Tích hợp thẻ bảo hiểm y tế vào căn cước công dân
Theo Luật Căn cước 2024, từ ngày 1/7/2024 công dân được đề nghị tích hợp thông tin vào thẻ căn cước khi có nhu cầu hoặc khi thực hiện việc cấp, cấp đổi, cấp lại thẻ căn cước, trong đó có thông tin được tích hợp vào thẻ căn cước gồm thông tin thẻ bảo hiểm y tế (BHYT), sổ bảo hiểm xã hội... Để hiểu rõ hơn về vấn đề này phóng viên có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Xuân Tư - phó trưởng phòng quản lý thu và phát triển đối tượng tự đóng (Ban quản lý thu - sổ, thẻ; Bảo hiểm xã hội Việt Nam.
Theo quy định, từ ngày 1/7 sẽ tích hợp thẻ BHYT vào Căn cước. Quy định này có bắt buộc không, nếu người dân đi khám chữa bệnh chỉ xuất trình thẻ BHYT như trước đây có được không thưa ông?
Ông Nguyễn Xuân Tư: Theo Điều 22 Luật Căn cước 2023, từ ngày 01/7/2024 công dân được đề nghị tích hợp thông tin vào thẻ căn cước khi có nhu cầu hoặc khi thực hiện việc cấp, cấp đổi, cấp lại thẻ căn cước. Theo đó, những thông tin được tích hợp vào thẻ căn cước gồm thông tin thẻ, BHYT, sổ bảo hiểm xã hội, giấy phép lái xe, giấy khai sinh, giấy chứng nhận kết hôn hoặc giấy tờ khác do Thủ tướng Chính phủ quyết định, trừ thông tin trên giấy tờ do Bộ Quốc phòng cấp. Và việc sử dụng thông tin đã được tích hợp vào thẻ căn cước có giá trị tương đương như việc cung cấp thông tin hoặc sử dụng giấy tờ có chứa thông tin đó trong thực hiện thủ tục hành chính, dịch vụ công, các giao dịch và hoạt động khác.
Như vậy, từ 01/7/2024 thẻ BHYT người dân được tích hợp vào thẻ căn cước khi có nhu cầu hoặc khi thực hiện việc cấp, cấp đổi, cấp lại thẻ căn cước. Khi tích hợp thông tin thẻ BHYT vào thẻ căn cước, người dân có thể dùng thẻ căn cước để khám, chữa bệnh và thực hiện các thủ tục về BHYT hoặc xuất trình thẻ BHYT như trước đây vẫn có giá trị để khám, chữa bệnh.
Vậy người dân muốn tích hợp thẻ BHYT vào thẻ Căn cước thì phải làm như thế nào, quy trình, thủ tục ra sao?
Trước đó, từ ngày 08/3/2022, Bộ Công an đã phối hợp với cơ quan BHXH Việt Nam triển khai đồng bộ dữ liệu từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm và Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư căn cứ theo Quyết định số 1911/QĐ-TTg ngày 15/11/2021 của Chính phủ. Theo đó, thông tin thẻ BHYT đã có thể được tích hợp vào thẻ căn cước công dân (CCCD) gắn chip và người dân sau khi được tích hợp thông tin có thể sử dụng CCCD để thay thế cho thẻ BHYT giấy truyền thống khi đi khám chữa bệnh tại các cơ sở y tế hưởng chế độ BHYT.
Để tích hợp thẻ BHYT vào thẻ CCCD gắn chip. Đối với trường hợp người dân đã có thẻ CCCD nhưng chưa tích hợp với thẻ BHYT có thể thực hiện theo các cách sau: Đến cơ quan Bảo hiểm xã hội: Đây là cách tích hợp thông tin BHYT vào CCCD phổ biến nhất. Bạn chỉ cần mang theo CCCD và thẻ BHYT còn hiệu lực đến cơ quan BHXH gần nhất để yêu cầu tích hợp. Sau khi tích hợp xong, bạn sẽ được nhận lại CCCD có tích hợp thông tin BHYT.
Tích hợp thông tin BHYT trực tuyến: Người dân có thể thực hiện tích hợp thông tin BHYT vào CCCD gắn chip trực tuyến trên webiste Cổng dịch vụ công BHXH Việt Nam bằng chức năng thay đổi số CCCD trên VssID. Cách này được áp dụng trong trường hợp người dân đã đăng ký sử dụng ứng dụng VssID trước khi có thẻ CCCD gắn chip 12 số. Sau khi người dân cập nhật thành công thông tin thẻ CCCD gắn chip lên hệ thống thì dữ liệu thẻ BHYT sẽ được tự động tích hợp vào CCCD gắn chip. Khi thẻ căn cước đã được tích hợp thông tin thẻ BHYT thì chỉ cần xuất trình thẻ căn cước khi đi khám chữa bệnh, không cần xuất trình thẻ BHYT giấy.
Sau ngày 1/7, mức đóng BHYT tăng cụ thể như thế nào đối với tất cả các đối tượng thưa ông?
Nghị định số 73/2024/NĐ-CP ngày 30/6/2024 của Chính phủ quy định mức lương cơ sở và chế độ tiền thưởng đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang; theo đó kể từ ngày 01/7/2024, mức lương cơ sở tăng từ 1.800.000 đồng/tháng lên 2.340.000 đồng/tháng, tương ứng tăng 30%.
Như vậy, mức đóng BHYT của các đối tượng tham gia BHYT tính mức đóng BHYT theo mức lương cơ sở sẽ tăng tương ứng 30%.
Cùng với đó, Nghị định số 74/2024/NĐ-CP ngày 30/6/2024 của Chính phủ quy định mức lương tối thiểu đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động; theo đó mức lương tối thiểu tháng đối với địa bàn vùng I, vùng II, vùng III, vùng IV tăng khoảng 6% so với mức lương tối thiểu tháng theo Nghị định số 38/2022/NĐ-CP.Như vậy, mức đóng BHYT của các đối tượng tham gia BHYT tính mức đóng BHYT theo mức lương tối thiểu vùng sẽ tăng tương ứng tối thiểu khoảng 6%.
Hiện nay hộ cận nghèo có được hỗ trợ đóng BHYT không? Mức hỗ trợ cụ thể ra sao thưa ông?.
Khoản 3 Điều 1 Nghị định số 75/2023/NĐ-CP ngày 19/10/2023 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điểu của Nghị định số 146/2018/NĐ-CP ngày 17/10/2018 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn biện pháp thi hành một số điều của Luật Bảo hiểm y tế quy định: Hỗ trợ 100% mức đóng BHYT đối với người thuộc hộ gia đình cận nghèo đang cư trú trên địa bàn các huyện nghèo theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ và các văn bản khác của cơ quan có thẩm quyền;- Hỗ trợ tối thiểu 70% mức đóng BHYT đối với đối tượng người thuộc hộ gia đình cận nghèo theo chuẩn hộ cận nghèo giai đoạn 2022-2025 quy định tại Nghị định 07/2021/NĐ-CP và các văn bản khác của cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế chuẩn hộ cận nghèo áp dụng cho từng giai đoạn.
Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương căn cứ khả năng ngân sách của địa phương và các nguồn kinh phí hợp pháp khác trình hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quyết định mức hỗ trợ đóng BHYT cho các đối tượng cao hơn mức hỗ trợ tối thiểu của một số nhóm đối tượng tham gia.