Từ bằng giả đến 'hung thần xa lộ'
Việc Cơ quan Cảnh sát điều tra thông báo tìm 63.458 học viên là người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan đến vụ án tại Trung tâm Dạy nghề lái xe Sài Gòn đang được dư luận đặc biệt quan tâm. Đáng lưu tâm hơn nữa là hơn 39.000 học viên đã được trung tâm này cấp chứng chỉ nghề trái quy định. Việc mua bán bằng lái xe vốn đã là vấn nạn, là một trong những nguyên nhân gây tai nạn giao thông. Câu hỏi đặt ra là, cùng với việc xử lý hình sự đối với cá nhân, tổ chức tại các cơ sở dạy lái ô tô vi phạm pháp luật, thì người sử dụng loại bằng ấy sẽ xử lý thế nào?
Kết quả điều tra của cơ quan công an cho biết, Trung tâm Dạy nghề lái xe Sài Gòn dạy lý thuyết, thực hành không đúng quy định, giao cho các cá nhân ngoài xã hội không có chức năng tự đào tạo lái xe và hợp thức hóa hồ sơ người học là do Trung tâm đào tạo. Sau đó, trung tâm này đã cấp chứng chỉ sơ cấp nghề cho 39.021 học viên trái quy định.
Đây là vụ việc tiêu cực rất lớn cần phải được giải quyết một cách triệt để. Trước đó, cơ quan công an cũng đã phát hiện không ít cơ sở đào tạo lái xe sai phạm. Ngày 31/5/2024, Công an tỉnh Lào Cai đã khởi tố thêm 3 bị can (trước đó đó thực hiện lệnh bắt bị can để tạm giam đối với Phó trưởng phòng Thanh tra, khảo thí trường Cao đẳng Lào Cai, nguyên Giám đốc Trung tâm đào tạo và sát hạch lái xe cơ giới đường bộ thuộc Trường Cao đẳng Lào Cai) trong vụ án “lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” xảy ra tại Trung tâm này.
Ngày 13/7/2023, Công an TP Hải Phòng cũng thực hiện việc bắt giám đốc và một số nhân viên Trung tâm Đào tạo, sát hạch lái xe thuộc Trường Cao đẳng Giao thông vận tải trung ương II (huyện An Dương, TP Hải Phòng), do đã chiếm đoạt hơn 22 tỷ đồng của các học viên.
Như vậy có thể thấy, việc đào tạo, cấp bằng, sát hạch lái xe đã tồn tại nhiều tiêu cực. Điều đó khách quan cho thấy không ít cơ sở đã lợi dụng quyền hạn để làm trái, thu lợi bất chính, từ đó tạo ra hiểm họa tai nạn giao thông cho xã hội khi mà rất nhiều cá nhân được cấp bằng lái xe không qua đào tạo một cách nghiêm túc. Đây cũng chính là nguồn cơn tạo ra nhiều “hung thần xa lộ” khiến người đi đường khiếp đảm, cũng như đưa tới nhiều cái chết thương tâm.
Vừa qua, việc cơ quan chức năng “làm sạch” các trung tâm đăng kiểm ô tô tại nhiều địa phương đã nhận được sự đồng thuận cao của xã hội. Vì thế, các trung tâm dạy lái xe cũng rất cần được “làm sạch”. Không thể tồn tại việc các trung tâm này nhận tiền rồi dễ dàng bỏ qua lỗi, cấp bằng lái một cách tùy tiện. Đó là việc làm rất nguy hiểm vì chính là mầm họa mất an toàn giao thông.
Đối với các trung tâm dạy lái xe thì như vậy, còn với những người được cấp và sử dụng loại bằng ấy thì sao? Có thể coi đó là bằng lái xe giả không?
Theo quy định của pháp luật hiện hành, sau khi được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp giấy phép lái xe, về mặt pháp lý, người đó mới có quyền tham gia giao thông bằng phương tiện xe cơ giới. Căn cứ vào kiểu loại, công suất động cơ, tải trọng và công dụng của xe cơ giới, giấy phép lái xe được phân thành giấy phép lái xe không thời hạn và giấy phép lái xe có thời hạn.
Còn trong trường hợp sử dụng bằng lái xe không phải do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp thì là bằng lái xe giả, là hành vi vi phạm pháp luật và sẽ bị xử phạt hành chính. Cụ thể, Điều 21 Nghị định 100 năm 2019 của Chính phủ (sửa đổi tại Nghị định 123 năm 2021 của Chính phủ) quy định mức phạt do sử dụng bằng lái xe giả như sau: Đối với người điều khiển xe ô tô, máy kéo và các loại xe tương tự xe ô tô sử dụng Giấy phép lái xe không do cơ quan có thẩm quyền cấp hoặc sử dụng Giấy phép lái xe bị tẩy xóa; sẽ bị phạt tiền từ 10 - 12 triệu đồng. Ngoài việc bị phạt tiền còn bị tịch thu Giấy phép lái xe không do cơ quan có thẩm quyền cấp.
Vậy, với những người (tạm gọi là “mua bằng” tại các trung tâm dạy lái xe) thì có bị coi là sử dụng bằng giả hay không? Nhiều ý kiến cho rằng, đối với những người lấy được bằng lái xe một cách thiếu minh bạch như vậy thì cần coi đó là sử dụng bằng giả, không nên sát hạch lại mà cần phải tịch thu bằng lái và phạt tiền theo quy định.