Lo ngại 'bác sĩ tay ngang' tham gia phẫu thuật thẩm mỹ
Thông tin trên được giới chuyên môn nêu ra tại hội nghị “Tăng cường các giải pháp đảm bảo an toàn người bệnh trong phẫu thuật thẩm mỹ”, do Sở Y tế TPHCM tổ chức ngày 22/8.
Nhiều tai biến trong phẫu thuật thẩm mỹ
Tại hội nghị, giới chuyên môn trong ngành nhìn nhận, sự cố y khoa trong phẫu thuật nội khoa đang trở thành vấn đề nhức nhối, vì nhiều tai biến trong phẫu thuật thẩm mỹ đã và đang xảy ra do tay nghề yếu kém.
Theo ghi nhận, giữa tháng 8, Trung tâm Cấp cứu 115 nhận cuộc gọi từ một người xưng là anh Thành - cơ sở Changwon (22 đường 3/2, phường 12, quận 10) yêu cầu, cấp cứu người bệnh T.M.D. (nữ, sinh năm 1974) đột ngột khó thở, lơ mơ sau phẫu thuật cắt mí mắt và xóa sẹo vùng bụng. Sau đó 1 ngày, Thanh tra Sở Y tế TPHCM kiểm tra tại địa chỉ trên và ghi nhận, bác sĩ đang thực hiện phẫu thuật thẩm mỹ cho người bệnh nhưng lại trốn về khi cơ quan chức năng kiểm tra. Thanh tra Y tế nghi ngờ chuyên môn đối với một số bác sĩ tại đây.
Trước đó, cuối tháng 7, Sở Y tế TPHCM nhận được báo cáo của Bệnh viện Chợ Rẫy về trường hợp bệnh nhân N.T.K.N. bị tai biến sau phẫu thuật thẩm mỹ hút mỡ. Ngay sau nhận được thông tin, Thanh tra Sở Y tế thành phố phối hợp với các đơn vị tiến hành kiểm tra Công ty TNHH Thẩm mỹ viện FA Plus với biển hiệu “Thẩm mỹ viện Pháp Á”. Đại diện Công ty TNHH Thẩm mỹ viện FA Plus cho biết, ngày 22/7 bệnh nhân này đã thực hiện hút mỡ bụng, hông, tay, nách và cấy mỡ mu bàn tay hai bên tại cơ sở. Ê kíp thực hiện là ông Huỳnh Thanh Hải và 1 người do ông Hải đưa tới.
Ông Hải mang theo tất cả các dụng cụ phẫu thuật kèm thuốc, trang thiết bị y tế. Bệnh nhân là khách hàng của ông Hải chứ không phải của cơ sở (cơ sở chỉ cho ông Hải thuê phòng mổ với giá 15 triệu đồng để thực hiện).
Thống kê của Bệnh viện Da Liễu TPHCM, mỗi năm có khoảng 200 – 500 bệnh nhân gặp sự cố y khoa trong thẩm mỹ nội khoa đến khám và điều trị tại bệnh viện. Trong đó, 69% ca tai biến liên quan đến thủ thuật tiêm chích, 16% liên quan đến thủ thuật laser và ánh sáng, 10% do làm đẹp bằng hóa chất.
TS.BS Nguyễn Thị Phan Thúy – Giám đốc Bệnh viện Da Liễu TPHCM cho biết, 77% các bệnh nhân bị tai biến thẩm mỹ khi làm đẹp tại các cơ sở spa trôi nổi, 13% thực hiện tại nhà.
Sợ “bác sĩ tay ngang”
Theo Bệnh viện Da Liễu TPHCM, nhìn chung, các sự cố trong thẩm mỹ nội khoa được tiếp nhận và xử lý kịp thời, nhưng không phải trường hợp nào cũng may mắn. Đặc biệt, có trường hợp một thanh niên bị mù mắt trước khi đến bệnh viện do tiêm filler (chất làm đầy), mặc dù được các bác sĩ tận tình cứu chữa.
“Đa số các sự cố y khoa trong thẩm mỹ nội khoa rất đa dạng về mức độ, từ nhẹ đến nặng. Bệnh nhân có thể bị các biến chứng như: nám da, nhiễm trùng, hoại tử, xuất huyết dưới da, mù mắt...” - BS Nguyễn Thị Phan Thúy dẫn chứng và cho rằng, không ít ca tai biến thẩm mỹ do bác sĩ không đúng chuyên ngành, chưa được đào tạo đúng kỹ thuật thẩm mỹ nội khoa thực hiện. Nếu bác sĩ phẫu thuật thẩm mỹ không nắm vững kiến thức chuyên môn, cấu trúc mạch máu dễ dẫn đến điều trị sai cách, gây các hậu quả nặng nề.
Trước tình trạng nhức nhối trong sự cố y khoa về phẫu thuật thẩm mỹ trên địa bàn TPHCM, TS.BS Nguyễn Thanh Vân - Phó Chủ tịch Liên chi hội Phẫu thuật Thẩm mỹ tạo hình TPHCM nhấn mạnh, bác sĩ gây mê hồi sức rất quan trọng, chỉ mổ khi có hội đồng chuyên môn và bác sĩ gây mê hồi sức cho phép. Nhiều cơ sở thẩm mỹ vì lợi nhuận nên bất chấp tất cả.
Đề cập đến an toàn cho bệnh nhân trong phẫu thuật thẩm mỹ, BSCKII Hồ Văn Hân – Chánh Thanh tra Sở Y tế TPHCM nêu quan điểm, người hành nghề chui – không phải bác sĩ hoặc “bác sĩ tay ngang” dẫn đến biến chứng và hệ lụy lớn trong thẩm mỹ. Có tình trạng bác sĩ làm ở cơ sở y tế công lập nhưng lại làm việc thêm cho các cơ sở thẩm mỹ. Điều này chứng tỏ, năng lực người hành nghề và quản lý cơ sở chưa đáp ứng được yêu cầu.
TS.BS Nguyễn Anh Dũng – Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM nhìn nhận, tiềm năng của ngành thẩm mỹ rất lớn nhưng phải tạo được cộng đồng thẩm mỹ tốt để phục vụ bệnh nhân. Bác sĩ tham gia ngành này phải chính danh và hợp pháp. Người hành nghề phẫu thuật thẩm mỹ phải có giấy phép hành nghề, phải đăng ký hành nghề. Đồng thời, tham gia các khóa đào tạo liên tục, phát triển năng lực chuyên khoa, cập nhật các quy định hướng dẫn điều trị quy trình kỹ thuật.
Thời gian tới, Sở Y tế TPHCM sẽ siết chặt quy định hành nghề thẩm mỹ. Nghĩa là, áp dụng các quy định nghiêm ngặt hơn về chứng chỉ hành nghề về thẩm mỹ và tiêu chuẩn thẩm định cho phép một cơ sở y tế cung ứng dịch vụ thẩm mỹ. Nâng cao nhận thức của khách hàng, trong đó người có nhu cầu các dịch vụ thẩm mỹ được khuyến khích tìm hiểu kỹ về cơ sở và bác sĩ thực hiện trước khi đưa ra quyết định. Song song đó, quản lý chặt các sản phẩm dùng trong thẩm mỹ. Yêu cầu, các sản phẩm như filler, botox phải được kiểm định chất lượng và nguồn gốc rõ ràng trước khi sử dụng.