Trình diễn Xiếc: Nỗi buồn sau ánh hào quang
Để có một tiết mục trình diễn xiếc trên sân khấu, các nghệ sĩ không chỉ “đổ mồ hôi, sôi nước mắt” mà luôn phải đối mặt với các chấn thương, tai nạn. Sau ánh hào quang là rất nhiều nỗi niềm…
Đằng sau những giải thưởng
Được tổ chức định kỳ 3 năm một lần, mới đây, cuộc thi “Tài năng xiếc toàn quốc 2024” đã chính thức diễn ra tại Hà Nội, quy tụ hơn 100 diễn viên đến từ 4 đơn vị nghệ thuật với 20 tiết mục dự thi. Sau nhiều ngày tranh tài với các phần trình diễn đặc sắc, Ban Tổ chức đã trao 10 giải thưởng cho các nghệ sĩ xuất sắc, trong đó có 3 giải Nhất, 5 giải Nhì và 2 giải cho cá nhân xuất sắc.
Mặc dù không còn “cơn mưa” giải thưởng như các cuộc thi tổ chức trước đó, nhưng kết quả của cuộc thi đã phần nào phản ánh được thực trạng của ngành Xiếc hiện nay.
Được đánh giá là cái nôi đào tạo nghệ thuật Xiếc của Việt Nam, tại cuộc thi năm nay, Trường Trung cấp Nghệ thuật Xiếc và Tạp kỹ Việt Nam là đơn vị thắng lớn với 7 giải thưởng. Tuy nhiên, đằng sau những giải thưởng của ngôi trường công lập duy nhất đào tạo xiếc và tạp kỹ của Việt Nam hiện nay lại là những khoảng lặng.
Theo NSƯT Ngô Lê Thắng - Hiệu trưởng Trường Trung cấp Nghệ thuật xiếc và Tạp kỹ Việt Nam, công tác đào tạo tuyển sinh của trường luôn gặp khó khăn ngay từ khâu tuyển sinh. Nhiều năm nay, Trường luôn phải đi tuyển sinh ở nhiều vùng khác nhau. Có nhiều em đam mê nhưng lại gặp rào cản từ phía gia đình. Thấu hiểu tâm lý phụ huynh lo sợ nghề xiếc nguy hiểm, quá trình đào tạo khắc nghiệt, thu nhập cũng không dư dả như các ngành nghề khác, cán bộ nhà trường đã phải tư vấn, thuyết phục, rồi mời họ lên tận trường tham quan, tìm hiểu kỹ lưỡng quy trình đào tạo, cơ sở vật chất và chế độ chính sách của Nhà nước đối với học sinh xiếc.
Không chỉ khó khăn ở khâu tuyển sinh, công tác đào hiện nay của ngành Xiếc cũng vô cùng khó khăn và bất cập. NSƯT Ngô Lê Thắng cho biết, đó là việc thí sinh được đào tạo dài (5 năm so với 18 tháng như nhiều trường trung cấp) nhưng lại có tuổi nghề ngắn. Một giáo viên bình thường đứng lớp ở một cơ sở giáo dục nghề nghiệp ít nhất cũng phải có 30 - 40 em/lớp. Nhưng do yêu cầu đặc thù, với ngành Xiếc đôi khi 1 thầy dạy 1 học sinh trong suốt quá trình 5 năm cho một thể loại tiết mục.
“Hơn thế, tấm bằng trung cấp hiện tại khiến các em ra trường chỉ được xét là diễn viên hạng 4, quá thiệt thòi cho các em” - NSƯT Ngô Lê Thắng thông tin.
Cần có chế độ đãi ngộ xứng đáng
Không chỉ câu chuyện “đãi cát, tìm vàng”, để thành nghề và có cơ hội bước lên sân khấu với Xiếc vẫn còn đó những gian nan. Để có được những tiết mục xiếc đẳng cấp, lấy được cảm xúc, những tràng vỗ tay của khán giả là cả một quá trình khổ luyện của người nghệ sĩ. Ở đó, người nghệ sĩ không chỉ phải đổ mồ hôi, nước mắt và máu mà còn phải hy sinh cả tuổi xuân của mình. Thế nhưng, chế độ chính sách cho nghệ sĩ xiếc hiện nay lại là những con số khiến nhiều người phải “chạnh lòng”.
NSND Tống Toàn Thắng - Giám đốc Liên đoàn Xiếc Việt Nam bày tỏ, khó khăn lâu nay vẫn là chế độ đãi ngộ. Đặc thù nghề nghiệp của người nghệ sĩ Xiếc rất vất vả, lao động cường độ cao nhưng mức lương khởi điểm của vẫn là hạng 4 (do bằng tốt nghiệp là trung cấp), quá thấp so với tài năng, cống hiến của họ. Chế độ bồi dưỡng cũng chưa được cải thiện, quá thấp nên chúng tôi không thể kêu gọi, thu hút được nhân lực trẻ.
NSND Tống Toàn Thắng chia sẻ, hiện Liên đoàn Xiếc Việt Nam đang phải đối diện với thách thức rất lớn là “chảy máu chất xám”. Tuổi nghề của Xiếc rất ngắn, có khi 35 - 40 tuổi đã phải dừng làm nghề, trong khi tuổi đời và tuổi lao động của nghệ sĩ vẫn còn dài, thậm chí lên tới 20 năm.
“Bởi vậy, chúng tôi rất cần sự quan tâm hơn nữa của các cơ quan chức năng để có một cơ chế đặc thù, mức lương cơ bản bảo đảm cho các nghệ sĩ yên tâm tập luyện, cống hiến. Bởi với xiếc, nếu người nghệ sĩ vẫn phải lo cơm áo, gạo, tiền, phải chia sẻ thời gian để mưu sinh, không tập trung trí lực vào luyện tập thì rất khó có được những thế hệ nghệ sĩ tài năng” - NSND Tống Toàn Thắng nói.
Theo thống kê của Hội Khoa học an toàn vệ sinh lao động Việt Nam, tần suất tai nạn lao động trong 1 năm của các nghệ sĩ Xiếc gặp phải lên tới 40%, gấp gần 20 lần so với mức độ tai nạn lao động trong ngành sản xuất thông thường.
Đây thực sự là những “con số biết nói” về môi trường khốc liệt mà mỗi diễn viên Xiếc phải đối diện mỗi ngày. Những nguy hiểm tiềm tàng luôn rình rập từ những buổi tập đến buổi trình diễn. Thế nhưng, người nghệ sĩ vẫn âm thầm rèn luyện, âm thầm cống hiến hết mình cho nghệ thuật Xiếc, cũng là cái nghiệp mà họ chót nặng lòng đam mê.
Tín hiệu vui
NSƯT Ngô Lê Thắng cho biết, mùa tuyển sinh năm nay, Trường Trung cấp Nghệ thuật Xiếc và Tạp kỹ Việt Nam chọn được 48 học viên nhập học (chỉ tiêu trung bình khoảng 35 học viên). Để có được con số này, khoảng 10.000 thí sinh dự thi đã tham gia vòng sơ tuyển, tiếp đó khoảng 400 em được chọn vào vòng trung tuyển và phúc tuyển, sàng lọc qua các vòng trung tuyển và phúc tuyển thì số thí sinh nhập học là 48 em. Lâu nay công tác tuyển sinh chỉ thu hút các thí sinh ở vùng sâu, vùng xa thì năm nay, lượng học sinh đến từ nội thành đã tăng cao, trong đó có nhiều em đến từ những gia đình cán bộ, viên chức. Đây là tín hiệu vui, cho thấy cách nhìn của cộng đồng với nghề Xiếc đang dần cởi mở hơn.