Tu bổ di tích phải bảo đảm giữ nguyên giá trị kiến trúc và thẩm mỹ
Chiều 14/8, tiếp tục phiên họp chuyên đề pháp luật tháng 8/2024, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi).
Báo cáo tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh cho biết, về sửa chữa, cải tạo, xây dựng công trình trong khu vực bảo vệ di tích; dự án đầu tư, xây dựng công trình, sửa chữa, cải tạo, xây dựng lại nhà ở riêng lẻ trong khu vực bảo vệ di tích, di sản thế giới (Điều 28, Điều 29), một số ý kiến đề nghị quán triệt nguyên tắc không quy định việc xây dựng công trình, công trình nhà ở; chỉ cho cải tạo, sửa chữa trên cơ sở phải giữ được nguyên trạng về mặt bằng, không gian, không làm ảnh hưởng đến yếu tố gốc cấu thành di tích.
Tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội, Điều 28 dự thảo Luật quy định: Việc triển khai xây dựng công trình, dự án đầu tư xây dựng công trình trực tiếp phục vụ bảo vệ và phát huy giá trị di tích và sửa chữa, cải tạo, xây dựng lại nhà ở riêng lẻ trên cơ sở hiện trạng nhà ở riêng lẻ đã có tại khu vực bảo vệ I và phải bảo đảm nguyên trạng về mặt bằng và không gian.
Điều 29 dự thảo Luật quy định: Việc chấp thuận chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư dự án, triển khai xây dựng công trình trực tiếp phục vụ bảo vệ và phát huy giá trị di tích tại khu vực bảo vệ I; xây dựng công trình, dự án đầu tư xây dựng công trình phục vụ bảo vệ và phát huy giá trị di tích, công trình kinh tế-xã hội tại khu vực bảo vệ II phải có ý kiến đồng ý bằng văn bản của Thủ tướng Chính phủ đối với di tích quốc gia đặc biệt thuộc Danh mục di sản thế giới; của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đối với di tích quốc gia đặc biệt, di tích quốc gia; của người đứng đầu cơ quan chuyên môn về văn hóa cấp tỉnh đối với di tích cấp tỉnh và thực hiện theo quy định của Luật này, pháp luật về đầu tư, đầu tư công và quy định khác của pháp luật có liên quan.
Trường hợp dự án đầu tư xây dựng, xây dựng công trình trong khu vực di sản thế giới, vùng đệm di sản thế giới phải tuân thủ yêu cầu bảo vệ môi trường, ngăn ngừa, kiểm soát các yếu tố tác động tới di sản thế giới theo quy định của Luật này và quy định của UNESCO.
Việc sửa chữa, cải tạo, xây dựng lại nhà ở riêng lẻ trên cơ sở hiện trạng công trình nhà ở riêng lẻ đã có trong khu vực bảo vệ I và khu vực bảo vệ I di tích, di sản thế giới được thực hiện như sau: Trường hợp nhà ở riêng lẻ là yếu tố gốc cấu thành giá trị di tích hoặc là bộ phận cấu thành cảnh quan văn hóa của di sản thế giới, di tích quốc gia đặc biệt, cụm di tích quốc gia được thể hiện trong hồ sơ khoa học xếp hạng, thể hiện trong quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích được cấp có thẩm quyền phê duyệt có yêu cầu sửa chữa, cải tạo, xây dựng lại trên cơ sở hiện trạng công trình đã có trong khu vực bảo vệ di tích, thực hiện theo quy định về quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích và dự án bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích quy định tại Điều 34 và Điều 35 của Luật này;
Việc sửa chữa, cải tạo, xây dựng lại nhà ở riêng lẻ trên cơ sở hiện trạng công trình đã có trong khu vực bảo vệ di tích không thuộc quy định tại điểm trên thực hiện theo quy định của pháp luật về xây dựng và chỉ được triển khai thực hiện sau khi có ý kiến đồng ý bằng văn bản của cơ quan chuyên môn về văn hóa cấp tỉnh.
Tuy nhiên, còn có ý kiến đề nghị cân nhắc về thẩm quyền cho ý kiến đồng ý bằng văn bản của cơ quan chuyên môn về văn hóa cấp tỉnh.
Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục và Cơ quan chủ trì soạn thảo thống nhất cho rằng, trường hợp nhà ở riêng lẻ đã có sẵn trong khu vực bảo vệ di tích nhưng không thuộc yếu tố gốc và cấu thành cảnh quan văn hóa của di tích, việc xin ý kiến của cơ quan chuyên môn văn hóa cấp tỉnh là phù hợp, tạo điều kiện thuận lợi cho cuộc sống cho người dân sinh sống trong khu vực có di sản.
Theo Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường, cần có chính sách cho di sản sẽ hình thành trong tương lai. Theo đó, cần giữ gìn các di sản có tiềm năng trở thành di sản văn hóa trong tương lai như: tác phẩm điện ảnh, bộ phim nhựa sản xuất trong chiến tranh, di vật của lãnh tụ, dòng họ để giữ gìn các tiềm năng này. “Cần nghiên cứu phát hiện, xem xét bảo vệ và phát huy giá trị. Nếu không phát hiện sớm thì sau này theo thời gian mất đi khôi phục thì rất khó”, ông Cường nói.
Dẫn chuyện bảo tồn tại quê hương ông là Vịnh Hạ Long, ông Vũ Hồng Thanh, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội băn khoăn về quy định xây dựng công trình, dự án đầu tư xây dựng công trình phục vụ bảo vệ và phát huy giá trị di tích, công trình kinh tế-xã hội tại khu vực bảo vệ II phải có ý kiến đồng ý bằng văn bản của Thủ tướng Chính phủ đối với di tích quốc gia đặc biệt thuộc Danh mục di sản thế giới; của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đối với di tích quốc gia đặc biệt, di tích quốc gia.
Ông Thanh đề nghị cân nhắc vấn đề này vì các công trình phát triển kinh tế-xã hội tại vùng đệm, khu vực bảo vệ II phải có ý kiến đồng ý bằng văn bản của Thủ tướng Chính phủ, của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ tạo thêm thủ tục hành chính. Vậy có cần thiết không? vì các công trình trên nằm ở trên bờ, cách xa khu vực vịnh.
Bà Nguyễn Thanh Hải, Trưởng ban Công tác đại biểu thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị, trong trùng tu, tu bổ, tôn tạo các di tích phải bảo đảm di tích giữ nguyên giá trị kiến trúc và thẩm mỹ, tăng khả năng chống đỡ trước sự tác động của môi trường.
“Vừa qua việc làm mới gây ra xôn xao trong dư luận. Chùa đang cổ kính, đẹp nhưng sau khi tu bổ, mất tiền thì như chùa mới hiện đại. Do đó bảo quản tu bổ di tích phải đảm bảo giữ gìn bản sắc, và phải có chế tài nếu xảy ra ảnh hưởng. Vì có di tích không tìm kiếm lại được hình dáng, màu sắc của di tích đó nữa”, bà Hải nói và đề nghị ngăn chặn việc làm mới các công trình di tích lịch sử mà không đảm bảo yếu tố về lịch sử, kiến trúc.