Kinh tế

Thị trường thu nhập cao: Rộng cửa cho lao động Việt

Lan Hương 19/08/2024 07:05

Nhu cầu về nguồn nhân lực nước ngoài của các thị trường như Singapore, Nhật Bản... tiếp tục gia tăng. Đây là cơ hội để người lao động Việt Nam có thể tiếp cận với các thị trường có thu nhập cao.

anhthaytren.jpg
Chương trình trao đổi tài năng đổi mới sáng tạo đem đến nhiều cơ hội cho người lao động Việt Nam làm việc ngắn hạn, tại các vị trí liên quan đến đổi mới sáng tạo tại Singapore. Ảnh: Nguyệt Tạ.

Cơ hội làm việc ngắn hạn tại Singapore

Mỗi năm Chương trình trao đổi tài năng đổi mới sáng tạo Việt Nam-Singapore sẽ tuyển dụng 300 ứng viên từ Việt Nam. Các vị trí việc làm liên quan đến đổi mới sáng tạo trong 15 lĩnh vực.

Đây là một trong nội dung đáng chú ý của Chương trình trao đổi tài năng đổi mới sáng tạo Việt Nam - Singapore vừa được Cục Quản lý lao động ngoài nước, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) thông tin. Theo đó, các ứng viên sẽ được cấp giấy phép lao động với hiệu lực tối đa trong 2 năm. Các ứng viên có thể làm việc tại các lĩnh vực thuộc nhiều ngành, không giới hạn ở kinh tế xanh, công nghệ nông nghiệp, dịch vụ tài chính... Các vị trí việc làm trong chương trình sẽ liên quan đến một trong 15 lĩnh vực: Khoa học dữ liệu và phân tích; an ninh mạng và rủi ro; điện toán đám mây; Internet kết nối vạn vật (IoT); trí tuệ nhân tạo (AI)...

Theo danh sách, các ứng viên tại Việt Nam phải tốt nghiệp 5 đại học gồm: Đại học Bách Khoa Hà Nội; Đại học Quốc gia Hà Nội (Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Trường Đại học quốc tế); Đại học Quốc gia TPHCM (Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Trường Đại học Công nghệ thông tin, Trường Đại học quốc tế); Đại học Đà Nẵng (Trường Đại học Bách Khoa, Trường Đại học Sư phạm kỹ thuật); Đại học Duy Tân.

Cục Quản lý lao động ngoài nước cho biết, mục tiêu của chương trình này là nhằm tạo điều kiện cho người lao động Việt Nam tìm kiếm các công việc ngắn hạn tại các vị trí liên quan đến đổi mới sáng tạo tại các doanh nghiệp đủ điều kiện ở Singapore. Việc tuyển dụng ứng viên được thực hiện theo Biên bản ghi nhớ về Chương trình trao đổi tài năng đổi mới sáng tạo Việt Nam-Singapore do Bộ LĐTBXH, Bộ Kế hoạch và Đầu tư với Bộ trưởng Bộ Nhân lực kiêm Bộ trưởng Bộ Công thương Singapore ký kết ngày 28/8/2023.

Gia tăng ứng viên điều dưỡng làm việc tại Nhật Bản

Theo thống kê của Bộ LĐTBXH, năm 2023, lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài đạt 159.986 người. Trong đó, thị trường Singapore thu hút 1.355 lao động. Qua 6 tháng đầu năm 2024, đã có hơn 600 lao động nước ta đi làm việc ở thị trường này.

Theo ông Phạm Viết Hương - Phó Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước, hiện nay, lao động Việt Nam làm việc ở nước ngoài trong nhiều loại hình, ngành nghề, công việc như: Sản xuất chế tạo (cơ khí, dệt may, giày da, lắp ráp điện tử...), xây dựng, nông nghiệp, ngư nghiệp (đánh bắt và nuôi trồng thủy sản) và dịch vụ (chăm sóc người cao tuổi, người bệnh, giúp việc trong gia đình). Điều kiện làm việc và sinh hoạt tốt, chế độ phúc lợi bảo đảm.

Thu nhập của người lao động khá cao và ổn định, dao động từ 1.200-1.600 USD/tháng tại thị trường Nhật Bản và Hàn Quốc; từ 800-1.200 USD/tháng tại các nước châu Âu; từ 700-1.000 USD/tháng đối với lao động có tay nghề, và từ 500-600 USD/tháng đối với lao động phổ thông ở thị trường Trung Đông, châu Phi...

Theo ông Hương, trong những năm gần đây Nhật Bản liên tiếp là thị trường dẫn đầu về tiếp nhận lao động Việt Nam đi làm việc trong nhiều lĩnh vực. Trong tháng 6/2024, Việt Nam và Nhật Bản đã ký thỏa thuận tăng số lượng thực tập sinh nghề hộ lý, dự kiến 40 người trong năm nay và 500 người 5 năm tới. Thỏa thuận mới cũng mở rộng nhóm tuyển dụng lẫn điều kiện đưa đi bởi phía Nhật muốn tăng số lượng làm việc trong các bệnh viện lớn.

Tại buổi làm việc với Bộ trưởng Bộ LĐTBBXH Đào Ngọc Dung mới đây, đánh giá chất lượng nguồn nhân lực, Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam Ito Naoki cho rằng, hiện các doanh nghiệp Nhật Bản đánh giá Việt Nam là nước có tiềm năng phát triển kinh tế lớn, đặc biệt tiềm năng phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. Đại sứ Ito Naoki cho biết, hiện có khoảng 570 nghìn người Việt sinh sống, làm việc tại Nhật Bản. Việt Nam cũng là quốc gia đứng đầu trong số 15 nước phái cử thực tập sinh, lao động sang nước này.

Vừa qua, Chính phủ Nhật Bản đã thông qua chương trình mới thay thế cho chương trình thực tập sinh kỹ năng cũ. Theo đó, chương trình mới sẽ ưu tiên bảo vệ quyền lợi người nước ngoài đang làm việc tại Nhật Bản, tạo cơ hội cho họ làm việc lâu hơn tại Nhật Bản, giúp cải thiện tình trạng thiếu hụt nhân lực trầm trọng do dân số già hóa tại quốc gia này.

“Hiện nay, các cơ sở y tế của Nhật đang mong muốn tiếp nhận nhiều hơn điều dưỡng, hộ lý từ Việt Nam theo chương trình VJEPA - Chương trình đưa điều dưỡng viên và hộ lý Việt Nam sang làm việc tại Nhật Bản theo Hiệp định Đối tác kinh tế Việt Nam - Nhật Bản. Song số ứng viên tham gia chương trình này chưa đáp ứng được nhu cầu, mặc dù phía Nhật Bản đã nới lỏng một số tiêu chí như giảm thời gian đào tạo tiếng Nhật xuống 3 tháng” - Đại sứ Nhật Bản chia sẻ và bày tỏ mong muốn, Việt Nam quan tâm để gia tăng số ứng viên điều dưỡng sang nước này. Đồng thời, đề nghị hai quốc gia sớm khởi động việc đàm phán thoả thuận Bảo hiểm xã hội song phương giữa hai nước.

Lan Hương