Xã hội

Mở cánh cửa cho nhà ở xã hội

H.H 20/08/2024 06:59

Nhu cầu về nhà ở xã hội dành cho người thu nhập thấp, công nhân các khu công nghiệp của các địa phương giai đoạn 2021-2030 vào khoảng 2.400.000 căn. Để cung “đuổi kịp” cầu cần có nhiều giải pháp để đẩy nhanh phát triển các dự án nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân...

Đa dạng hóa nguồn lực phát triển nhà ở xã hội

Trong cuộc họp Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị số 40 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng với tín dụng chính sách xã hội diễn ra vào ngày 14/8, Thủ tướng yêu cầu các địa phương ưu tiên bố trí ngân sách địa phương ủy thác sang Ngân hàng Chính sách xã hội, nhất là nguồn vốn cho vay giải quyết việc làm và cho vay nhà ở xã hội (NOXH).

Cụ thể, Thủ tướng giao Bộ Xây dựng chủ trì nghiên cứu, xây dựng gói tín dụng mới trị giá 30.000 tỷ đồng dành cho phân khúc này, giao cho Ngân hàng Chính sách xã hội thực hiện. Gói tín dụng mới dành cho các đối tượng vay mua, thuê, thuê mua, xây dựng hoặc cải tạo sữa chữa nhà ở để thực hiện chính sách xã hội. Trong đó, 15.000 tỷ đồng lấy từ nguồn phát hành trái phiếu Chính phủ, còn lại từ nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác.

Như vậy, nguồn vốn của gói 30.000 tỷ đồng sẽ lấy từ ngân sách nhà nước, khác với gói 120.000 tỷ đồng đang triển khai lấy từ các ngân hàng thương mại.

Theo thống kê, hiện cả nước có 2,7 triệu công nhân làm việc tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, trong đó 1,2 triệu người có nhu cầu về nhà ở. Hàng năm, nhu cầu về chỗ ở tại các khu công nghiệp vẫn tăng từ 20% - 25%. Trong khi đó, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết, có khoảng 95% số công nhân ngoại tỉnh làm việc tại các khu công nghiệp tập trung trên cả nước phải thuê nhà trọ của tư nhân. Các phòng trọ do tư nhân xây dựng cho thuê hầu hết chật hẹp, diện tích sử dụng bình quân từ 3 - 4 m2/người, không bảo đảm những điều kiện tối thiểu về vệ sinh, điện, nước, môi trường sinh hoạt chật chội, ảnh hưởng đến sức khỏe và năng suất lao động.

Do vậy, nhu cầu được có nhà là mong mỏi của phần đông người lao động hiện nay. Việc xây dựng nhà ở xã hội, các thiết chế văn hóa, thể thao nhằm ổn định cuộc sống, bảo đảm các điều kiện, tiện ích công cộng, sinh hoạt văn hóa, giải trí cho công nhân…, là một nhiệm vụ quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Đơn giản hóa thủ tục cho người dân tiếp cận vốn

Chị H.M.H đang ở cùng con trai 7 tuổi trong một căn hộ tại khu khu tập thể cũ ở Nghĩa Tân (Cầu Giấy, Hà Nội) với giá thuê là 4 triệu đồng/tháng chưa bao gồm tiền điện nước chia sẻ: chị mơ ước mua được 1 căn nhà nhỏ. Hễ cứ có dự án NOXH nào đăng thông tin lên mạng là chị tìm hiểu. “Với hoàn cảnh hiện tại là mẹ đơn thân, chưa có nhà, nếu tôi đăng ký mua NOXH thì hồ sơ chắc “ lọt vào vòng trong” nhưng chưa thấy có dự án NOXH nào mở bán đợt này. Thứ nữa là muốn mua được nhà thì tôi tính đi vay ngân hàng mà muốn vay lãi suất thấp để đủ khả năng trả lãi hàng tháng thì chỉ có Ngân hàng Chính sách Xã hội hay cùng nữa là 4 ngân hàng thương mại có vốn nhà nước. Tôi hỏi bạn bè đi trước từng mua được NOXH thì thủ tục vay vốn cũng phức tạp, yêu cầu chứng nhận nọ kia” - chị H.M.H chia sẻ.

Rất nhiều trường hợp khác cũng như chị H.M.H đã than rằng, tiêu chuẩn được mua NOXH khắt khe, thủ tục đăng ký mua phức tạp… là những lý do khiến việc sở hữu NOXH trở nên khó khăn.

Nhiều người kỳ vọng, từ ngày 1/8/2024, Luật Nhà ở năm 2023 có hiệu lực, kỳ vọng các thủ tục tiếp cận NOXH sẽ đơn giản hơn. Điều kiện về thu nhập để được mua, thuê mua NOXH cũng được quy định “thoáng” hơn. Cụ thể, trường hợp độc thân, thì thu nhập không quá 15 triệu đồng/tháng, còn đối với người đã kết hôn, thì tổng thu nhập của gia đình không quá 30 triệu đồng/tháng. Những trường hợp cụ thể được quy định rõ trong Nghị định số 100/2024/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Nhà ở về phát triển và quản lý NOXH.

Điểm tiến bộ tiếp theo là bỏ quy định về điều kiện cư trú. Cụ thể, Điều 78, Luật Nhà ở năm 2023 quy định về điều kiện được hưởng chính sách hỗ trợ về NOXH không còn yêu cầu điều kiện cư trú, chỉ nêu một số điều kiện về nhà ở và thu nhập.

Mong dự án nhiều hơn

Theo PGS.TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính), các điều kiện thông thoáng hơn sẽ tạo điều kiện cho người dân tiếp cận NOXH. Song quan trọng hơn là Nhà nước phải tung ra nhiều dự án NOXH.

Báo cáo mới nhất của Bộ Xây dựng trong quý II cho biết, về NOXH, trên địa bàn cả nước có 9 dự án đã được triển khai. Trong đó, hoàn thành 3 dự án với quy mô 1.120 căn; khởi công xây dựng 1 dự án với quy mô 395 căn; một số dự án mới làm lễ động thổ, ra mắt.

Số lượng dự án đã được chấp thuận chủ trương đầu tư là 5 dự án với quy mô 2.876 căn.

Còn dữ liệu tại TPHCM cho thấy từ năm 2021 đến tháng 6/2024, chỉ có 4 dự án hoàn thành (gồm 3 dự án NOXH và 1 dự án nhà lưu trú công nhân), với tổng quy mô 1.233 căn hộ, tổng diện tích sàn xây dựng 112.385 m2. Bên cạnh đó, có 6 dự án NOXH đang thi công (gồm 5 dự án NOXH và 1 dự án nhà lưu trú công nhân), tổng quy mô 4.386 căn hộ.

Các số liệu cho thấy rằng số lượng NOXH khá hạn chế, không đáp ứng được nhu cầu về nhà ở của người dân.

Ông Nguyễn Văn Đính - Chủ tịch Hội Môi giới BĐS Việt Nam (VAR) cho biết, để đạt hiệu quả về phát triển NOXH, các địa phương phải bố trí đủ quỹ đất dành để phát triển NOXH theo chương trình; mở rộng đối tượng đầu tư NOXH bổ sung trường hợp là doanh nghiệp, hợp tác xã… tham gia phát triển NOXH; gỡ vướng để chủ đầu tư không phải thực hiện thủ tục miễn sử dụng đất, thủ tục này trước đây thường phải mất 2 năm thậm chí nhiều hơn và 20% diện tích thương mại dịch vụ không bị áp biên lợi nhuận, đây là mở rất mạnh tăng lợi nhuận cho chủ đầu tư...

H.H