Mối lo học phí đại học
Năm học sắp tới hầu hết các cơ sở giáo dục đại học đều công bố tăng học phí. Điều đáng nói là, kể cả trường “nghìn tỷ” thì vẫn trông chờ vào nguồn thu học phí tăng lên. Ông Trần Xuân Nhĩ - nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo từng nhận xét: Các trường “muốn sống” phải thu học phí cao lên dù biết có mâu thuẫn với mức sống của người dân.
Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, với các trường đại học (ĐH) công lập, nguồn thu từ học phí chiếm tỷ trọng chủ yếu (trên 80% tổng nguồn thu của trường), khả năng khai thác từ các nguồn thu khác còn hạn chế. Cụ thể là nguồn thu từ nghiên cứu - chuyển giao chiếm tỷ lệ thấp ở hầu hết các trường, đồng thời có sự chênh lệch rất lớn và thay đổi theo từng năm.
Trong số các ĐH, Trường ĐH Y Hà Nội được cho là có nguồn thu từ nghiên cứu - chuyển giao chiếm tỷ trọng lớn nhất trong tổng thu, bỏ xa nguồn thu từ học phí. Năm 2022, tổng thu của trường trên 572 tỷ đồng. Trong đó từ ngân sách 146 tỷ đồng, học phí 174,8 tỷ đồng, nguồn khác 24,7 tỷ đồng, trong khi thu từ nghiên cứu - chuyển giao lên đến gần 229 tỷ đồng, chiếm gần 40% tổng thu.
Tuy nhiên, đó là trường hợp “cá biệt”, còn hầu hết các trường ĐH đều trông chờ vào nguồn thu từ học phí. Nói cách khác, nguồn thu của các trường ĐH công lập ngày càng lệ thuộc vào học phí, vì thế xu hướng chung là đều muốn được tăng học phí. Theo quy định, trần học phí (mức cao nhất được thu) ở các trường ĐH công lập năm học 2023-2024 là 1,2 - 2,45 triệu đồng/tháng, tùy khối ngành. Đến năm học 2026-2027, mức trần tăng lên 1,7 - 3,5 triệu đồng/tháng. Những trường đã tự chủ (tự chi lương, phụ cấp, sửa chữa cơ sở vật chất...) được thu tối đa gấp 2 - 2,5 lần mức trên, tức khoảng 2,4 - 6,1 triệu đồng/tháng trong năm học 2023-2024. Đến năm 2026, mức này là 3,4 - 8,75 triệu đồng/tháng.
Hầu hết các trường ĐH đều cho rằng nguồn thu thấp dẫn đến khó vận hành. Tuy nhiên, việc tăng học phí sẽ gây áp lực, khó khăn cho nhiều gia đình có con học ĐH.
Một khảo sát mới đây cho biết, gia đình “nuôi” một sinh viên ăn học ĐH một tháng ở Hà Nội vào khoảng 5 triệu đồng, chưa tính học phí vì tùy từng trường. Trong khi đó, thông báo về tình hình lao động việc làm 6 tháng đầu năm 2024 trên trang Thông tin điện tử Tổng cục Thống kê cho thấy: thu nhập bình quân của người lao động là 7,5 triệu đồng/tháng. Thu nhập bình quân của lao động ở khu vực thành thị là 9,1 triệu đồng/tháng, khu vực nông thôn là 6,5 triệu đồng/tháng.
Nếu vậy, tính tất cả các khoản thì chi phí học ĐH cho một sinh viên vượt thu nhập bình quân của người lao động.
Vậy, làm gì để các trường ĐH đủ kinh phí bù đắp chi phí đào tạo và vận hành tốt và người dân không phải tích cóp quá sức dành cho con đi học? Về phía các bậc cha mẹ, trong điều kiện bình thường cũng khó có thể đòi hỏi họ có thêm nguồn thu. Như vậy, “gánh nặng” sẽ dồn lên các ĐH và đây cũng được coi là trách nhiệm chia sẻ cộng đồng của ĐH công lập.
Để có thêm nguồn thu (cùng với việc tăng học phí), một số chuyên gia giáo dục cho rằng Nhà nước cần tăng mức đầu tư, thay vì giảm dần. Ở nhiều quốc gia, ngân sách nhà nước chiếm phần lớn nguồn thu chứ không phải học phí. Nguồn tiền ổn định ấy sẽ giúp nhà trường chủ động trong hoạt động qua các năm học. Tuy nhiên, bản thân các trường ĐH cũng cần phải năng động tạo nguồn thu, nhất là nguồn tiền từ hoạt động nghiên cứu - chuyển giao vốn được coi là thế mạnh “chất xám” của ĐH.
Nói như Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn tại một hội nghị giáo dục ĐH, thì trong khó khăn mong rằng từ Bộ tới các đơn vị, cho đến cơ sở giáo dục cùng vượt qua và tự mình vượt lên thách thức để đạt tới mục tiêu chất lượng.
“Chúng ta trải qua một giai đoạn triển khai tự chủ ĐH, từ thí điểm đến diện rộng. Tự chủ làm thay đổi diện mạo các cơ sở giáo dục ĐH, nhưng phía trước vẫn còn rất nhiều việc phải làm. Đồng thời, bên trong hệ thống cần gia tăng một số “tự”: tự kiểm soát; tự điều tiết; tinh thần tự lực tự cường; tự biết mình ở đâu để tự soi, tự sửa, tự tin hơn để hành động; tự mình từng ngày làm tốt hơn để hướng đến chất lượng cao hơn” - Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nói.
Trở lại vấn đề, trong bối cảnh hiện nay, tăng học phí ĐH trường công là dễ hiểu. Nhưng cũng rất cần các ĐH năng động hơn trong việc đa dạng nguồn thu, không thể chỉ trông chờ học phí được phép tăng mãi.