Lễ Rằm tháng Bảy: Thực hành Hiếu hạnh thời nay
Rằm tháng bảy theo tín ngưỡng dân gian vốn là ngày xá tội vong nhân. Người Việt từ xa xưa cúng cháo thí cho những vong hồn không nơi nương tựa. Trong quá trình tiếp biến văn hoá, tiếp nhận từ văn hoá Phật giáo quan niệm Rằm tháng bảy là ngày Lễ Vu lan, nhiều năm gần đây, ý nghĩa về một dịp để thực hành chữ Hiếu đã lan toả mạnh mẽ trong xã hội Việt Nam hiện đại. Có lẽ bởi vì trong sự giao thoa văn hoá, đạo lý Việt Nam đã gặp được sự tương đồng trong quan niệm về ngày Vu lan của đạo Phật ở cùng một điểm: Hiếu thảo là nền tảng của đạo đức.
Tiếp biến và giao thoa văn hoá luôn là điểm thú vị trong đời sống văn hoá Việt Nam. Có những hoạt động tín ngưỡng dân gian đã xâm nhập vào một số tôn giáo và có những nghi lễ tôn giáo đã đi vào đời sống xã hội. Nhìn cách nhiều người Việt hiện nay thực hành trong dịp lễ Rằm tháng bảy đã thấy rõ điều đó. Ví dụ như ở nhiều gia đình ở Việt Nam, người ta vừa cúng chúng sinh lại vừa tổ chức nhiều nghi thức để tỏ lòng báo hiếu với tổ tiên cha mẹ.
Đây là điều đáng mừng trong một xã hội hiện đại khi nhiều nền tảng đạo đức xã hội đã lung lay, khi cái xấu cái ác đang lộng hành.
Khổng Tử từng viết trong Hiếu Kinh: “Hiếu là cái gốc của đức, giáo hóa đức hạnh đều do hiếu sinh ra. Còn Phật giáo cho rằng: “Hiếu thảo đứng đầu muôn hạnh”; “Tâm hiếu là tâm Phật, hạnh hiếu là hạnh Phật”.
Đối với truyền thống dân gian Việt Nam, đạo lý Việt Nam, hiếu thảo được xem là đạo lý làm người.
Khoảng đầu thập niên 90 (thế kỷ 20), báo Đại Đoàn Kết đã khởi xướng những kỳ Liên hoan tôn vinh những tấm gương Hiếu thảo. Trong vòng hơn 20 năm với 4 lần tổ chức Liên hoan con cháu Hiếu thảo toàn quốc, theo đuổi công việc tôn vinh lòng hiếu thảo, tôn vinh những giá trị đích thực làm nên nhân cách con người, chúng tôi vào thời điểm đó đã hiểu rằng cơn lốc của kinh tế thị trường sẽ đem đến những biến đổi xã hội sâu sắc. Nhưng đạo Hiếu vẫn là cội nguồn của mọi yêu thương, đứng đầu trong những đức hạnh của con người.
Sự biến đổi của xã hội và đời sống đã khiến cho chữ Hiếu, cho việc thực hành Hiếu hạnh thời hiện đại đang mở rộng biên độ của nó. Có những tiêu chí của Hiếu thảo hôm nay không còn giống với truyền thống xa xưa. Tính độc lập của gia đình hạt nhân và cá nhân đang ngày càng khẳng định. Chữ Hiếu hôm nay cũng phải được vận hành trong quỹ đạo giá trị ấy. Mà nếu không nhận ra sự biến đổi này, cứ đem khuôn vàng thước ngọc của giá trị hiếu thảo xưa kia làm thước đo, là lạc hậu với thời cuộc. Nhưng dù cho đời sống có biến đổi thế nào, biểu hiện của chữ Hiếu có thể thay đổi cho phù hợp với thời đại chứ căn cốt căn bản nhất của chữ Hiếu không thay đổi. Có một nhà nghiên cứu đã nói với chúng tôi rằng: "Nếu không nhận ra một cách sâu sắc cái giá trị mang tính vĩnh hằng của chữ Hiếu trong cuộc sống của con người, chừng nào con người vẫn còn sống trên quả đất này, thì là một hụt hẫng nguy hiểm trong đời sống tinh thần của xã hội. Vì dù cho biên độ của chữ Hiếu có mở rộng đến đâu thì cái cốt lõi của nó vẫn giữ nguyên vẹn giá trị". Trong công trình "Văn minh Việt Nam", GS Nguyễn Văn Huyên có viết rằng: “Gia đình là cơ sở của xã hội Việt Nam. Sức mạnh của gia đình là ở chữ Hiếu”.
Nói như thế để thấy chúng ta đề cao chữ Hiếu và việc ngày càng có nhiều người làm theo quan niệm về Lễ Vu lan để thực hành Hiếu hạnh là đáng hoan nghênh. Tuy nhiên ngày nay một số quan niệm đang ngày càng tách rời ý nghĩa nguyên bản, thậm chí nhiều người còn nhầm lẫn giữa Lễ Vu lan và Xá tội vong nhân là một. Những năm gần đây người Việt ngày càng chú trọng các lễ tiết này nhưng đôi khi trở nên thái quá. Một số người cho rằng tháng bảy âm lịch là “tháng cô hồn” có nhiều điều đen đủi cần kiêng tránh khiến nhiều hoạt động công việc bị đình trệ. Tục đốt vàng mã cũng bị lạm dụng, tâm lý càng cúng biếu nhiều càng thể hiện sự hiếu kính và nhận được nhiều bổng lộc từ cõi âm khiến cho việc này đang gây ra rất nhiều lãng phí. Thậm chí gần đây nhiều nơi việc cúng vong cô hồn còn biến tướng thành tục “cướp lễ”, “giật cô hồn” làm mất đi ý nghĩa tốt đẹp nguyên bản của phong tục này.
Từ quan niệm của tín ngưỡng dân gian Rằm tháng bảy là Lễ Xá tội vong nhân đến Lễ Vu lan của đạo Phật đều gặp nhau ở tính nhân văn, nhân bản, ở việc đề cao chữ Hiếu đúng với đạo lý Việt Nam. Bởi vậy, việc thực hành Hiếu hạnh không đơn thuần là việc cầu cúng theo mê tín mà thể hiện tấm lòng của người còn sống với người đã khuất, là dịp thể hiện lòng hiếu thảo của con cháu với ông bà cha mẹ, không chỉ với người quá cố mà còn cả với người đang sống.