Đê sông Chu xuống cấp nghiêm trọng
Tuyến đê tả, hữu sông Chu, đoạn qua 2 huyện Thiệu Hóa, Thọ Xuân (Thanh Hóa) hiện đang xuống cấp nghiêm trọng. Việc xe quá tải chở khoáng sản vẫn đi qua càng khiến cho tuyến đê càng hư hỏng nặng hơn.
Ông Đinh Văn Thanh - Hạt trưởng Hạt Quản lý đê điều huyện Thiệu Hóa cho biết: Hạt hiện đang quản lý 51,5km đê cấp I, II, gồm đê hữu, tả sông Chu và đê hữu sông Mã đi qua 14 xã, thị trấn. Vị trí mặt đê xuống cấp, nhất là thuộc tuyến đê tả sông Chu, nằm tại xã Thiệu Nguyên và kéo dài đến thị trấn Vạn Hà.
Theo ông Thanh, nguyên nhân tuyến đê xuống cấp, hư hỏng là do được đưa vào sử dụng đã lâu, cộng với việc hàng loạt xe tải chở cát thường xuyên cày ải trên mặt đê khiến các mảng bê tông bị sụt lún, nứt vỡ. “Cũng như các tuyến đê khác trong tỉnh, đê tả sông Chu chỉ cho phép xe có tải trọng dưới 12 tấn đi qua. Tuy nhiên, hàng loạt xe tải vẫn phớt lờ quy định này, vào lấy cát tại các bãi tập kết rồi đi trên đường đê, bất chấp quy định” - ông Thanh nói.
Ghi nhận trên tuyến đê tả sông Chu (đoạn qua thị trấn Vạn Hà, xã Thiệu Nguyên, Thiệu Hợp) cho thấy, tuyến đê cấp I dài gần 10km này đang xuống cấp nghiêm trọng với chi chít các vết nứt kéo dài gần như suốt tuyến. Nhiều đoạn đã hở rộng đến gần 10cm, cắm sâu vào thân đê. Phần mặt bê tông bị gãy, vỡ tiềm ẩn nhiều nguy cơ tai nạn cho người tham gia giao thông.
Ông Nguyễn Đình Nam (trú xã Thiệu Hợp) cho biết: Người dân sống gần chân đê rất lo lắng bởi tình trạng sụt lún và các vết nứt trên thân đê ngày càng rộng và sâu hơn, công tác sửa chữa hàng năm của cơ quan chức năng lại không đáng kể, trong khi xe quá tải chạy liên tục ảnh hưởng trầm trọng đến thân đê.
Được biết, tuyến đê tả sông Chu từ cầu Vạn Hà (xã Thiệu Hợp) hiện có 3 bãi tập kết cát. Đây là nơi các xe tải thường xuyên ra vào lấy hàng để đưa đi tiêu thụ. Tại đầu đường đê, dù có trạm ngăn xe quá tải với khung giới hạn chiều cao 3m, tải trọng 12 tấn nhưng bị dỡ xuống. Điều này khiến các xe quá tải dễ dàng di chuyển trên đê nhỏ hẹp, không chịu sự quản lý về tải trọng.
Tại Thọ Xuân, năm 2020, dự án xử lý cấp bách đê hữu sông Chu, đoạn Km16+700 - Km24+142 được hoàn thành, đưa vào sử dụng. Tuy nhiên, chỉ sau 4 năm, tuyến đê đã xuống cấp nghiêm trọng. Theo ghi nhận, dọc tuyến đê từ thị trấn Thọ Xuân đến xã Xuân Hồng (giáp ranh huyện Thiệu Hóa) có chiều dài hơn 5km, hiện mặt đê nhiều điểm bị hằn lún sâu, tạo thành những đoạn sống trâu. Mỗi khi trời mưa, nước đọng thành những vũng lớn như bẫy người đi đường. Mặc dù cơ quan chức năng đã cho đổ đá dăm nhưng đây chỉ là giải pháp tạm thời, người dân vẫn phải chật vật đi qua tuyến đê xuống cấp mỗi ngày.
Giống như huyện Thiệu Hóa, dọc bờ sông Chu, đoạn qua huyện Thọ Xuân cũng có nhiều bãi tập kết cát ven sông. Mỗi ngày, các xe tải di chuyển trên mặt đê để lấy cát, làm gia tăng tình trạng hư hỏng của tuyến đê.
Ông Đỗ Minh Chính - Trưởng phòng Quản lý đê điều, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT) tỉnh Thanh Hóa cho biết: Tổng chiều dài đê sông Chu là 92km, trong đó, tuyến đê tả có chiều dài 42km, tuyến đê hữu có chiều dài 50km, trải dài chủ yếu qua địa bàn 2 huyện Thọ Xuân và Thiệu Hóa.
"Hiện nay, toàn tuyến đê sông Chu mặt đê cơ bản đã được đầu tư gia cố nhựa và bê tông. Tuy nhiên, qua quá trình sử dụng đến nay, một số đoạn, mặt đê bị xuống cấp, một phần là do tuyến đê kết hợp đường giao thông làm trục chính kết nối liên huyện, lưu lượng phương tiện lưu thông tương đối lớn” - ông Chính nói.
Theo ông Chính, trong năm 2024, Sở NNPTNT Thanh Hóa được Cục Quản lý đê điều giao nhiệm vụ chủ đầu tư dự án duy tu, bảo dưỡng các tuyến đê trên địa bàn Thanh Hóa. Đến nay, đang thực hiện sửa chữa, gia cố mặt đê hữu sông Chu đoạn qua các xã Thiệu Toán, Minh Tâm, huyện Thiệu Hóa. Đối với các vị trí hư hỏng khác, Sở sẽ tiếp tục đề xuất vào kế hoạch duy tu, bảo dưỡng đê điều hàng năm và các chương trình, dự án khác để xử lý trong thời gian tới.
Ngày 24/7 vừa qua, ông Lê Đức Giang - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa ký công văn 10679, gửi Công an tỉnh, Sở NNPTNT, Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND 17 huyện, thị, thành phố, trong đó có UBND huyện Thiệu Hóa và UBND huyện Thọ Xuân, yêu cầu ngăn chặn, xử lý xe quá tải đi trên đê.