Chủ động phòng ngừa bệnh tăng huyết áp
Theo chia sẻ từ các chuyên gia đầu ngành, có tới gần 60% người từ 18 tuổi trở lên bị tăng huyết áp nhưng không biết tình trạng bệnh của bản thân. Trong khi đó, đối với những bệnh nhân tăng huyết áp, chỉ có 20% kiểm soát được tình trạng bệnh.
Thống kê từ Hội Tim mạch Việt Nam cho thấy, khoảng 25 - 47% người Việt trưởng thành mắc căn bệnh này. Đáng báo động hơn khi số người tăng huyết áp mà không biết mình bị tăng huyết áp chiếm tỷ lệ tới 50% và số người tăng huyết áp được kiểm soát tốt cũng chỉ đạt khoảng 1/3.
PGS.TS Nguyễn Sinh Hiền - Giám đốc Bệnh viện Tim Hà Nội cho biết, hiện nay, tỷ lệ người mắc tăng huyết áp ở Việt Nam có xu hướng tăng nhanh. Tại Việt Nam, có khoảng 12 triệu người mắc tăng huyết áp.
Theo chuyên gia, quan điểm trước đây cho rằng, cứ tăng huyết áp là phải có đau đầu, mặt đỏ bừng, béo... là sai lầm. Nhiều khi, sự xuất hiện các triệu chứng này thì người bệnh bị tai biến nặng nề. Trên thực tế, rất nhiều người bệnh được chẩn đoán tăng huyết áp một cách tình cờ khi đi kiểm tra sức khỏe định kỳ hoặc sau khi xảy ra một biến cố lớn như nhồi máu cơ tim, đột quỵ…
Tăng huyết áp chỉ được phát hiện bằng việc đo huyết áp người bệnh do nhân viên y tế thực hiện. Đây là một hành động đơn giản, nhanh gọn và không hề đau đớn, người dân có thể phát hiện tăng huyết áp dễ dàng bằng cách khám sức khỏe định kỳ.
“Tăng huyết áp là nguyên nhân chính gây nên tai biến mạch máu não, nhồi máu cơ tim, suy tim và tử vong. Trong đại đa số các trường hợp, tăng huyết áp xảy ra không có triệu chứng gì, chính vì vậy mà nó được gọi là “kẻ giết người thầm lặng”“- PGS Nguyễn Sinh Hiền lý giải.
Nguy cơ hơn nữa là tại nước ta, rất nhiều trường hợp tự ý bỏ thuốc khi đang điều trị tăng huyết áp. Theo BS Vũ Duy Minh - Khoa cấp cứu (Bệnh viện Trung ương Quân đội 108), hàng ngày, Khoa Cấp cứu của bệnh viện tiếp nhận và xử trí cấp cứu cho hàng trăm người bệnh, trong đó có không ít các trường hợp đến cấp cứu vì những biến chứng của bệnh tăng huyết áp.
Tuy nhiên, khi khai thác kỹ quá trình dùng thuốc của bệnh nhân, được biết nhiều người đang uống thuốc điều trị, huyết áp ổn định, sức khỏe tốt, tưởng mình khỏi bệnh nên đã tự dừng uống thuốc. Có trường hợp không dùng thuốc theo đơn của bác sĩ để điều trị mà dùng thuốc lá sắc uống hoặc các loại thuốc viên tán do tin vào quảng cáo trên mạng, những lời truyền miệng. Hầu hết những trường hợp này đều nhập viện rất muộn, khi hậu quả đã nặng nề.
Các chuyên gia y tế khuyến cáo, bệnh tăng huyết áp hoàn toàn có thể được phòng ngừa hiệu quả nhờ lối sống lành mạnh với chế độ ăn hợp lý, người dân nên ăn dưới 5g muối/ngày; tăng cường ăn rau xanh, hoa quả tươi (vì chất xơ có trong rau quả có tác dụng chuyển hóa các chất béo và làm hạ huyết áp); nên ăn chất béo có nguồn gốc thực vật, các loại dầu thực vật, dầu cá và một số hạt có chất béo như hạt mè, hạt hướng dương, hạt hạnh nhân; đảm bảo đủ kali và các yếu tố vi lượng trong khẩu phần ăn hàng ngày.
Tăng cân trong thời gian dài là yếu tố nguy cơ làm tăng huyết áp. Nguy cơ này tăng dần ở phụ nữ cao tuổi, sau mãn kinh. Vì vậy, cần duy trì cân nặng ở mức hợp lý và cố gắng duy trì vòng bụng dưới 90cm ở nam và dưới 80cm ở nữ. Tăng cường hoạt động thể lực ở mức thích hợp, tập thể dục, đi bộ hoặc vận động ở mức độ vừa phải, đều đặn khoảng 30-60 phút mỗi ngày, ít nhất 3-4 lần/tuần.
Đặc biệt, không hút thuốc lá hoặc thuốc lào; hạn chế uống bia rượu; tránh các lo âu, căng thẳng; sống tích cực, cần chú ý đến việc thư giãn, nghỉ ngơi hợp lý; không thức khuya, ngủ ít nhất 7 giờ/ngày và đúng giờ.
Cần theo dõi huyết áp đều đặn, với những người khoẻ mạnh, dù không bị tăng huyết áp cũng cần kiểm tra huyết áp ít nhất hai lần mỗi năm để phòng ngừa bệnh.
Huyết áp nên duy trì dưới 120/80mmHg. Trên mức 140/90 mmHg là tăng huyết áp. Trong trường hợp mắc tăng huyết áp, cần dùng thuốc hạ huyết áp theo hướng dẫn của bác sĩ, đừng bỏ sót một ngày nào dù thấy khỏe mạnh và cả khi huyết áp đã trong giới hạn bình thường. Nếu cho rằng có thể giảm liều lượng thuốc thì nên tham khảo ý kiến bác sĩ.