Giáo dục nghệ thuật: Thách thức và đổi mới
Sáng 21/8, trường Đại học Sư phạm Hà Nội diễn ra Hội thảo khoa học quốc gia giáo dục nghệ thuật theo định hướng phát triển phẩm chất, năng lực trong các cơ sở giáo dục phổ thông tại Việt Nam do khoa Nghệ thuật chủ trì tổ chức. Hội thảo đã đưa lại một bức tranh đa diện về Giáo dục Nghệ thuật theo định hướng phẩm chất năng lực trong các cơ sở Giáo dục phổ thông tại Việt Nam.
Nhằm đánh giá đúng thực trạng đào tạo Nghệ thuật ở Việt Nam trong giai đoạn mới. Xác định rõ vị trí, vai trò của giáo viên Nghệ thuật, môn học Âm nhạc, Mỹ thuật trong các cơ sở giáo dục phổ thông ở Việt Nam; Thảo luận về sách giáo khoa Âm nhạc, Mỹ thuật theo chương trình giáo dục phổ thông 2018. Đề xuất, trao đổi các định hướng phát triển và đóng góp của giáo dục Nghệ thuật trong sự nghiệp phát triển con người. Trường Đại học Sư phạm Hà Nội tổ chức Hội thảo Khoa học Quốc gia Giáo dục Nghệ thuật theo định hướng phẩm chất, năng lực trong các cơ sở Giáo dục phổ thông tại Việt Nam.
Hội thảo đã thu hút sự tham gia và đóng góp tham luận của các chuyên gia, các nhà khoa học từ Câu lạc bộ Đào tạo Giáo viên Nghệ thuật, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, Trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung Ương, Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam, Đại học Quốc gia Hà Nội, Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam,... Các báo cáo gửi đến Hội thảo đã đưa lại một bức tranh đa diện về Giáo dục Nghệ thuật theo định hướng phẩm chất năng lực trong các cơ sở Giáo dục phổ thông tại Việt Nam. Từ các tham luận này, Hội thảo tập trung vào ba nội dung chính: Đội ngũ giáo viên Nghệ thuật, Giáo dục Nghệ thuật trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018, Môn Nghệ thuật trong Nhà trường phổ thông.
Báo cáo đề dẫn tại hội thảo, TS. Trần Thị Thu Hà - Trưởng khoa Nghệ thuật, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội nêu rõ, ở Đội ngũ giáo viên Nghệ thuật, chủ đề này cho thấy một bức tranh tổng thể về đào tạo giáo viên Nghệ thuật (Âm nhạc, Mỹ thuật) tại các cơ sở giáo dục Nghệ thuật trong cả nước hiện nay. Trong đó, phần lớn các bài viết đề cập đến những khó khăn, tồn tại trong công tác đào tạo đội ngũ giáo viên theo định hướng phát triển phẩm chất, năng lực người học, đồng thời đưa ra những giải pháp nhằm khắc phục thực trạng này. Một số bài viết khác đề cập thực trạng giáo dục giá trị văn hoá truyền thống, hay nâng cao năng lực số của sinh viên ngành Sư phạm Âm nhạc trong bối cảnh chuyển đổi số...
"Bên cạnh đó là Giáo dục Nghệ thuật trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Đây là hướng nghiên cứu có những góc nhìn mới mẻ và mang tính đóng góp quan trọng đối với nội dung hội thảo, cũng là nội dung thu hút sự tham gia đông đảo nhất của các nhà khoa học. Các bài tham luận đã đề cập đến mục tiêu, định hướng, phương pháp giáo dục nghệ thuật; thực trạng và giải pháp nâng cao chất lượng dạy học Nghệ thuật ở trường phổ thông theo định hướng tiếp cận năng lực người học. Một số bài là những suy ngẫm về chương trình, về biên soạn sách giáo khoa, về việc đưa âm nhạc dân tộc vào chương trình dạy học các cấp phổ thông hiện nay...", TS. Trần Thị Thu Hà chia sẻ.
Cùng với 64 bản báo cáo tham dự hội thảo gửi về Ban tổ chức, tại hội thảo sáng ngày 21/8, có hơn 5 bài tham luận của các diễn giả đã được trình bày và thảo luận sôi nổi về các khía cạnh trong giáo dục nghệ thuật, mặt giáo dục học nói chung và giáo dục âm nhạc – mỹ thuật nói riêng, làm rõ các cơ sở khoa học tin cậy, từ đó đưa ra những đề xuất, kiến nghị thiết thực góp phần giải quyết những vấn đề đặt ra đối với giáo dục nghệ thuật nhằm mục tiêu đào tạo thế hệ trẻ phát triển toàn diện, đủ đức đủ tài để xây dựng đất nước, PGS.TS. Nguyễn Văn Trào Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội cho hay.