Đào tạo nguồn nhân lực trẻ kết hợp giữa học và hành
Chiều 22/8, hội nghị Người Việt Nam ở nước ngoài toàn thế giới lần thứ IV và Diễn đàn trí thức và chuyên gia Việt Nam ở nước ngoài năm 2024 tiếp tục với các phiên thảo luận chuyên đề.
Tại phiên chuyên đề: “Kiều bào với sự phát triển công nghệ cao của Việt Nam”, bà Nguyễn Thị Vân Anh, Trung tâm khoa học và đổi mới trong nghiên cứu Spintronics (sản xuất chip bán dẫn), thuộc Đại học Tohoku, Nhật Bản cho rằng, tỷ lệ cung cầu về chip bán dẫn có sự phân bố rõ ràng giữa các nước: Mỹ, châu Âu, Nhật Bản; và các nước châu Á.
Theo bà Anh, hiện 70% nhu cầu cung cấp thuộc các nước: Mỹ, châu Âu, Nhật Bản. Còn trong khi đó 80% nhu cầu sử dụng chip bán dẫn là tại châu Á. Để phục vụ cho việc sản xuất chip bán dẫn thì 90% thiết bị thuộc về các nước Mỹ, châu Âu, Nhật Bản, và 75% nguồn nhiên liệu thuộc các nước này. Còn 80% sản phẩm được sản xuất tại châu Á.
“Các số liệu này cho thấy sự ảnh hưởng của nó với phân bố các nhà máy sản xuất chip bán dẫn, cũng như sản xuất các linh kiện điện tử trên toàn cầu”-bà Anh nói.
Bà Anh thông tin, Chính phủ Nhật Bản coi chiến lược phát triển chip bán dẫn như là một yếu tố quan trọng cho việc khôi phục lại vị thế của Nhật Bản. Do đó trong 2 năm qua Nhật Bản đã xây dựng 3 nhà máy sản xuất chip bán dẫn, ký kết liên kết đào tạo với các trường đại học lớn của Mỹ. Để đáp ứng nhu cầu này Đại học Tohoku được lựa chọn phát triển chip bán dẫn của Nhật Bản.
Bà Anh gợi ý rằng, đây là mô hình Việt Nam có thể triển khai được. Vì Đại học Tohoku dựa trên 6 yếu tố gồm: tập trung trọng điểm vào trung tâm nghiên cứu có uy tín tại trường; xây dựng các cơ chế mở cửa để thu hút các công ty đến kết hợp nghiên cứu, sau đó xây dựng cơ sở hạ tầng đáp ứng đủ yêu cầu cho sản xuất chip; chính sách thu hút nguồn nhân tài với cơ chế lương bổng riêng, đãi ngộ, hỗ trợ cho việc nghiên cứu. Đây là cơ chế quan trọng để thu hút nguồn nhân tài; đào tạo nguồn nhân lực trẻ. Tuy nhiên hiện Nhật Bản đang đối mặt với tình trạng dân số già, mất cân bằng về giới. Và đây đang là cơ hội cho các trường đại học tại Việt Nam có thể liên kết với Đại học Tohoku để phát triển chip bán dẫn.
Đối với tình hình thực tế tại Việt Nam, theo bà Anh, Việt Nam cần xây dựng chiến lược phát triển chip bán dẫn một cách phù hợp. Xây dựng cơ chế phù hợp để có thể đẩy mạnh hợp tác 3 bên: Công ty-trường học-Chính phủ. Cung cấp cơ sở hạ tầng đủ tốt để có thể kêu gọi các công ty đến và mở các nhà máy tại Việt Nam. Cần thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao từ kiều bào là yếu tố quan trọng. Và đào tạo nguồn nhân lực trẻ.
Đối với yếu tố nguồn nhân lực, bà Anh gợi ý nên sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực hiện có từ các trường đại học tại Việt Nam. Sau đó là thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao. Xây dựng hướng đào tạo nguồn nhân lực số lượng và chất lượng để làm sao phù hợp với nhu cầu của các nhà máy sẽ đến Việt Nam để đầu tư. Đào tạo nguồn nhân lực trẻ kết hợp thông qua giữa học và hành. Tức là học thì trên lớp, còn hành thì cần kinh nghiệm chế tạo chip ở trong các nhà máy.
Ông Phạm Kim Cương, Giám đốc chiến lược sản phẩm của VinAI chia sẻ về kinh nghiệm thu hút nhân tài làm việc trong các ngành trí tuệ nhân tạo. Theo đó người Việt ở nước ngoài có 80% đang làm việc tại các quốc gia phát triển. Do đó, VinAI đã thu hút được nhiều nhân sự cao cấp từ các tập đoàn Apple, Google, Adobe về VinAI để làm việc. Bên cạnh đó, VinAI đã tiếp nhận các sinh viên giỏi mới ra trường để làm việc. Sau 2 năm họ sẽ được tiếp cận tham gia nghiên cứu, và được làm việc cho các trường đại học nổi tiếng trên thế giới.
Kết luận phiên thảo luận, ông Đỗ Tiến Thịnh, Phó Giám đốc Trung tâm Đổi mới Sáng tạo Quốc gia (NIC) cho biết, phiên thảo luận đã tập trung vào 2 vấn đề quan trọng là ngành công nghiệp bán dẫn, và trí tuệ nhân tạo. Với 12 bài tham luận và 25 lượt ý kiến, trong đó có các nhóm ý kiến rất giá trị như khuyến nghị vào thị trường ngách, hay tư duy hướng tới câu chuyện vành đai chiến lược. Ông Thịnh khẳng định các ý kiến sẽ được chia sẻ tới các cơ quan có liên quan tại trong nước để nghiên cứu.