Kinh tế

'Hộ chiếu' tăng kim ngạch xuất khẩu

Khanh Lê 16/08/2024 08:18

Phát triển sản xuất vùng nguyên liệu nông, lâm, thủy sản an toàn không chỉ đóng vai trò quan trọng trong công tác chế biến, cung cấp nguồn thực phẩm có nguồn gốc truy xuất rõ ràng cho người dân mà còn tạo điều kiện đáp ứng cần thiết cho xuất khẩu nông sản ra thị trường nước ngoài.

bai-chinh(2).jpg
Đẩy mạnh phát triển nông, lâm nghiệp theo thế mạnh vùng để sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị là hướng đi của nhiều địa phương. Ảnh: Đài Trang.

Hình thành 5 vùng nguyên liệu lớn

Nhận thức được vai trò quan trọng của việc hình thành vùng nguyên liệu nông sản, năm 2022, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT) đã phê duyệt triển khai Đề án Thí điểm xây dựng vùng nguyên liệu nông, lâm sản đạt chuẩn phục vụ tiêu thụ trong nước và xuất khẩu giai đoạn 2022-2025 (Đề án).

Đề án được thực hiện với quy mô 166,8 nghìn ha cây trồng trên địa bàn 46 huyện của 13 tỉnh với tổng kinh phí là 2.467 tỷ đồng. Sau 2 năm triển khai 5 vùng nguyên liệu thí điểm đã cơ bản hình thành rõ nét và phát triển cả về quy mô, diện tích cũng như chất lượng hoạt động. Về hạ tầng vùng nguyên liệu, 82/131km đường giao thông đã hoàn thành đạt 62,5% kế hoạch. Diện tích vùng nguyên liệu có liên kết tiêu thụ với doanh nghiệp đạt trên 103.000ha, chiếm hơn 62% tổng diện tích vùng nguyên liệu. Số chuỗi liên kết đã được xây dựng tăng lên đáng kể. Đáng ghi nhận đã có nhiều mô hình hay, lan tỏa tới các địa phương, doanh nghiệp và hợp tác xã (HTX) như vùng cà phê và sầu riêng ở khu vực Tây Nguyên; vùng lúa gạo Đồng bằng sông Cửu Long. Nhiều mô hình hay đã lan tỏa tới các địa phương, doanh nghiệp và HTX.

Theo đánh giá của các địa phương, Đề án có ý nghĩa quan trọng trong việc thay đổi tư duy sản xuất manh mún, nhỏ lẻ sang hình thành những vùng nguyên liệu đạt chuẩn với các thiết chế đi kèm, sẽ giúp giảm thiểu rủi ro cho các ngành hàng mà trực tiếp là doanh nghiệp và nông dân. Tuy nhiên, việc triển khai các hợp phần đầu tư hạ tầng vùng nguyên liệu vẫn còn một số hạn chế, đặc biệt là các công trình logistics như nhà kho và bãi tập kết nguyên liệu.

Ông Lê Đức Thịnh - Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn (Bộ NNPTNT) cho biết, việc triển khai các hợp phần đầu tư hạ tầng vùng nguyên liệu theo Đề án vẫn còn một số hạn chế, đặc biệt là các công trình logistics như nhà kho và bãi tập kết nguyên liệu. Vấn đề pháp lý và bố trí mặt bằng đất đai cho các kho bãi cũng gặp nhiều khó khăn. Tổng diện tích vùng nguyên liệu có liên kết tiêu thụ với doanh nghiệp còn hạn chế, mới đạt 103.884ha. Bên cạnh đó, nhiều HTX quy mô nhỏ, hoạt động chưa hiệu quả và chưa kết nối được với các doanh nghiệp tiêu thụ.

Hỗ trợ vốn để hình thành vùng nguyên liệu sạch

Dẫn chứng từ cơn sốt giá gạo năm 2023, đại diện Hiệp hội Ngành hàng lúa gạo Việt Nam cho biết, Việt Nam đã chớp thời cơ để xuất khẩu lượng gạo với giá cao kỷ lục. Kết quả này là nhờ Việt Nam đã chuẩn bị tốt vùng nguyên liệu, nên đảm bảo ứng phó tốt với nhu cầu lương thực tăng cao cho tiêu dùng cũng như xuất khẩu.

Thực tế từ các địa phương cho thấy, xây dựng vùng nguyên liệu là khâu đột phá để tạo nền tảng thúc đẩy các khâu tiếp theo trong chuỗi giá trị nông sản; đồng thời minh bạch hóa quy trình sản xuất cũng như chất lượng nguyên liệu đầu vào cho chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Xác định phát triển cây ăn quả theo hướng bền vững, hiện nay, tỉnh Sơn La đã hình thành liên kết giữa các doanh nghiệp, HTX với các hộ dân trong việc sản xuất, tiêu thụ, chế biến nông sản. Thực hiện sản xuất theo chuỗi giá trị an toàn, tỉnh Sơn La đang duy trì và phát triển 166 chuỗi quả an toàn (xoài, nhãn, mận, chanh leo, bơ, dâu tây, thanh long...) với diện tích 3.657ha, sản lượng 44.720 tấn/năm. Đến nay, các sản phẩm hàng hóa của Sơn La đã được giới thiệu, xuất khẩu sang thị trường các nước; xuất khẩu quả các loại gần 20.000 tấn.

Hiệu quả đem lại thấy rõ song nhiều địa phương cho biết, các HTX gặp khó khăn về vốn để mở rộng quy mô, cũng như gia tăng chuỗi giá trị thông qua việc liên kết giữa sản xuất với chế biến. Do đó, các ý kiến đề xuất triển khai thêm các gói chính sách tín dụng gắn với bảo hiểm nông nghiệp theo chuỗi trong các vùng nguyên liệu. Cùng với đó, đẩy nhanh tiến độ thi công hoàn thành các hạng mục công trình hạ tầng vùng nguyên liệu.

Khẳng định việc hình thành nguồn nguyên liệu tập trung là yêu cầu cấp thiết để phát triển nông nghiệp bền vững, hội nhập, Bộ trưởng Bộ NNPTNT Lê Minh Hoan cho rằng, việc triển đề án thí điểm xây dựng vùng nguyên liệu nông, lâm sản đạt chuẩn không chỉ góp phần nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp mà còn tạo ra động lực phát triển kinh tế nông thôn bền vững. Chính vì vậy, trong thời gian tới Bộ NNPTNT sẽ hoàn thiện quy trình chuẩn để nhân rộng ra những địa phương khác với những ngành hàng khác, từng bước đồng bộ việc hình thành các vùng nguyên liệu đạt chuẩn trong cả nước. Tuy nhiên, các doanh nghiệp với vai trò dẫn dắt thị trường cần chuyển từ tư duy sản xuất sang tư duy thị trường, có sự liên kết, hợp tác, đầu tư với HTX, nông dân.

Khanh Lê