Bức tranh trái chiều về dân số thế giới
Dân số toàn cầu hiện ở mức 8,2 tỷ người; dự kiến sẽ đạt khoảng 10,3 tỷ người vào giữa những năm 2080, sau đó giảm dần xuống còn khoảng 10,2 tỷ người vào cuối thế kỷ 21.
Thông tin được hãng tin Kyodo dẫn báo cáo của Liên hợp quốc (LHQ) cho biết dân số thế giới dự kiến sẽ bắt đầu giảm trong thế kỷ này sau khi đạt đỉnh vào giữa những năm 2080 do mức sinh thấp hơn. Con số này cho thấy dân số đạt đỉnh sớm hơn so với báo cáo năm 2022, khi đó dự báo dân số toàn cầu sẽ đạt đỉnh vào khoảng 10,4 tỷ người trong những năm 2080 và duy trì ở mức này cho đến năm 2100.
Phó Tổng Thư ký LHQ phụ trách các vấn đề kinh tế và xã hội Li Junhua cho biết, ở một số quốc gia, tỷ lệ sinh thấp hơn dự đoán trước đây. Số liệu cho thấy tại hơn một nửa số quốc gia và khu vực, số con trung bình của một phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ dưới 2,1 con/người. Khoảng 20% quốc gia, trong đó có Trung Quốc, Italy, Hàn Quốc và Tây Ban Nha, tỷ lệ này là dưới 1,4 con/người.
Theo LHQ, tính đến năm 2024, có 63 quốc gia và khu vực, trong đó có Trung Quốc, Đức, Nhật Bản và Nga, đã đạt đến đỉnh cao dân số với tổng dân số ước tính sẽ giảm 14% trong 30 năm tới.
Đối với 48 quốc gia khác, trong đó có Brazil, Iran và Thổ Nhĩ Kỳ, dân số có thể đạt đỉnh trong khoảng từ năm 2025 - 2054. 126 quốc gia còn lại, trong đó có Ấn Độ, Indonesia, Nigeria, Pakistan và Mỹ, dân số dự kiến sẽ đạt đỉnh vào nửa sau của thế kỷ hoặc muộn hơn.
Trong khi đó, một nghiên cứu được công bố ngày 18/8 trên Tạp chí The Lancet, đến năm 2100, có tới 97% các quốc gia sẽ không đạt được tỷ lệ sinh đủ để duy trì quy mô dân số. Nghiên cứu này cũng cho biết, để duy trì dân số ổn định, các quốc gia cần có tổng tỷ suất sinh là 2,1 trẻ em trên một phụ nữ - con số được gọi là mức sinh thay thế. Khi tỷ lệ sinh giảm xuống dưới mức thay thế, quy mô dân số bắt đầu co lại.
Trong một động thái liên quan, phân tích của các nhà nghiên cứu đến từ Viện Đo lường và Đánh giá sức khỏe (IHME) thuộc Đại học Washington (Mỹ) cho thấy, có tới 3/4 số quốc gia trên thế giới sẽ không đạt được tỷ lệ sinh đủ để duy trì quy mô dân số vào năm 2050. Đến năm 2100, tình trạng này sẽ xảy ra ở 97% các quốc gia toàn cầu.
“Ước tính tổng tỷ suất sinh toàn cầu sẽ giảm từ 2,23 ca sinh trên mỗi phụ nữ vào năm 2021 xuống còn 1,68 vào năm 2050 và 1,57 vào năm 2100, nghĩa là dân số của hầu hết các quốc gia trên thế giới sẽ giảm vào cuối thế kỷ này, kéo theo những hậu quả nghiêm trọng về địa chính trị, kinh tế và xã hội” - nhận định của IHME.
Theo giáo sư Stein Emil Vollset (tại IHME), thế giới phải đối mặt với “sự thay đổi xã hội đáng kinh ngạc trong thế kỷ 21” do “sự bùng nổ trẻ sơ sinh” ở một số quốc gia trong khi lại có tình trạng “không có trẻ sơ sinh” ở những quốc gia khác.
Tiến sĩ Jennifer D.Sciubba - nhà nhân khẩu học, tác giả cuốn sách nói về cột mốc dân số 8 tỷ người của thế giới, cho rằng những gì chúng ta đang trải qua hiện nay và đã trải qua trong nhiều thập niên là điều chúng ta chưa từng thấy trước đây trong lịch sử loài người. Đó là một sự thay đổi quy mô lớn, xuyên quốc gia, đa văn hóa do tình trạng sinh nở của các quốc gia rất khác nhau.
Mặc dù tỷ lệ sinh được dự báo sẽ giảm mạnh ở hầu hết các nơi trên thế giới, song tốc độ giảm không đồng đều khi tỷ lệ sinh vẫn tương đối cao ở nhiều quốc gia có thu nhập thấp, chủ yếu ở phía Tây và phía Đông châu Phi cận Sahara. Nhóm nghiên cứu từ IHME cho biết, khoảng 77% ca sinh dự kiến sẽ thuộc về các nước có thu nhập thấp và trung bình thấp. Ví dụ, 29% trẻ sơ sinh trên thế giới được sinh ra ở châu Phi cận Sahara năm 2021, nhưng con số này được dự đoán sẽ tăng lên hơn 54% vào năm 2100, nghĩa là chỉ riêng khu vực châu Phi cận Sahara sẽ chiếm tới hơn 1/2 trẻ em được sinh ra trên hành tinh vào năm 2100.
Trong khi đó, tỷ lệ sinh ở một số quốc gia Đông Bắc Á và Serbia là dưới 1,1 con/phụ nữ, thấp nhất thế giới. Còn ở Tây Âu, tỷ lệ sinh dự kiến sẽ giảm từ khoảng 1,5 xuống 1,37/phụ nữ vào năm 2100.
Theo bà Natalia Bhattacharjee thuộc Viện Đo lường và Đánh giá sức khỏe (IHME), xu hướng tương lai về tỷ lệ sinh và trẻ em được sinh ra sẽ hoàn toàn định hình lại nền kinh tế toàn cầu và cán cân quyền lực quốc tế, đòi hỏi phải tái tổ chức các xã hội. Cơ quan Thống kê quốc gia (INSEE) Pháp cho biết, trẻ em đã được sinh ra từ đầu năm 2024 tới nay ở mức thấp nhất kể từ năm 1946. Tỷ lệ sinh trung bình ở Pháp hiện là 1,68 trẻ/mẹ. Còn với Nhật Bản, tỷ lệ đó là 1,26. Tại Hàn Quốc hiện đã xuống mức thấp kỷ lục khi tỷ lệ sinh trung bình của phụ nữ nước này là 0,72.