Nhận diện rào cản khi chuyển đổi xe buýt xanh
Hà Nội đặt mục tiêu giai đoạn năm 2031-2035 sẽ thay thế xe buýt chạy bằng dầu diesel sang 100% xe buýt điện. Còn tại TPHCM, phấn đấu đến năm 2030, 100% xe buýt sử dụng năng lượng xanh.
Việc chuyển đổi phương tiện xe buýt sang phương tiện xanh, sạch là yêu cầu tất yếu khi hướng tới nền giao thông xanh, sạch, hiện thực hóa mục tiêu “Net – zero” đưa phát thải khí nhà kính về 0 vào năm 2050.
Song muốn tăng độ phủ sóng của xe buýt điện cũng như xe buýt sử dụng năng lượng sạch vẫn còn nhiều khó khăn, trong đó yếu tố quan trọng nhất, theo giới phân tích là rất cần vốn đầu tư. Bởi theo tính toán, chi phí đầu tư phương tiện xanh cao gấp 2,4 lần so với xe buýt truyền thống sử dụng diesel. Chi phí này ảnh hưởng không nhỏ đến nguồn lực của doanh nghiệp (DN).
Đáng chú ý việc chuyển đổi hệ thống xe buýt đòi hỏi triển khai đồng bộ quy hoạch điện từ trạm sạc, trạm cấp nhiên liệu, chiến lược xây dựng hạ tầng sạc điện cung cấp cho phương tiện xanh...
Ông Nguyễn Hoàng Hải - Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hành khách công cộng Hà Nội nhận định, 3 rào cản đối với phát triển xe buýt xanh đó là: cơ chế chính sách, nguồn lực chuyển đổi phương tiện, hạ tầng (nguồn điện, trạm sạc). Do đó, cần phải đưa vào quy hoạch của ngành điện về hạ tầng điện dành cho phương tiện xanh để đủ đáp ứng nhu cầu cho mạng lưới xe buýt xanh và cả các phương tiện khác.
Tại Hà Nội, theo Quyết định số 876 phê duyệt Chương trình hành động về chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí carbon và khí methane (khí mê-tan) của ngành GTVT, trong lĩnh vực giao thông đô thị, từ năm 2025, 100% xe buýt thay thế, đầu tư mới sử dụng điện, năng lượng xanh; Tỷ lệ đảm nhận của vận tải hành khách công cộng tại Hà Nội đạt 45% -50%; Từ năm 2030 tỷ lệ phương tiện sử dụng điện, năng lượng xanh đạt tối thiểu 50%; 100% xe taxi thay thế, đầu tư mới sử dụng điện, năng lượng xanh; Đến năm 2050 thì 100% xe buýt, xe taxi sử dụng điện, năng lượng xanh.
Vậy nhưng về hệ thống trạm sạc xe buýt điện, hiện nay mới chỉ có 2 vị trí lắp đặt của Công ty Vinbus, phục vụ cho 10 tuyến. Mỗi trạm sạc lần lượt có 32 trụ và 39 trụ sạc, công suất từ 120-150kWh, đáp ứng nhu cầu sạc 100% pin của toàn bộ xe.
Lộ trình chuyển đổi phương tiện buýt sang xe điện, năng lượng xanh dự kiến đi theo 3 kịch bản gồm: kịch bản 1: 100% xe buýt điện, số phương tiện sau chuyển đổi 2.433 xe. Kịch bản 2: 70% buýt điện, 30% buýt LNG/CNG, số phương tiện sau chuyển đổi 2.212 xe (1.592 xe điện và 620 xe LNG/CNG). Kịch bản 3: 50% buýt điện, 50% buýt LNG/CNG, số phương tiện sau chuyển đổi 2.076 xe (1.100 xe điện và 976 xe LNG/CNG).
Theo ông Thái Hồ Phương - Giám đốc Trung tâm Quản lý và điều hành giao thông công cộng (Sở GTVT Hà Nội) dựa trên tình hình thực tiễn, trước mắt thành phố đề xuất thực hiện theo kịch bản 3. Khi điều kiện cho phép sẽ phấn đấu thực hiện theo kịch bản 2. Sau năm 2040 thực hiện kịch bản 1.
Ông Nguyễn Đắc Hưng - Tổng giám đốc Công ty cổ phần Giải pháp sạc xe điện iCharge khẳng định, để thúc đẩy hạ tầng phục vụ chuyển đổi phương tiện xanh thân thiện với môi trường, cần có chủ trương chính sách hỗ trợ của Chính phủ. Có thể kể đến như: Ưu đãi khuyến khích sản xuất lắp ráp, nhập khẩu xe điện; Khuyến khích, hỗ trợ người sử dụng thông qua hỗ trợ tài chính; hỗ trợ vốn vay, quỹ đất, hoàn thiện pháp lý để phát triển hạ tầng trạm sạc điện...
TP Hà Nội cũng đề xuất một số giải pháp gồm: tuyên truyền về chính sách, lợi ích của chuyển đổi phương tiện; hoàn thiện định mức, đơn giá cho các loại xe buýt xanh; áp dụng định mức, đơn giá tạm thời để đặt hàng xe buýt xanh trong thời gian chờ ban hành chính thức; đầu tư cơ sở hạ tầng xe buýt dùng điện, năng lượng xanh...
Phía TPHCM đề xuất hỗ trợ 50% lãi suất với phần vốn vay đầu tư xe buýt sử dụng năng lượng xanh; hỗ trợ 50% lãi suất đối với phần vốn vay đầu tư trạm sạc điện và đầu tư xây dựng lắp đặt, vận hành các trạm sạc điện.