm mưu.
Thông tin rõ nhất là ông Kennedy bị một cựu lính thủy đánh bộ tên là Lee Harvey Oswald bắn khi đang ngồi trên ô tô cùng đệ nhất phu nhân Jacqueline Kennedy và Thống đốc Texas John Connally. Hai ngày sau, vào ngày 24/11/1963, một chủ hộp đêm địa phương tên là Jack Ruby đã bắn chết Oswald. Từ đó, vụ ám sát Tổng thống Kennedy rơi vào vòng bí ẩn.
Chỉ một tuần sau vụ ám sát, Tổng thống kế nhiệm ông Kennedy là ông Lyndon B.Johnson đã ký một sắc lệnh hành pháp thành lập Ủy ban Warren do Chánh án Tòa án Tối cao Mỹ Earl Warren đứng đầu để điều tra cái chết của ông. Khoảng 10 tháng sau, báo cáo của Ủy ban Warren xác định Oswald đã nổ súng giết chết Tổng thống Kennedy và làm bị thương ông Connally. Tuy nhiên, báo cáo kết luận "không có bằng chứng" nào cho thấy Oswald hoặc Jack Ruby là một phần của âm mưu trong nước hoặc chính phủ nước ngoài đứng sau vụ ám sát. Báo cáo cũng không xác định lý do Oswald bắn ông Kennedy.
Gần 61 năm qua người Mỹ vẫn không rõ tại sao Oswald lại bắn Tổng thống Kennedy. Cũng chính vì thế mà xuất hiện nhiều thuyết âm mưu phủ bóng chính trường Mỹ cho đến ngày nay.
Một lý do lớn khiến các thuyết âm mưu ám sát Tổng thống Kennedy vẫn tồn tại là không phải tất cả hồ sơ liên quan ngày định mệnh đó đều được chính phủ Mỹ công bố. Tất cả hồ sơ liên quan được cho là sẽ công bố vào năm 2017, nhưng đã bị hoãn lại nhiều lần. Ông Larry Sabato - nhà nghiên cứu sâu những hồ sơ đã được giải mật về vụ ám sát, cho biết có hàng ngàn trang vẫn còn được liệt vào dạng mật mà không rõ tại sao. "Chúng tôi không biết họ che giấu những gì và điều đó nuôi dưỡng những thuyết âm mưu nhiều hơn" - tờ Time dẫn lời ông Sabato.
Sau vụ ông Donal Trump bị ám sát hụt (ngày 13/7/2024), đài CBS (Mỹ) đưa ra bình luận rằng, hơn 60 năm mà giới hữu trách của nước Mỹ vẫn không chịu vén bức màn bí ẩn xung quanh vụ ám sát Tổng thống Kennedy thì cũng chính lại là một điều bí ẩn, khiến dân chúng Mỹ tiếp tục bị ám ảnh bởi những gì đã xảy ra. Điều đó cho thấy vì sao mỗi năm có hàng trăm ngàn người từ khắp nước Mỹ và nhiều nơi trên thế giới đến thăm khu Dealey Plaza, nơi Tổng thống Kennedy bị bắn.
Vụ ám sát Tổng thống Kennedy được cho là đã thay đổi tiến trình lịch sử nước Mỹ trong khi kết quả của các cuộc thăm dò dư luận luôn cho thấy hầu hết người Mỹ tin rằng thủ phạm Oswald không hành động một mình trong vụ ám sát.
Kể từ khi Đạo luật thu thập hồ sơ vụ ám sát Tổng thống Kennedy được ban hành năm 1992, chính phủ Mỹ đã giải mật nhiều tài liệu liên quan đến vụ việc. Tuy nhiên, các chuyên gia về vụ ám sát này cho rằng không có tiết lộ quan trọng nào được tìm thấy từ những tài liệu đó.
"Không có thông tin mới nào được tiết lộ hoặc phơi bày mà thực sự làm thay đổi cách hiểu của chúng tôi về những gì đã xảy ra" - ông Nicola Longford, Tổng giám đốc điều hành Bảo tàng Tầng sáu tại khu Dealey Plaza thuộc thành phố Dallas nói. Bảo tàng Tầng sáu là bảo tàng chuyên về vụ ám sát Tổng thống Kennedy, nằm trong tòa nhà nơi Oswald bắn ông Kennedy.
Trong khi đó, Cơ quan Lưu trữ quốc gia Mỹ cho biết, trong năm 2023 đã hoàn tất việc xem xét các hồ sơ mật liên quan vụ ám sát Tổng thống Kennedy, đồng thời khẳng định 99% số hồ sơ liên quan đã được công bố rộng rãi. Nhưng nhiều người vẫn cho rằng có những tài liệu vẫn bị giữ lại hoặc được biên tập lại. Chính điều đó đã gây ra sự hoài nghi cho người Mỹ.
"Vụ ám sát có phải là một vụ giết người chưa được giải quyết hay là một hành động đầy bạo lực do một người thực hiện? Người dân Mỹ có thể không bao giờ nhất trí về câu trả lời cuối cùng" - CBS dẫn lời ông Nicola Longford.