Khởi động mùa trồng hoa Tết
Mặc dù còn khoảng 5 tháng nữa mới đến Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, nhưng những ngày qua, nhiều nông dân trồng hoa cây kiểng ở huyện Chợ Lách (Bến Tre) hay Sa Đéc (Đồng Tháp) đã nhộn nhịp chuẩn bị mùa hoa Tết.
Anh Nguyễn Văn Bách, 42 tuổi, ở xã Phú Phụng (huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre) cho biết, năm nay anh đầu tư hơn 800 chậu cúc mâm xôi. “Hoa này khó trồng vì từ đầu tháng này đã phải gieo giống rồi. Còn mấy loại hoa khác, tới tháng 10 hay 11 tôi mới lên giỏ. Loại này đầu tư thời gian lâu mà cũng khó chăm sóc nữa. Bây giờ hoa còn nhỏ, mưa thì tốt nhưng khoảng 2-3 tháng nữa, giai đoạn gần thu hoạch nếu gặp mưa thì coi như hỏng cả vụ hoa. Mấy vụ hoa Tết gần đây đều có mưa cuối năm trái mùa như vậy, nên nhiều nông dân trồng cúc mâm xôi thất thu” - anh Bách chia sẻ.
Gia đình anh Bách trồng hoa kiểng quanh năm nhưng vụ hoa kiểng Tết luôn được đầu tư và kỳ vọng nhiều nhất. Ngoài cúc mâm xôi, anh Bách cũng đầu tư thêm gần 200 chậu mai và quất loại chậu nhỏ. Đây đều là các loại hoa kiểng thông dụng của người dân miền Tây mỗi dịp Tết đến xuân về.
Tuy nhiên, năm nay có thể tình hình kinh tế khó khăn nên anh chỉ đầu tư các loại chậu nhỏ, cây nhỏ để hợp với túi tiền, thay vì những chậu lớn có thể sẽ khó bán.
Từ nhiều năm qua, các xã ở huyện Chợ Lách đã có truyền thống trồng hoa cây kiểng, với nhiều loại khác nhau. Hoa kiểng ở Chợ Lách rất nổi tiếng tại các tỉnh phía Nam, chủ yếu xuất đi các thành phố lớn như TPHCM, Cần Thơ, Mỹ Tho hay thậm chí đưa ra cả ngoài miền Bắc, miền Trung. Cách đây ít ngày, Trung tâm Giống và Hoa kiểng tỉnh Bến Tre cho biết vừa nuôi cấy khoảng 10.000 chậu hoa cúc mâm xôi cấy mô để phục vụ cho bà con nông dân trong tỉnh gieo trồng vụ hoa Tết. Thực tế, ngoài số lượng giống cấy mô kể trên, nông dân ở tỉnh Bến Tre (chủ yếu là huyện Chợ Lách) trồng cúc mâm côi bằng phương pháp truyền thống gieo hạt.
Ngoài cúc mâm xôi được bà con nông dân gieo sớm, một số loại cây kiểng như hoa giấy, tắc cũng được nhà vườn chăm sóc, uốn tạo thế để chuẩn bị cho Tết Ất Tỵ. Theo bà Nguyễn Thị Phượng, ở xã Phú Sơn (huyện Chợ Lách), hiện gia đình bà đang có 6.000 chậu hoa giấy các loại.
“Hoa giấy nhà tôi đủ màu sắc, từ màu đơn cho tới màu đôi hay đủ 7 màu đều có cả. Hoa giấy có thể bán quanh năm cho các nhà vườn trên thành phố nhưng tháng Tết là tiêu thụ nhiều nhất, bằng tổng tất cả các tháng còn lại trong năm. Gia đình tôi chủ yếu trồng trong vườn, khi nào có khách đặt thì mới lên chậu. Riêng vụ Tết năm nay, tôi đã tạo hình rất nhiều loại hoa giấy đẹp, bắt mắt” - bà Phương cho biết.
Xã Phú Sơn là khu vực trồng hoa giấy lớn nhất ở phía Nam với hàng trăm hộ dân trồng loại cây này. Thời điểm này, đi dọc những con đường ở xã từ tỉnh lộ ra phía bờ sông Hàm Luông là hàng trăm các nhà vườn trồng hoa giấy, đủ màu sắc rực rỡ.
Ông Võ Tấn Đức - Chủ tịch Hội nông dân xã Phú Sơn cho biết hoa giấy là nghề truyền thống của địa phương với hàng trăm hộ tham gia. Theo kế hoạch, từ nay tới Tết dương lịch địa phương sẽ thành lập “Hợp tác xã Hoa giấy Phú Sơn” để giúp nông dân dễ dàng tiếp cận thị trường hơn, đặc biệt là dịp Tết Nguyên đán.
Tương tự, trên những cánh đồng ở xã Tân Quy Đông, Tân Quy Tây… (TP Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp), nông dân cũng đang miệt mài tưới nước trên những luống hoa. Cũng như huyện Chợ Lách, nông dân Sa Đéc trồng hoa quanh năm nhưng vụ Tết luôn mang nguồn thu nhập chính, được đầu tư nhiều và hy vọng nhất. Người dân cũng đang trồng nhiều giống hoa kiểng ngắn ngày kết hợp với hoa kiểng dài ngày bán Tết. Cùng với Chợ Lách, Sa Đéc là vựa cúc mâm xôi, loại hoa phổ biến dịp Tết phía Nam. Cúc mâm xôi ở 2 địa phương này nổi tiếng và được bán đi nhiều tỉnh, thành trong cả nước. Hiện cúc mâm xôi ở Sa Đéc cũng mới lên giàn, được nông dân tỉ mỉ chăm sóc.