Giám sát - Phản biện

Vụ đấu giá đất cao bất thường tại Hà Nội: Có dấu hiệu đầu cơ?

QUANG LỘC 22/08/2024 07:44

Theo các chuyên gia, kết quả đấu giá 19 thửa đất tại xã Tiền Yên, huyện Hoài Đức (TP Hà Nội) có nhiều điểm bất thường; phiên đấu giá tổ chức xuyên đêm… có dấu hiệu đầu cơ, tạo sóng đất đai.

anh-bai-tren.jpeg
Các lô đất vừa được đấu giá tại huyện Hoài Đức, Hà Nội.

Cao gấp 18 lần giá khởi điểm

Theo đại diện Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Hoài Đức, phiên đấu giá 19 thửa đất tại thôn Lòng Khúc, xã Tiền Yên (Hoài Đức, Hà Nội) diễn ra đêm 19/8 và kết thúc lúc 4h30 sáng hôm sau.

Sau 9 vòng đấu giá, kết quả giá cao nhất trúng đấu giá là 133,3 triệu đồng/m2, giá thấp nhất là 91,3 triệu đồng/m2. Công bố kết quả đấu giá, đã có một số môi giới chào bán thửa đất vừa trúng đấu giá với số tiền chênh gần 1 tỷ đồng.

Anh H. là nhân viên sàn môi giới bất động sản T.V., đã chào bán lô đất vừa trúng đấu giá có diện tích hơn 90m2, với giá chênh 10 triệu đồng/m2. Ngoài lô đất trên, anh H. cho biết văn phòng của mình hiện có rất nhiều lô đất trúng đấu giá. Trong đó, có nhiều lô đất ở các huyện ngoại thành vừa tổ chức đấu giá như: Lô đất đấu giá tại xã Tiến Thịnh (huyện Mê Linh), lô đất khu đất đấu giá tại xã Phù Lưu Tế (huyện Mỹ Đức); lô đất đấu giá xã Đốc Tín (huyện Mỹ Đức); lô đất đấu giá khu Đồng Phươm (xã Thọ Lộc, huyện Phúc Thọ)…

Theo dữ liệu của kênh Batdongsan vừa công bố, giá đất nền xã Tiền Yên quý II năm nay được rao bán phổ biến 43 triệu đồng/m2. Vì vậy, đơn vị này đánh giá mức trúng đấu giá cao 2 - 3 lần so với mặt bằng.

Ông Nguyễn Hoàng Nam - Tổng Giám đốc Công ty cổ phần G-Home cho biết, mức trúng cao nhất gấp hơn 18 lần khởi điểm tại phiên đấu giá đêm 19/8 ở Hoài Đức có thể do một số hội nhóm hoặc cò đất đến từ nơi khác đẩy giá.

"Đây là hiện tượng không mới, vài năm trước cò đất từng gây nhiễu thị trường ở một số địa phương như Thái Bình khi giá đất trong thôn lên đến 40 - 50 triệu đồng/m2" - ông Nam nói.

Trước đó, huyện Thanh Oai đã tổ chức đấu giá đất, trong đó có lô trúng đấu giá lên đến 100 triệu đồng/m2 gây xôn xao dư luận. Tuy nhiên, sau đó một số đối tượng đã chào bán lô đất trúng đấu giá với tiền chênh 400 - 500 triệu đồng/lô. Dù vậy, do giá cao nên không có người mua, hiện giá chênh đã giảm còn khoảng 100 triệu đồng/lô.

Nhiều điểm bất hợp lý

Theo các chuyên gia nhà đất, điểm chưa phù hợp ở phiên đấu giá lần này là thời gian phiên đấu giá kéo dài, xuyên đêm. 10 ngày trước, phiên đấu giá gần 70 lô đất ở huyện Thanh Oai có lượng người tham dự gấp 3 lần phiên ở Hoài Đức, với hơn 4.000 hồ sơ nhưng chỉ mất khoảng 5 giờ để hoàn thành. Sự chênh lệch lớn về thời lượng như trên chủ yếu bởi hình thức tiến hành cuộc đấu giá.

Tại huyện Thanh Oai, toàn bộ nhà đầu tư sẽ viết phiếu trả giá trong một lần. Ngay sau đó, đấu giá viên xem xét các phiếu công khai tại chỗ để xác định người trúng theo nguyên tắc trả cao nhất cho 1m2 của lô đất.

Còn huyện Hoài Đức tổ chức đấu giá bằng cách bỏ phiếu trực tiếp qua nhiều vòng và tối thiểu qua 6 vòng. Cuộc đấu giá sẽ kết thúc khi không còn ai tham gia trả giá. Trường hợp không có người tham gia trả giá ở bất cứ vòng nào (từ 1 đến 6), họ sẽ bị loại và cuộc đấu giá coi như không thành.

Đại diện Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Hoài Đức cho biết, so với trả giá một lần, phương thức nhiều vòng đấu giá này sẽ giúp thu ngân sách tốt hơn. Theo tính toán, nếu 19 chủ lô đất đều nộp đủ tiền, huyện có thể thu về khoảng 186 tỷ đồng.

Sau gần 12 tiếng - lúc 22h ngày 19/8, cuộc đấu giá mới hoàn thành 6 vòng bắt buộc này. Đến 4h30 sáng 20/8, sau 10 vòng, thửa đất cuối cùng mới tìm được người trúng, khép lại phiên đấu giá. Chậm nhất 30 ngày sau khi có kết quả, người trúng cần nộp số tiền còn lại. Ngoài ra, họ cần thanh toán các khoản lệ phí, thuế liên quan như phí công chứng, trước bạ và một số chi phí khác. Nếu không nộp tiền đúng hạn, người trúng có thể mất tiền đặt cọc và quyền sở hữu đất.

Những bất hợp lý trong đấu giá đất, nhất là giá trúng quá cao, theo giới chuyên môn sẽ để lại nhiều hệ lụy. Theo đó, giá trúng đấu giá cao đột biến còn có thể tạo xu hướng đầu cơ đất đai khi có thêm nhiều người đổ xô đi mua, với kỳ vọng tiếp tục kiếm lời từ làn sóng này. Dòng tiền thay vì được lưu thông trong các hoạt động kinh tế khác, lại ứ đọng trong đất. Ngoài ra, các dự án mới cũng có thể trở nên đắt đỏ hơn do phát sinh thêm chi phí giải phóng mặt bằng với mức giá đất cao hậu đấu giá.

Trả lời phóng viên Báo Đại Đoàn Kết, TS Trần Xuân Lượng - Viện phó Viện Nghiên cứu và Đánh giá thị trường bất động sản Việt Nam cho rằng: Cơn sốt đất đấu giá các huyện vùng ven như Thanh Oai, Hoài Đức... có giá trúng cao hơn nhiều so với thị trường một phần do các nhóm đầu cơ thao túng, “thổi giá”. Bởi theo dõi các phiên đấu giá gần đây, xuất hiện nhóm nhà đầu tư từ Hải Dương, Bắc Ninh, Bắc Giang... tham gia đấu giá, trả giá cao. Đây là yếu tố đẩy giá nhà đất và bất động sản lên cao trong thời gian tới, khiến những người có nhu cầu thực khó tiếp cận.

TS Lượng cho rằng, để ngăn tình trạng đầu cơ, thổi giá cần tăng mức đặt cọc lên 50% giá trị ban đầu, khi có kết quả trúng đấu giá, phải từ 1 - 2 năm mới được mua bán, công chứng.

Đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội cho biết, thời gian vừa qua, việc đấu giá đất vùng ven do các huyện thực hiện có giá cao vọt lên so với giá mặt bằng chung của thị trường. Sở đang phối hợp với cơ quan công an để xác minh, làm rõ việc một nhóm người có dấu hiệu "kích sóng" đất nền. Hiện Sở chờ đợi đến hạn cuối cùng phải nộp tiền trúng giá xem khách hàng có bỏ cọc hay không để có biện pháp chỉ đạo cụ thể trong công tác này. Việc thổi giá, tạo sóng sẽ khiến đất nền xung quanh khu vực đấu giá bị đẩy lên khiến thị trường bất động sản không được phát triển bình thường, lành mạnh.

QUANG LỘC