Minh bạch tiền công đức
Dù từng có nhiều xầm xì nhưng khi số tiền công đức trên cả nước ở các di tích được công khai thì nhiều người vẫn hết sức bất ngờ, vì nó quá lớn. Từ tiền lẻ thành tiền tỷ.
Báo cáo tổng kiểm tra việc quản lý tiền công đức, tài trợ tại các di tích lịch sử, văn hóa của Bộ Tài chính trên phạm vi toàn quốc cho thấy, gần 4.100 tỷ đồng là tổng số tiền công đức thống kê được trong năm 2023. Số tiền được thống kê chủ yếu là tại các cơ sở tín ngưỡng với hơn 3.000 tỷ đồng, trong đó có 7 di tích thu hơn 25 tỷ đồng. Tại Miếu Bà Chúa xứ (Châu Đốc, An Giang) có số thu là 220 tỷ đồng. Có 9 địa phương có số thu trên 100 tỷ đồng. 7 địa phương có số thu hơn 200 tỷ đồng là Hà Nội, Hải Dương, An Giang, Bắc Ninh, Hưng Yên, Nam Định, Quảng Ninh.
Theo Bộ Tài chính, mặc dù còn nhiều di tích chưa báo cáo, số liệu báo cáo chưa đầy đủ, nhưng với tổng số thu 4.100 tỷ đồng trong năm 2023 (không bao gồm tiền công đức, tài trợ cho hoạt động tôn giáo của tổ chức tôn giáo) cho thấy người dân đã đóng góp rất lớn trong việc tu bổ, tôn tạo di tích và tổ chức lễ hội.
Kết quả cuộc tổng kiểm tra phần nào cho thấy tiền công đức đang từ tiền lẻ dồn thành tiền tỷ. Từ đó, vấn đề cần phải được đặt ra là quản trị nguồn tiền này một cách minh bạch tỏ tường để vừa đảm bảo giữ gìn uy tín, sự trong sạch của các cơ sở di tích, đồng thời đảm bảo lợi ích của người dân khi đóng góp xuất phát từ trái tim chân thành và hướng thiện; cũng như chi tiêu đúng mục đích trong việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa - lịch sử của di tích.
Một chuyện nữa cũng rất đáng nói là việc giao tiền công đức di tích cho cá nhân gửi tiết kiệm đã xảy ra tại một số cơ sở di tích, trong đó Ban quản lý Đền Rừng giao số tiền có được trong nhiều năm cho thủ quỹ đứng tên gửi tiết kiệm dẫn đến bị lừa mất 5,6 tỷ đồng. Hoặc là việc giữ tiền mặt rồi dẫn tới bị mất trộm, ví dụ tại chùa Tứ Giáp (Bắc Giang) mất 100 triệu đồng…
Trong khi đó, việc quy định đối với tiền công đức của người dân tại các di tích là khá rõ ràng. Cụ thể là tiền công đức chuyển vào kho bạc, trên cơ sở đó làm kế hoạch lên dự trù kinh phí rồi chuyển lại. Nhà nước không thu khoản tiền công đức này, mà tiền đó vẫn là của di tích, cộng đồng.
Nói như bà Lê Thị Thu Hiền - Cục trưởng Cục Di sản (Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch) thì khuyến khích các khoản tiền được trao tại các bàn ghi công đức, trao cho người quản lý, không khuyến khích đặt lên ban thờ hoặc gài vào tay tượng gây phản cảm. Hàng năm, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch vẫn có văn bản để nhắc nhở, kiểm tra việc đặt hòm công đức, nếu không cũng dễ có tình trạng tự phát.
Công đức của người dân là tấm lòng, vì thế càng phải được trân trọng. Mà rõ nhất phải là minh bạch, sử dụng hiệu quả số tiền đó. Không thể để tình trạng “u u minh minh” về tiền bạc công đức. Càng không thể để một vài cá nhân trục lợi, biến “tấm lòng” của người dân thành nhà cửa, xe cộ của riêng mình.
Vì đó là hành vi bất chính, vi phạm pháp luật, rất cần sớm được chấn chỉnh.