Xã hội

Đồng Nai: Đã cấp 61.610 thẻ bảo hiểm y tế cho người dân thuộc hộ dân tộc thiểu số

Khanh Lê 22/08/2024 18:24

Đây là số thẻ đã cấp 7 tháng đầu năm 2024 theo Nghị quyết số 10/2022/NQ-HĐND của HĐND tỉnh ( Nghị quyết số 10) quy định mức hỗ trợ đóng bảo hiểm y tế cho một số đối tượng trên địa bàn tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2022 – 2025.

Theo ông Phạm Minh Thành, Giám đốc BHXH tỉnh Đồng Nai, Nghị quyết, có 2 nhóm đối tượng liên quan đến dân tộc thiểu số được ngân sách địa phương hỗ trợ đóng bảo hiểm y tế (BHYT) bao gồm: Người dân tộc thiểu số có nơi thường trú/nơi tạm trú tại các xã khu vực I tỉnh Đồng Nai theo quy định của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt danh sách các xã khu vực III, khu vực II, khu vực I thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2025 và Học sinh, sinh viên đang theo học tại cơ sở giáo dục có trụ sở đặt tại các xã khu vực I tỉnh Đồng Nai theo quy định của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt danh sách các xã khu vực III, khu vực II, khu vực I thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2025.

Trước đó, giai đoạn 2016 – 2020, BHXH tỉnh đã cấp 330.000 lượt thẻ BHYT cho người dân tộc thiểu số, trong đó người dân tộc thiểu số sinh sống vùng đặc biệt khó khăn được Ngân sách nhà nước cấp trên 8.300 thẻ BHYT. Từ năm 2016 đến năm 2019, UBND tỉnh Đồng Nai quyết định sử dụng nguồn quỹ kết dư BHYT để mua gần 322.000 thẻ BHYT cho người dân tộc thiểu số.

pmt22-8.jpg
Giám đốc BHXH Đồng Nai, Phạm Minh Thành trao thẻ BHYT cho người dân có hoàn cảnh khó khăn tại TP.Biên Hòa.

Theo thống kê hiện toàn tỉnh Đồng Nai có hơn 50 thành phần dân tộc thiểu số sinh sống với khoảng 198.000 người, chiếm khoảng 6,5% dân số toàn tỉnh. Đồng bào các dân tộc thiểu số sống rải rác, xen kẽ trên địa bàn các huyện, thành phố và chủ yếu sống tập trung đông ở khu vực nông thôn, rừng phòng hộ. Một số ít thành phần dân tộc sống tập trung thành làng, như dân tộc: Cho7ro, mạ, S’tiêng, Chăm, Tày, Nùng.

Đồng Nai được biết đến là tỉnh công nghiệp phát triển mạnh mẽ, giữ vị trí quan trọng trong vùng phát triển kinh tế trọng điểm phía Nam của đất nước. Quá trình tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật BHXH, BHYT có nhiều thuận lợi, nhất là sự thu hút vốn đầu tư nước ngoài với 32 khu công nghiệp tập trung, lực lượng lao động lớn và tham gia BHXH, BHYT tại các đơn vị sử dụng lao động. Tuy nhiên, cũng hình thành một lực lượng lao động phi chính thức và lao động lớn tuổi khó có cơ hội tìm việc làm tại các khu công nghiệp. Mặt khác, Đồng Nai có thành phần dân tộc cộng cư khá đông đảo với trên 30 dân tộc sinh sống.

Từ khi Quyết định 861/QĐ-TTG ngày 4/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt danh sách các xã khu vực III, II, I thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn (2021-2025) có hiệu lực thì rất nhiều người dân ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, người thuộc hộ cận nghèo, học sinh, sinh viên, người thuộc hộ gia đình nông, lâm, ngư nghiệp có mức sống trung bình rất cần sự hỗ trợ từ ngân sách địa phương để tham gia BHYT.

traoqua22-8.jpg
Trao quà hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số tại xã Phú Lý (huyện Vĩnh Cửu)

Từ thực tế này, BHXH Đồng Nai đã luôn cố gắng phát huy vai trò tham mưu với UBND tỉnh để xây dựng các cơ chế hỗ trợ, tạo cơ hội tốt nhất để người dân trên địa bàn tham gia BHXH, BHYT. Chính vì vậy, việc ban hành Nghị quyết số 10 quy định mức hỗ trợ đóng BHYT cho một số đối tượng trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2022-2025 có ý nghĩa rất lớn đối với những đối tượng có hoàn cảnh khó khăn.

Khanh Lê