Kinh tế

Bất động sản công nghiệp hút vốn

H.Hương 07/06/2024 11:20

Bất động sản công nghiệp là một trong những phân khúc phát triển nhanh và tiềm năng lớn. Các doanh nghiệp đang tiến quân mạnh mẽ vào lĩnh vực này.

anh-bai-tren.jpg
Khu công nghiệp Yên Phong (Bắc Ninh). Ảnh: T.H.

Doanh nghiệp đón tiềm năng

Đại diện Tổng công ty Viglacera chia sẻ, đối với đầu tư thuộc lĩnh vực bất động sản (BĐS), công ty rà soát đẩy nhanh tiến độ đền bù giải phóng mặt bằng tại các Dự án khu công nghiệp (KCN) và nhà ở đang triển khai: Tập trung đầu tư đồng bộ hạ tầng kỹ thuật, dịch vụ tại các dự án nhằm thu hút nhà đầu tư trong và ngoài nước; Đầu tư bổ sung các hạng mục công trình tiện ích, cải thiện chất lượng môi trường, tích hợp công nghệ thông minh trong các hoạt động tại KCN theo hướng KCN xanh và thông minh.

Mảng bất động sản KCN trong thời gian gần đây được doanh nghiệp (DN) khai thác rất mạnh mẽ. Với DN có thâm niên, dồn sức nâng cấp khu công nghiệp để hút vốn ngoại, còn với các tân binh, quyết không bỏ lỡ tiềm năng.

Công ty CP Tập đoàn Hà Đô vừa đề xuất tỉnh Ninh Thuận về việc cho phép khảo sát, lập quy hoạch dự án Cụm công nghiệp Phước Nam 1 và Phước Nam 2 với diện tích gần 100 ha gần KCN Cà Ná.

Theo các thông tin được Công ty Hà Đô công bố, trong năm 2024, DN sẽ tập trung thúc đẩy đầu tư các KCN tại nhiều địa phương phía Bắc như Hưng Yên, Quảng Ninh… nhằm mở rộng hoạt động kinh doanh.

Chưa kể mới đây Tập đoàn Hòa Phát đã chính thức ký biên bản ghi nhớ về việc nghiên cứu đầu tư đến 3 dự án tại khu kinh tế Nam Phú Yên với tổng vốn đầu tư dự kiến hơn 120.000 tỷ đồng. Các dự án bao gồm: Cảng Bãi Gốc; Đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng KCN Hòa Tâm; và Dự án Khu liên hợp Gang thép Hòa Phát tại KCN Hòa Tâm.

Trong những năm gần đây, với nhiều chính sách đầu tư và hỗ trợ từ Chính phủ, chi phí lao động cạnh tranh, các chính sách ưu đãi thuế, cùng với việc cải thiện cơ sở hạ tầng, vị trí chiến lược trong chuỗi cung ứng toàn cầu... BĐS công nghiệp nổi lên, liên tục duy trì là phân khúc dẫn đầu trong thị trường BĐS Việt Nam.

Dữ liệu nghiên cứu của Hội Môi giới BĐS Việt Nam (VARS) cho thấy, tính đến hết quý I/2024, cả nước có 418 KCN (trong đó có 4 khu chế xuất) đã thành lập tại 61/63 tỉnh, thành phố với tổng diện tích đất tự nhiên đạt khoảng 129,9 nghìn ha. Tổng diện tích đất công nghiệp đạt khoảng 89,2 nghìn ha. Bao gồm 371 KCN nằm ngoài các khu kinh tế (KKT), 39 KCN nằm trong các KKT ven biển, 8 KCN nằm trong các KKT cửa khẩu.

Các KCN, KKT đã thu hút trên 10.400 dự án đầu tư trong nước và trên 11.200 dự án FDI còn hiệu lực, với tổng vốn đầu tư đăng ký tương ứng trên 2,54 triệu tỷ đồng và 231 tỷ USD. Vốn FDI trong KCN, KKT chiếm khoảng 35 - 40% tổng vốn FDI đăng ký tăng thêm của cả nước trong những năm gần đây.

Tỷ lệ lấp đầy và giá thuê duy trì tốc độ tăng trưởng ổn định. Các KCN đang hoạt động có tỷ lệ lấp đầy ước tính trên 75%. Trong đó các tỉnh trọng điểm phía Bắc đạt 82% và các tỉnh trọng điểm phía Nam đạt 92%.

Giới chuyên gia phân tích, Việt Nam trở thành điểm đến của nhiều nhà đầu tư nước ngoài do bất động sản KCN rất tiềm năng. Đặc biệt là khi 3 bộ Luật gồm Luật Đất đai 2024, Luật Kinh doanh BĐS 2023 và Luật Nhà ở 2023 chính thức có hiệu lực sẽ giúp tháo gỡ những vướng mắc liên quan đến pháp lý, tạo điều kiện cho thị trường BĐS phát triển minh bạch, lành mạnh và bền vững.

Tiếp tục đóng vai trò then chốt

Theo đánh giá của VARS, thị trường BĐS công nghiệp Việt Nam vẫn còn nhiều dư địa tăng trưởng trong tương lai, hứa hẹn sẽ tiếp tục duy trì đà phát triển mạnh mẽ và đóng vai trò then chốt trong nền kinh tế.

Theo đó, sự phát triển của ngành logistics sẽ kéo theo nhu cầu về kho bãi và trung tâm logistics gia tăng mạnh mẽ, đặc biệt khi thương mại điện tử bùng nổ. Các DN logistics trong và ngoài nước cũng tích cực mở rộng quy mô và phạm vi hoạt động tại Việt Nam.

Các "ông lớn" BĐS công nghiệp cũng đã nhanh chóng đón đầu cơ hội bằng cách nghiên cứu phát triển các KCN hiện đại, áp dụng công nghệ cao và tự động hóa vào sản xuất, để nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, đồng thời giảm thiểu chi phí và tăng tính cạnh tranh trên thị trường quốc tế. Các KCN sinh thái, thân thiện với môi trường, cũng đang được khuyến khích.

Đặc biệt, Việt Nam đang có lợi thế cơ cấu dân số vàng, với lực lượng lao động dồi dào và chi phí cạnh tranh so với nhiều nước trong khu vực. Thực tế cho thấy, tất cả các nước công nghiệp mới NICs (con rồng châu Á) đều cất cánh bay lên nhờ đã tận dụng thành công giai đoạn cơ cấu dân số vàng.

Do đó, theo VARS, Nhà nước cần tiếp tục đẩy mạnh đầu tư và nâng cấp hạ tầng giao thông, logistics, và các tiện ích công nghiệp để hỗ trợ sự phát triển của các KCN. Tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, tạo môi trường đầu tư thuận lợi hơn cho các DN. Đặc biệt, chú trọng đầu tư vào giáo dục và đào tạo nghề trong các lĩnh vực công nghệ cao và tự động hóa, để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tận dụng 15 năm còn lại của thời kỳ dân số vàng. Thực hiện các biện pháp quản lý môi trường chặt chẽ hơn, phát triển các KCN sinh thái để giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường. Đồng thời tạo ra các chính sách ưu đãi hấp dẫn và ổn định để thu hút đầu tư nước ngoài, đồng thời tăng cường hợp tác quốc tế để học hỏi và áp dụng các mô hình phát triển thành công.

H.Hương