Lắng nghe kiều bào hiến kế xây dựng đất nước
Ngày 22/8 tới đây, tại Hà Nội, Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài (Bộ Ngoại giao) sẽ tổ chức Hội nghị người Việt Nam ở nước ngoài lần thứ 4. Trước thềm Hội nghị, Thứ trưởng Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng trao đổi với Báo Đại Đoàn Kết.
PV: Thưa Thứ trưởng, xin bà cho biết Hội nghị người Việt Nam ở nước ngoài (NVNONN) lần thứ 4 có gì khác với các lần Hội nghị đã từng diễn ra trước đây?
Thứ trưởng LÊ THỊ THU HẰNG: Trong khuôn khổ Hội nghị lần này sẽ diễn ra Diễn đàn Trí thức và Chuyên gia Việt Nam ở nước ngoài năm 2024, đây là điểm đặc biệt. Tháng 3/2024, tại buổi làm việc với lãnh đạo Hội Trí thức và chuyên gia Việt Nam tại Australia và New Zealand, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chỉ đạo Bộ Ngoại giao tổ chức Diễn đàn Trí thức và chuyên gia Việt Nam ở nước ngoài. Ngay sau đó, Bộ Ngoại giao đã điều chỉnh kế hoạch tổ chức để đưa Diễn đàn trở thành nội dung trọng tâm của Hội nghị NVNONN lần này.
Thứ trưởng có thể cho biết quy mô của Hội nghị lần này, với điểm nhấn là có một Diễn đàn dành riêng cho trí thức và chuyên gia, Hội nghị đã thu hút sự quan tâm của kiều bào khắp nơi trên thế giới như thế nào?
- Đến thời điểm này, chúng tôi rất vui mừng khi đã có 500 đại biểu từ 42 quốc gia và vùng lãnh thổ đăng ký tham dự Hội nghị và Diễn đàn, hơn 200 đại biểu các bộ, ngành, địa phương, hội liên lạc, hội thân nhân kiều bào, các hiệp hội doanh nghiệp, các trường, viện, cơ sở nghiên cứu trong nước... Con số này vượt mong đợi ban đầu, thể hiện mối quan tâm sâu sắc của kiều bào đối với sự kiện, cũng như khẳng định vai trò ngày càng quan trọng của cộng đồng NVNONN trong việc đóng góp cho sự phát triển của quê hương.
Với sự chuẩn bị chu đáo của Ban Tổ chức và sự tham gia nhiệt tình của kiều bào từ khắp nơi trên thế giới, tôi tin rằng sự kiện sẽ là một diễn đàn ý nghĩa, nơi người Việt Nam chúng ta trong và ngoài nước kết nối, cùng nhau chia sẻ ý tưởng, hiến kế và đóng góp cho sự phát triển bền vững của đất nước trong giai đoạn mới.
Thưa bà, với điểm nhấn là có Diễn đàn trong khuôn khổ của một Hội nghị, Ban tổ chức dự kiến sẽ thiết kế chương trình thế nào để các trí thức, chuyên gia và kiều bào nói chung có thể đóng góp ý kiến được nhiều nhất?
- Về nội dung, Bộ Ngoại giao đang phối hợp với các cơ quan liên quan hoàn thiện chương trình chi tiết với tinh thần dành nhiều thời lượng để bà con phát biểu, đóng góp ý kiến về các vấn đề phát triển đất nước cũng như các vấn đề của cộng đồng. Ban Tổ chức còn dành 4 phiên chuyên đề để bà con đóng góp ý kiến với các chủ đề: “Kiều bào với sự phát triển công nghệ cao của Việt Nam”; “Doanh nghiệp, doanh nhân kiều bào đồng hành cùng đất nước”; “Đại đoàn kết dân tộc, công tác hội đoàn và vai trò của thế hệ trẻ kiều bào”; “Kiều bào - Sứ giả văn hóa và ngôn ngữ Việt”.
Sự kiện lần này được tổ chức vừa đúng dịp tròn 20 năm triển khai Nghị quyết 36 của Bộ Chính trị về công tác đối với NVNONN và 3 năm triển khai Kết luận 12 của Bộ Chính trị về công tác đối với NVNONN trong tình hình mới, bà đánh giá như thế nào về ý nghĩa của Hội nghị?
- Sự kiện diễn ra trong bối cảnh tình hình thế giới, khu vực và tình hình cộng đồng NVNONN có nhiều chuyển biến mạnh mẽ. Những yếu tố bất ổn, bất an, bất định của tình hình thế giới và khu vực đã tác động mạnh mẽ, sâu sắc, thậm chí làm xáo trộn đời sống của cộng đồng NVNONN. Trong bối cảnh đó, cộng đồng NVNONN có sự phát triển mạnh mẽ về số lượng và chất lượng. Kiều bào ngày càng khẳng định vai trò, vị thế trong xã hội sở tại, đồng thời trở thành nguồn lực rất quan trọng trong quá trình xây dựng và phát triển đất nước. Bên cạnh những mặt thuận, cộng đồng còn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức do xung đột, kinh tế toàn cầu suy giảm… gây ra.
Công tác NVNONN ngày càng nhận được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, MTTQ Việt Nam, các ban, bộ, ngành ở Trung ương và địa phương, các tổ chức chính trị - xã hội... Tuy đạt được nhiều kết quả quan trọng, công tác này vẫn còn có mặt chưa đáp ứng được kỳ vọng.
Do vậy, Hội nghị lần này là cơ hội để các cơ quan trong nước lắng nghe những ý kiến của đồng bào ta ở nước ngoài về công tác NVNONN sau 20 năm triển khai Nghị quyết 36 và 3 năm triển khai Kết luận 12 của Bộ Chính trị, phục vụ công tác tham mưu, kiến nghị chính sách, nhất là quá trình xây dựng văn kiện Đại hội Đảng XIV.
Bên cạnh đó, Hội nghị chính là diễn đàn để bà con hiến kế, chung tay hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước.
Bà có những kỳ vọng gì ở Diễn đàn Trí thức và Chuyên gia NVNONN đang được coi là điểm nhấn ở Hội nghị lần này?
- Đúng vậy, điều đặc biệt của sự kiện lần này chính là việc lần đầu tiên Diễn đàn Trí thức và chuyên gia NVNONN được tổ chức trong khuôn khổ Hội nghị NVNONN, nhằm thu hút sự đóng góp của trí thức và chuyên gia kiều bào cho sự phát triển của đất nước. Diễn đàn này không chỉ tập trung vào việc kết nối trí thức, mà còn tạo ra một không gian mở để các chuyên gia, trí thức kiều bào trao đổi về những xu thế phát triển trên thế giới và khu vực; hiến kế về các vấn đề phát triển xanh, bền vững của đất nước; mở rộng Mạng lưới Đổi mới sáng tạo…
Một điểm mới khác là lần đầu tiên một số hội đoàn NVNONN tham gia với các cơ quan trong nước chủ trì/điều hành một số phiên chuyên đề trong lĩnh vực công nghệ cao như bán dẫn và trí tuệ nhân tạo. Điều này thể hiện vai trò chủ động, tích cực của kiều bào, đồng thời cũng cho thấy sự trưởng thành và vai trò ngày càng quan trọng của cộng đồng NVNONN không chỉ ở nơi họ sinh sống, mà còn đối với sự phát triển của quê hương.
Nhưng thưa bà, những hội nghị như thế này phải vài năm mới tổ chức một lần. Điều này đặt ra vấn đề không phải chờ đến hội nghị mà làm thế nào để kiều bào có thể thường xuyên đóng góp ý kiến cho công việc chung của đất nước? Ủy ban sẽ làm gì để ý kiến của bà con được lắng nghe nhiều hơn, tại nhiều diễn đàn hơn?
- Thời gian vừa qua, Bộ Ngoại giao, Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài đã tổ chức rất nhiều diễn đàn để bà con “hiến kế”, tham gia cho những công việc chung của đất nước như đóng góp ý kiến cho Văn kiện Đại hội Đảng, sửa đổi Luật, hoặc tại các Hội nghị, diễn đàn chuyên đề như Hội nghị phát huy nguồn lực kiều bào, kết nối địa phương và doanh nghiệp, Hội thảo thu hút nguồn lực người Việt Nam ở nước ngoài phát triển du lịch…
Tại sự kiện lần này, Bộ Ngoại giao đặt mục tiêu là phối hợp với các bộ, ngành liên quan nỗ lực tiếp thu tối đa những ý kiến quý báu của bà con, đóng góp vào công cuộc xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước. Đồng thời, với những điểm mới, cách tiếp cận sáng tạo trong tổ chức Hội nghị lần này, Bộ Ngoại giao sẽ chủ động rút kinh nghiệm từ thực tiễn triển khai để phối hợp với các ban, bộ, ngành, địa phương nghiên cứu hình thức tổ chức định kì hằng năm các diễn đàn, hội thảo, tọa đàm chuyên sâu phù hợp với yêu cầu phát triển và thế mạnh của kiều bào trong lĩnh vực liên quan; cũng như tiếp tục hoàn thiện các cơ chế tiếp nhận, xử lý, phản hồi những ý kiến đóng góp của bà con, để ngày càng có nhiều hơn ý kiến quý báu của đồng bào ta ở bên ngoài đóng góp xây dựng và phát triển đất nước.
Xin cảm ơn Thứ trưởng!