Kinh tế

Lo ngại đứt gãy nguồn hàng

THANH GIANG 21/08/2024 08:22

Mặc dù đẩy mạnh kết nối nguồn cung hàng hóa với các địa phương, song không ít nhà bán lẻ vẫn lo lắng về nguồn hàng. Nguyên nhân chủ yếu là do sản xuất nhỏ lẻ nên không đáp ứng được đơn hàng, khâu bảo quản và giao nhận gặp khó khăn.

tren(1).jpg
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ 6 tháng đầu năm 2024 chỉ tăng 5,7%. Ảnh: Quang Vinh.

Sản xuất không trụ được lâu với bán lẻ

Theo nhận định của Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công thương), thị trường tiêu dùng trong nước với hơn 100 triệu dân sức tiêu thụ rất lớn, dư địa thị trường còn rất nhiều. Doanh nghiệp (DN) sản xuất lẫn DN phân phối nên tận dụng lợi thế này để tăng doanh thu và phát triển thị trường.

Nhận thấy rõ tiềm năng của thị trường bán lẻ, các kênh phân phối hiện đại liên tục phát triển nguồn hàng sao cho phong phú, đa dạng nhằm phục vụ người tiêu dùng tốt nhất. Thời gian qua, Sở Công thương TPHCM liên tục kết nối cung cầu hàng hóa với các tỉnh. Tuy nhiên, việc kết nối hàng hóa với DN sản xuất của các tỉnh thành chưa thật sự thông suốt và đôi khi bị đứt gãy.

Bà Huỳnh Bích Thủy - Giám đốc phòng giao dịch nhà cung cấp Liên hiệp hợp tác xã Thương mại TPHCM (Saigon Co.op) cho hay, 2 năm nay TPHCM và các tỉnh, thành đẩy mạnh hoạt động kết nối cung cầu. Từ đầu năm 2024 đến nay, trung bình mỗi tháng Saigon Co.op tham gia 2 cuộc kết nối với nhà sản xuất các tỉnh thành. Thế nhưng, các nhà sản xuất là hợp tác xã, DN OCOP các tỉnh thành hầu như sản xuất nhỏ lẻ, không đáp ứng được đơn hàng và khâu giao nhận. Kết quả, DN sản xuất không trụ được lâu với nhà phân phối. Đây là vấn đề đáng tiếc cần tháo gỡ để duy trì nguồn cung hàng hóa mang tính bền vững.

Đồng quan điểm này, ông Hà Ngọc Sơn - Phó tổng Giám đốc Tổng Công ty Thương mại Sài Gòn (Satra) đề xuất, các tỉnh nên tập hợp nhiều nhà sản xuất địa phương và có một DN đứng ra làm đầu mối cung cấp vào các hệ thống bán lẻ hiện đại, thay vì để mỗi DN tự làm sẽ không hiệu quả. “Tây Ninh đã làm tốt mô hình này, mở được đầu ra cho nhiều sản phẩm đặc sản của tỉnh vào các siêu thị” - ông Sơn gợi ý cách làm mới trong kết nối nguồn hàng.

Ở góc độ khác, bà Nguyễn Thị Ngọc Huệ - Giám đốc đối ngoại Aeon Việt Nam khẳng định, các sở, ngành đang làm rất tốt việc kết nối cung cầu hàng hóa theo tỉnh thành, vùng miền. Vì vậy, thu mua nguồn hàng là không quá khó nhưng các nhà sản xuất cần chú ý đến chất lượng sản phẩm hơn. Theo bà Huệ, việc này có lẽ cần thời gian để các nhà sản xuất có điều kiện trong hoạt động đầu tư. Đơn cử, thị trường đang chú trọng sản phẩm xanh nên các nhà sản xuất cũng cần phải thay đổi theo nhằm đáp ứng tốt nhu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu.

Gỡ điểm nghẽn giúp hàng hóa thông suốt

TS Trương Minh Huy Vũ - Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM cho rằng, cần tập trung nhận diện, phân tích thực trạng, nguyên nhân gây đứt gãy chuỗi cung ứng hàng hóa tiêu dùng tại TPHCM. Qua đó, đánh giá hiệu quả quản lý thông qua hệ thống các tiêu chí, cũng như xác định các yếu tố ảnh hưởng đến chi phí quản lý chuỗi cung ứng hàng hóa tiêu dùng tại TPHCM.

Vị chuyên gia này cho rằng, khi vận hành chuỗi cung ứng phải chú ý đến 5 yếu tố như: lưu kho, địa kiểm, sản xuất, vận tải và thông tin.

Với vai trò đại diện nhà sản xuất, ông Lâm Ngọc Tuấn - Giám đốc Hợp tác xã Tuấn Ngọc mong muốn, cần cải thiện cơ sở hạ tầng, đầu tư vào chuỗi cung ứng lạnh, công nghệ bảo quản, giảm chi phí vận chuyển, nâng cao năng lực quản lý logistics để mang lại lợi ích bền vững, nâng cao giá trị nông sản cho các hợp tác xã nông nghiệp...

Trước khó khăn tạo nguồn hàng trong nước, ông Phan Văn Chinh - Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công thương) kêu gọi các DN phân phối lớn, các hợp tác xã, chợ đầu mối căn cứ tình hình hoạt động và nhu cầu kinh doanh của DN hướng đến xây dựng chương trình hỗ trợ thu mua, tiêu thụ các mặt hàng thế mạnh của nhiều địa phương.

Từ đó, giúp các sản phẩm Việt Nam bán trực tiếp đến người tiêu dùng trong nước cũng như người tiêu dùng nước ngoài. Ông Chinh chia sẻ thêm, Bộ Công thương sẽ tập trung các giải pháp để phát triển nguồn hàng thông qua DN bán buôn bán lẻ, hiệp hội để định hướng cho sản xuất trong nước. “Khâu phân phối - lưu thông hết sức quan trọng để đưa hàng hóa đến tay người tiêu dùng. Nếu làm tốt khâu phân phối, logistics sẽ có thể sản xuất hàng hóa theo quy mô lớn” - ông Chinh nhấn mạnh.

Bộ Công thương cho rằng, trong bối cảnh chung của nền kinh tế đang có xu hướng tăng trưởng chậm lại, thị trường trong nước cũng chịu ảnh hưởng không nhỏ. Để thúc đẩy thị trường trong nước, từ nay đến cuối năm 2024 và các năm tới cần khẩn trương đánh giá tình hình, triển vọng thị trường. Đặc biệt, dự báo xu hướng và kịp thời đề xuất triển khai ngay những giải pháp nhằm kích thích tiêu dùng và gia tăng hoạt động lưu thông hàng hóa trong nước.

Theo Bộ Công thương, 6 tháng đầu năm 2024, tổng mức bán lẻ và dịch vụ đạt 3.098.692 tỷ đồng, tăng 8,6% so với cùng kỳ năm trước. Trong cơ cấu tổng mức bán lẻ, các nhóm có đóng góp lớn cho mức tăng chung là lương thực, thực phẩm, văn hóa phẩm giáo dục, đồ dùng trang thiết bị gia đình, du lịch, dịch vụ lưu trú, ăn uống với mức tăng từ 10,4 - 37,1%. Các nhóm khác như hàng may mặc, phương tiện đi lại, dịch vụ khác chỉ tăng từ 2,4 - 9,6%. Nếu loại trừ yếu tố tăng giá, tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ 6 tháng đầu năm 2024 chỉ tăng 5,7%.

THANH GIANG