Truy quét tội phạm lừa đảo qua mạng
Dù đã được tuyên truyền, khuyến cáo dưới nhiều hình thức, tuy nhiên nhiều người vẫn nhẹ dạ cả tin và trở thành nạn nhân của tội phạm lừa đảo qua mạng. Để truy quét loại tội phạm tinh vi này, Công an TPHCM đã đề ra nhiều giải pháp hiệu quả.
Tổ chức băng nhóm để lừa đảo
Qua nắm bắt địa bàn, mới đây Công an quận 4 (TPHCM) xác định có một băng nhóm chuyên thuê căn hộ để tổ chức lừa đảo qua mạng. Một nạn nhân của nhóm lừa đảo này là anh Trần Trọng Hiếu (SN 1985, trú TP Long Khánh, tỉnh Đồng Nai) đến trình báo công an. Anh Hiếu cho biết, đang là quản lý tại một cửa hàng điện thoại, quá trình kinh doanh tại cửa hàng, anh Hiếu đã nhận được cuộc gọi đặt mua 2 điện thoại di động hiệu Iphone 15 Pro Max và 12 Pro Max từ một tài khoản mạng zalo có tên “Le Huynh Bao Yen”.
Đối tượng yêu cầu anh Hiếu giao hàng đến chung cư Saigon Royal số 35 Bến Vân Đồn, phường 13 (quận 4, TPHCM). Khi nhân viên của cửa hàng là anh Trương Quốc Lâm (SN 1998, trú phường Tân Hưng Thuận, quận 12) mang điện thoại đến chung cư Saigon Royal để giao hàng, đã được một người đàn ông đứng đón, sau đó dẫn lên căn hộ chung cư này. Tuy nhiên, tại đây người đàn ông lạ mặt tiếp tục dẫn dụ anh Lâm chở đến một địa chỉ khác ở Trung tâm Saigon Center, với lý do để lấy tiền trả tiền điện thoại đặt mua, vì tiền trong tài khoản ngân hàng bất ngờ bị kẹt không chuyển khoản được. Do nghĩ đã biết được địa chỉ nhà đối tượng ở chung cư nên anh Lâm tin tưởng làm theo dẫn dụ của người đàn ông.
Khi đến Saigon Center, người đàn ông vào lấy tiền, tuy nhiên sau đó đã không trở ra. Chờ đợi quá lâu, anh Lâm liên hệ số điện thoại đặt mua hàng qua mạng thì người đàn ông đã tắt máy. Anh Lâm quay lại căn hộ nơi hẹn giao hàng ban đầu thì mới tá hỏa được biết đây chỉ là căn hộ cho thuê ngắn ngày. Bản thân biết mình bị lừa nên sau đó anh Lâm đến Công an Phường 13, quận 4 (TPHCM) tố giác tội phạm.
Tương tự thủ đoạn như trên, Công an quận 11 (TPHCM) cũng đã triệt phá một nhóm lừa đảo thông qua dịch vụ giao hàng có thu hộ tiền (COD).
Từ thời điểm đầu năm nay, nhóm đối tượng đã có hoạt động lừa đảo qua dịch vụ COD tại khu vực vùng ven TPHCM. Mở rộng điều tra, Công an TPHCM phối hợp với Công an quận 11 phát hiện nhóm đối tượng nghi vấn này có hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản của người dân ở nhiều địa phương trên cả nước thông qua cùng một hình thức.
Bằng các biện pháp nghiệp vụ, công an xác định được 3 đối tượng chủ chốt, trong đó có 2 vợ chồng Lê Đức Kông (SN 1989, trú phường Bình Trị Đông A, quận Bình Tân) cầm đầu. 2 đối tượng này đã thuê nhiều thanh niên không có việc làm, sau đó bố trí làm việc tại nhiều căn hộ ở chung cư Richstar 2 (phường Hiệp Tân, quận Tân Phú) và chung cư Carilon 5 (phường Hòa Thạnh, quận Tân Phú). Các đối tượng này được vợ chồng Kông cung cấp nhiều thiết bị như máy vi tính, điện thoại có kết nối các đầu số ảo, danh sách số điện thoại, kịch bản... để gọi điện lừa đảo trên các nền tảng mạng xã hội. Tính đến thời điểm bị triệt phá, cơ quan chức năng tiến hành đồng loạt khám xét 6 địa điểm, bắt 56 đối tượng, thu giữ nhiều tài liệu, đồ vật có liên quan.
Cuối tháng 4/2024, Phòng Quản lý xuất nhập cảnh, Công an TPHCM cũng đã tổ chức trục xuất 9 người Malaysia về nước, do có hành vi thuê nhiều đối tượng để hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Theo cơ quan công an, nhóm này có độ tuổi trung bình từ 25 - 38, nhập cảnh vào Việt Nam dưới nhiều hình thức khác nhau, như: du lịch, thăm thân nhân hoặc tìm hiểu làm ăn, kinh doanh, ký kết hợp đồng... Tuy nhiên, khi đến TPHCM, họ không thực hiện theo mục đích nhập cảnh ban đầu, mà thuê một căn biệt thự ở phường Bình Trưng Tây (TP Thủ Đức) để hoạt động lừa đảo.
Nâng cao cảnh giác
Trung tướng Lê Hồng Nam - Giám đốc Công an TPHCM cho biết, thời điểm đầu tháng 6/2024, lực lượng Công an đã phá thành công vụ án 19 người nước ngoài nhập cảnh vào TPHCM, thuê ở chung cư khu Landmark và Thảo Điền (TP Thủ Đức). Sau đó, tổ chức lừa đảo qua mạng. Các đối tượng này sau đó đã bị Công an thành phố phát hiện, xử lý trục xuất về nước.
Theo Trung tướng Lê Hồng Nam, nguyên nhân hoạt động lừa đảo qua mạng ngày càng phức tạp vì đặc trưng các đối tượng tội phạm tương tác với nạn nhân, sau đó lôi kéo, dụ dỗ, mê hoặc. Đến khi tài sản bị chiếm đoạt, nạn nhân trình báo công an thì lúc đó “chuyện đã rồi”, công an khó có thể truy vết, đấu tranh vì các đối tượng này không chỉ ở TPHCM mà còn có thể là người nước ngoài đến đây sinh sống, du lịch.
Trước tình hình tội phạm lừa đảo qua mạng ngày càng tinh vi, diễn biến phức tạp, Công an TPHCM dự kiến triển khai ứng dụng về an ninh trật tự, giúp người dân chủ động nhận diện các hành vi lừa đảo qua mạng để có thể nhận diện kịp thời nhằm tự bảo vệ mình và người thân. Ngoài ra, ứng dụng này cũng tích hợp với Help 114 để trang bị thêm kỹ năng phòng cháy chữa cháy cho người dân.
Công an TPHCM cũng khuyến cáo, hiện nay trên không gian mạng tồn tại rất nhiều hình thức lừa đảo tinh vi như: đầu tư tài chính, mua bán đa cấp, cá cược nhận thưởng, giả danh công an, tòa án... để dẫn dụ người dân nhằm thực hiện mục đích lừa đảo. Do đó, người dân cần nâng cao cảnh giác, trang bị kiến thức về pháp luật và nâng cao ý thức đề phòng tránh, không cung cấp thông tin trên không gian mạng. Khi phát hiện có dấu hiệu tội phạm lừa đảo qua mạng, cần liên hệ với cơ quan công an nơi gần nhất để tố giác và được hỗ trợ kịp thời.