Đừng để tai họa từ cây xanh
Vào mỗi mùa mưa, TPHCM thường xuyên phải đối diện với tình trạng hàng loạt vụ cây xanh bị gãy, bật gốc, ngã đổ xuống đường hoặc nhà dân, gây thiệt về tài sản và sức khỏe của cộng đồng dân cư. Trước các vụ tai nạn đau lòng gần đây, nhiều người đã đặt câu hỏi về trách nhiệm của các cơ quan chức năng trong công tác chăm sóc, bảo dưỡng cây xanh.
Mùa mưa tại Nam bộ và TPHCM bắt đầu từ tháng 5 đến tháng 11 hàng năm. Là đô thị đông dân nhất nước, mật độ dân cư cao, đã kéo theo nhiều vấn đề quản lý đô thị mà chính quyền TPHCM phải tập trung giải quyết vào mỗi mùa mưa hàng năm. Trong đó, ngoài kẹt xe và ngập úng đô thị, công tác quản lý cây xanh đang là vấn đề đặt ra rất nhiều thách thức.
Chỉ tính riêng hệ thống cây xanh đang trồng tại các tuyến đường giao thông hiện nay, TPHCM đang quản lý khoảng hơn 200.000 cây xanh, được chia thành 4 loại, gồm: cây mới trồng; cây loại 1, 2, 3. Trong đó, những cây loại 2 và 3 thuộc diện cây trồng lâu năm, có kích thước lớn và cũng là nhóm tiềm ẩn nguy cơ gãy, đổ vào mùa mưa. Đáng chú ý, các cây xanh cổ thụ thường tập trung phần lớn ở các tuyến đường trung tâm thành phố, trường học, cơ quan, công sở... gây lo ngại tiềm tàng về nguy cơ mất an toàn.
Theo Trung tâm quản lý hạ tầng kỹ thuật (Sở Xây dựng TPHCM), công tác kiểm tra, chăm sóc cây xanh đô thị tại thành phố được thực hiện thường xuyên, định kỳ hàng năm. Nhân viên cây xanh có trách nhiệm kiểm tra và phát hiện các khiếm khuyết hoặc nguy cơ gãy cành, ngã đổ của cây xanh dựa trên các tiêu chí khác nhau. Từ đó, đơn vị có trách nhiệm đưa ra biện pháp chăm sóc, tỉa nhánh hoặc đốn hạ để trồng mới. Chỉ trong 5 tháng đầu năm nay, TPHCM có khoảng 700 cây xanh mất an toàn hoặc có nguy cơ ngã đổ ở thành phố đã được xử lý. Sự cố mới nhất xảy ra vào ngày 9/8/2024 khi một nhánh cây lớn ở công viên Tao Đàn (quận 1, TPHCM) bị gãy, rơi trúng nhóm người dân đi tập thể dục khiến 2 người chết và 3 người bị thương. Liên quan đến vụ việc, Công ty TNHH MTV Công viên cây xanh TPHCM cho biết, cây xanh bị gãy nhánh thuộc họ dầu, phân loại 3 (cây có kích thước lớn).
Qua quan sát ban đầu, nhánh cây bị gãy có khiếm khuyết bên trong không thể hiện bên ngoài, trong khi cành còn tươi và lá xanh bình thường. Sau khi sự cố xảy ra, Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật, Công ty Công viên cây xanh TPHCM đã phối hợp với lực lượng công an xử lý hiện trường và điều tra nguyên nhân xảy ra sự cố. Cơ quan công an cũng đã làm việc với Công ty TNHH MTV Công viên cây xanh TPHCM để xác định rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân liên quan đến vụ cây xanh gãy, rơi làm hại tính mạng người dân. Đây là sự cố gãy đổ cây xanh khiến người đi đường bị thương vong có mức độ nghiêm trọng nhất xảy ra từ đầu năm đến nay.
Vào mùa mưa năm trước, vụ việc một cây me cổ thụ trong sân Trường THCS Trần Văn Ơn (quận 1, TPHCM) bất ngờ bật gốc, ngã đổ xuống đường khiến một học sinh và 5 người khác bị thương. Trước đó không lâu, một vụ cây xanh bật gốc vào mùa mưa ở Trường THCS Bạch Đằng (quận 3) đã khiến một học sinh không may đã tử vong, nhiều học sinh khác bị thương phải vào bệnh viện cấp cứu.
Trong đa số các sự cố cây xanh bất ngờ gãy nhánh hoặc ngã đổ đều được báo cáo không được phát hiện từ đầu qua kiểm tra định kỳ thông thường (quan sát tán lá không đồng đều, nghiêng, rễ nổi, thân bị bọng, mục...). Với việc các đơn vị quản lý, chăm sóc cây xanh chủ yếu dựa theo quan sát bằng mắt thường và kinh nghiệm hoặc kiến thức chuyên môn, thiếu máy móc chuyên dụng để rà soát, đã đặt ra nhiều lo ngại. Trong đó, đối với phần rễ cây hoặc thân cây bị mục rỗng hoặc sâu bệnh dẫn đến bị khiếm khuyết rất khó nhận biết, có thể tiềm tàng các sự cố về cây xanh vào mùa mưa bão.
Được biết, hiện nay Công ty Cây xanh TPHCM đã được trang bị máy kiểm tra khuyết tật cây xanh. Đơn vị này cũng đang phối hợp chặt chẽ với các nhà khoa học chuyên ngành thử nghiệm vào những chủng loại cây trên địa bàn để thu thập cơ sở dữ liệu phục vụ các bước phân tích, đồng thời xây dựng quy trình đánh giá trên cơ sở khoa học nhằm phục vụ cho công tác quản lý cây xanh được tốt hơn.
Việc chủ động đổi mới công nghệ, phương tiện, kỹ thuật, kể cả yếu tố chuyên môn, nghiệp vụ nhân lực là cần thiết để các đô thị lớn nâng tầm trong công tác quản lý cây xanh đô thị. Từ đó, hạn chế đến mức thấp nhất sự cố cây xanh xảy ra gây thiệt hại về con người và phương tiện tham gia giao thông và các công trình công cộng khác vào mùa mưa hàng năm.
Hơn nữa, còn là trách nhiệm và nghĩa vụ của chính quyền đối với người dân.