Văn hóa

Ngắm những chiếc đèn Trung thu khổng lồ ở Thành Tuyên trước thềm Trung thu

Lê Khánh 19/08/2024 16:42

Những mô hình đèn rước khổng lồ như cá chép, ngựa, hổ, rồng, khỉ… đang được người dân Tuyên Quang tất bật hoàn thiện.

den_trung_thu_tuyen_quang-le-khanh24.jpg
Theo tìm hiểu, lễ hội Thành Tuyên ban đầu chỉ là một hoạt động tự phát của người dân từ Trung thu năm 2004 tại Thành phố Tuyên Quang. Đến nay, sau 20 năm, việc làm các mô hình đèn Trung thu khổng lồ cho trẻ em để biểu diễn trên đường phố đã được lan tỏa ở khắp các xóm, thôn, tổ dân phố của Thành phố Tuyên Quang đến các huyện trên địa bàn tỉnh.
den_trung_thu_tuyen_quang-le-khanh17.jpg
Các mô hình đèn trung thu được xây dựng xuất phát từ biểu tượng trong các câu chuyện lịch sử, truyền thuyết dân gian và từ thực tiễn đời sống, lao động sản xuất của nhân dân trong từng giai đoạn lịch sử. Nhiều mô hình được ứng dụng khoa học công nghệ một cách sáng tạo, hiện đại mà vẫn gìn giữ được bản sắc văn hóa truyền thống.
den_trung_thu_tuyen_quang-le-khanh28.jpg
Hiện tại, mô hình đèn rước của nhiều xã, phường, tổ dân phố trên địa bàn thành phố Tuyên Quang đang gấp rút được hoàn thiện. Người dân cùng góp tiền, góp sức, góp ý tưởng để làm lên những mô hình đèn rước Trung thu độc, lạ trình diễn trong lễ hội sắp tới.
den_trung_thu_tuyen_quang-le-khanh16.jpg
Ông Vũ Hoàng Châu trú tại tỉnh Tuyên Quang chia sẻ: "Việc làm mô hình đèn Trung thu khổng lồ không chỉ dừng lại là một công việc để kiếm thêm thu nhập, mà nó còn là nét truyền thống không thể thiếu của người dân Tuyên Quang vào mỗi dịp Tết Trung thu. Điều quan trọng để tạo ra mô hình Trung thu đẹp là phải biết cách “thổi hồn” vào nó".
den_trung_thu_tuyen_quang-le-khanh18.jpg
"Khi nhìn vào những chiếc đèn Trung thu phải toát lên sự gần gũi, thân thiện. Ví dụ như những con thú thường sẽ có độ tinh nghịch nên nét vẽ các bộ phận như: tay, chân, mắt, mũi… cần cố gắng làm cho nó giống nhất có thể so với ngoài đời. Đôi khi mình có thể nhấn nhá, cách điệu nhưng cuối cùng quan trọng nhất vẫn là cái hồn cốt...", ông Vũ Hoàng Châu cho biết thêm.
den_trung_thu_tuyen_quang-le-khanh2.jpg
Chị Đặng Thu Hường (tổ 6, phường Minh Xuân, thành phố Tuyên Quang) tâm sự: "Trước đây gia đình tôi chủ yếu làm đèn ông sao và các con vật, để tạo những sản phẩm này phải rất đam mê nghệ thuật, hiểu biết một chút về hội họa. Vài năm trở lại đây, gia đình tôi quyết định chuyển sang làm mô hình đèn Trung thu cho phường Minh Xuân. Nhận thấy những mô hình của gia đình có nhiều nét đặc sắc, dần dần các tổ dân phố khác trên địa bàn tự tìm đến đặt. Đến nay một số tỉnh lân cận cũng đến đặt hàng".
den_trung_thu_tuyen_quang-le-khanh9.jpg
Người dân miệt mài hoàn thiện mô hình đèn Trung thu khổng lồ.
den_trung_thu_tuyen_quang-le-khanh15.jpg
Theo chị Đặng Thu Hường, đến thời điểm này gia đình chị đã nhận đặt làm khoảng 20 mô hình đèn Trung thu cho các tổ dân phố, cơ quan, đơn vị.
den_trung_thu_tuyen_quang-le-khanh21.jpg
"Khâu quan trọng nhất làm nên một mô hình là người thợ phải lên ý tưởng để làm sao mô hình từ hình ảnh trên giấy ra ngoài đời thực phải thật sống động, rực rỡ, thu hút được sự yêu thích của trẻ nhỏ và cả người lớn", chị Hường nói.
den_trung_thu_tuyen_quang-le-khanh20.jpg
Để hoàn thiện mô hình đèn Trung thu, người thợ phải có sự hiểu biết về mỹ thuật để phối màu sao cho hài hòa, tạo tính thẩm mỹ cao cho sản phẩm.
den_trung_thu_tuyen_quang-le-khanh25.jpg
Hình ảnh mô hình ngựa bay.

Lê Khánh