Du lịch Việt trước 'mùa vàng'
Cuối năm được xem là “mùa vàng” thu hút khách du lịch quốc tế đến Việt Nam. Thông tin 4.500 du khách Ấn Độ đến tham quan một số địa danh nổi tiếng của Việt Nam vào cuối tháng 8 này cũng đang được nhiều người quan tâm…
Sau những bước tăng trưởng có phần chậm so với các nước trong khu vực, ngành du lịch Việt Nam thời gian qua đang cho thấy những tín hiệu khởi sắc.
Khách quốc tế đến Việt Nam trong 7 tháng của năm 2024 đạt gần 10 triệu lượt, tăng 51% so với cùng kỳ năm 2023, tỷ lệ phục hồi du lịch ước đạt 94,1% so với năm 2019. Đặc biệt, trong tháng 7/2024, lượng khách quốc tế đến Việt Nam đạt 1,15 triệu lượt (tăng 10,9% so với cùng kỳ năm trước).
Sức hút đặc biệt
Gần đây du lịch Việt Nam liên tiếp ghi điểm khi trở thành một trong những điểm đến an toàn trên thế giới. Tổ chức quốc tế về đào tạo ngoại giao Best Diplomats vừa công bố 10 điểm đến an toàn nhất châu Á và Việt Nam đứng ở vị trí thứ 8.
Danh sách này được xây dựng dựa trên 3 tiêu chí: quốc gia có tỷ lệ tội phạm thấp, tình hình chính trị ổn định và môi trường sống an toàn. 40,7% người được hỏi tin Việt Nam là điểm an toàn cho chuyến đi sắp tới. Sự hiếu khách của người dân địa phương khiến khách đánh giá cao trải nghiệm du lịch. Tới Việt Nam, du khách thấy an toàn bởi tỷ lệ tội phạm thấp hơn hầu hết quốc gia Đông Nam Á.
Trước đó, tháng 1/2024, trang Travel Off Path - một trong những trang thông tin về du lịch có quy mô lớn nhất khu vực Bắc Mỹ đánh giá Việt Nam là một trong những địa chỉ du lịch an toàn, hấp dẫn nhất ở khu vực châu Á. Việt Nam cũng là đại diện Đông Nam Á duy nhất lọt vào danh sách “9 điểm đến an toàn nhất thế giới dành cho nữ du khách du lịch một mình” của tạp chí Time Out…
Theo Chủ tịch Liên chi hội Lữ hành Việt Nam Cao Chí Dũng, sự công nhận này hết sức có ý nghĩa trong bối cảnh thị hiếu của du khách, cách tiếp cận điểm đến đang thay đổi một cách cơ bản. Khi du khách đã chuyển từ khách đi đoàn sang khách đi lẻ. Tỷ trọng khách đi lẻ đang ngày càng vượt trội thì yếu tố an toàn điểm đến được đặt lên hàng đầu.
Ông Dũng cũng phân tích, trước đây, khi khách đi theo đoàn với tỷ lệ lớn thì trách nhiệm đảm bảo an toàn cho du khách thuộc về công ty lữ hành. Các đoàn khách đi theo chương trình, có hướng dẫn, có điều hành… thì sự chu đáo, an toàn cao hơn. Tuy nhiên với xu hướng hiện nay, khách đi lẻ chiếm 70 - 80%, thì an toàn sẽ là một trong những yếu tố cơ bản nhất để thu hút khách du lịch.
Từ an toàn đến khách hạng sang
Không thể phủ nhận du lịch Việt Nam đang hội tụ “thiên thời, địa lợi, nhân hòa”. Sở hữu nhiều bãi biển đẹp, các khu nghỉ dưỡng cao cấp, đặc biệt là yếu tố an toàn, cùng với lượng khách du lịch tăng trong 7 tháng đầu năm, Việt Nam cũng đang là điểm đến hấp dẫn những ngôi sao quốc tế, tỷ phú, doanh nhân. Nhóm khách hàng đặc biệt này không những mang lại doanh thu cao cho các cơ sở lưu trú, dịch vụ du lịch mà còn giúp nâng cao uy tín, danh tiếng của điểm đến.
Theo thông tin từ Vietravel, cuối tháng 8/2024, 4.500 du khách Ấn Độ được chia thành các đoàn nhỏ đến tham quan du lịch Việt Nam trong hơn 10 ngày. Họ đến từ nhiều quốc gia khác nhau nhưng chủ yếu là người Ấn Độ và được xếp vào nhóm khách có mức chi tiêu cao. Đây là đoàn khách Ấn Độ kỷ lục mà ngành du lịch nước ta đón tiếp và phục vụ.
Trước đó, theo thống kê từ UBND TP Phú Quốc cũng cho biết, từ đầu năm 2024 đến nay địa phương đã liên tiếp đón các tàu du lịch 5 sao của Ý, siêu du thuyền của nước Pháp đưa hơn 3.000 khách ngoại thuộc hạng sang đến tham quan, tìm hiểu về nét đẹp văn hóa đời sống của người dân xứ đảo.
Tháng 4/2024, CEO Apple Tim Cook cũng có chuyến du lịch ngắn ngày tại Việt Nam. Đầu tháng 3/2024, tỷ phủ Bill Gates và bạn gái có chuyến du lịch 4 ngày đến Đà Nẵng…
Trưởng Ban thư ký Hội đồng Tư vấn du lịch (TAB) Hoàng Nhân Chính nhận định, nước ta có nhiều ưu thế về tài nguyên du lịch để thu hút và phục vụ khách du lịch siêu giàu. Tài nguyên thiên nhiên đặc sắc và sự tách biệt về mặt địa lý tạo nên những trải nghiệm du lịch khác biệt so với du lịch đại chúng. Đặc biệt, ở mỗi vùng miền, du khách đều có thể trải nghiệm nghệ thuật ẩm thực đa dạng và phong phú. Việt Nam cũng có các cảng tàu du thuyền cao cấp như bến du thuyền siêu sang ở Nha Trang và các cảng hàng không quốc tế có dịch vụ đón chuyên cơ.
“Các doanh nghiệp của Việt Nam có khả năng đáp ứng nhu cầu đi lại được thiết kế riêng. Quan trọng hơn cả, Việt Nam tạo ra sự hấp dẫn đặc biệt với những du khách cần không gian đảm bảo an ninh, an toàn và yên tĩnh” - ông Chính chia sẻ.
Có thể nói, với những lợi thế, tiềm năng hiện có du lịch Việt Nam hoàn toàn có thể chinh phục những mục tiêu mới, cao hơn. Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu đó các cơ quan chức năng, đặc biệt là ngành du lịch cần tiếp tục triển khai các giải pháp để thu hút đầu tư, xây dựng và hoàn thiện các sản phẩm du lịch, xây dựng môi trường du lịch an toàn, thân thiện… Và đặc biệt là chú trọng trong khâu “nhặt sạn”, để du lịch phát triển bền vững.
TS Hoàng Thị Điệp - nguyên Phó Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam cho rằng, không thể bỏ qua vai trò quan trọng của công tác quản lý điểm đến du lịch. Quản lý tốt không chỉ giúp cải thiện chất lượng điểm đến du lịch, đem tới sự hài lòng tối đa cho du khách mà còn tạo động lực để thu hút khách nhiều hơn.
“Công tác thanh, kiểm tra, giám sát cần được tăng cường, phát hiện kịp thời và xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân không bảo đảm điều kiện kinh doanh, tiêu chuẩn chất lượng dịch vụ du lịch. Công tác tuyên truyền ứng xử văn minh du lịch tại điểm đến cũng cần tăng cường, siết chặt. Xử lý nghiêm những hành vi làm ảnh hưởng đến hình ảnh Việt Nam” - TS Điệp nhấn mạnh.
Còn theo Chủ tịch Liên chi hội Lữ hành Việt Nam Cao Trí Dũng, thời gian qua, hình ảnh du lịch Việt Nam ngày càng được nâng cao và định vị rõ nét hơn trên bản đồ thế giới, năng lực cạnh tranh của du lịch Việt Nam tiếp tục được cải thiện. Tuy nhiên, để du lịch phát triển bền vững thì phải khắc phục tốt điểm nghẽn, những “hạt sạn” làm ảnh hưởng đến hình ảnh du lịch của Việt Nam. Bởi minh chứng rất rõ là địa phương nào, điểm đến nào đặt sự an toàn lên trên hết, tạo ra môi trường an toàn, an ninh, thân thiện mến khách thì điểm đến đó sẽ có sức hút lâu dài. Ví như Hội An, Đà Nẵng… đã tạo ra môi trường mà du khách rất yên tâm khi tự do di chuyển, tự do sử dụng dịch vụ, kể cả với khách đi lẻ.
Viện trưởng Viện Phát triển du lịch châu Á Phạm Hải Quỳnh:
Việc cần làm là phát huy giá trị các danh hiệu, giải thưởng
Việc Best Diplomats xếp Việt Nam ở vị trí thứ 8 trong số 10 quốc gia an toàn nhất châu Á là một tin vui, giúp Việt Nam tiếp tục trở thành điểm đến du lịch hấp dẫn. Tuy nhiên, việc cần làm là phát huy giá trị các danh hiệu, giải thưởng đó, coi đó là nguồn lực, tiềm lực để thu hút khách du lịch, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội bền vững.
Và để làm được việc đó thì một trong những việc cần phải làm ngay đó là loại bỏ những “hạt sạn” trong ngành du lịch, như tình trạng chèo kéo khách du lịch; “chặt chém” tại các nhà hàng, điểm ăn uống; “chặt chém” khi đi taxi… Đó là những hình ảnh không đẹp, ảnh hưởng đến môi trường du lịch Việt Nam. Việc giải quyết tốt các vấn đề này cũng sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì và cải thiện vị trí của Việt Nam trong danh sách các điểm đến an toàn.
Cần phải tiếp tục đầu tư vào việc cải thiện môi trường an toàn du lịch, tăng cường giám sát và kiểm soát an ninh tại các điểm du lịch, nâng cao ý thức của cộng đồng và đào tạo lực lượng an ninh chuyên nghiệp. Khi các biện pháp này được thực hiện một cách đồng bộ và hiệu quả, Việt Nam sẽ duy trì và cải thiện được vị trí điểm đến an toàn trong thị trường du lịch quốc tế.