Kinh tế

Nâng cao hiệu quả các nguồn lực tài chính phát triển kinh tế trong bối cảnh mới

PV 23/08/2024 14:15

Ngày 23/8, tại Hà Nội, đã diễn ra hội thảo “Phát huy và nâng cao hiệu quả các nguồn lực tài chính phát triển kinh tế đất nước trong bối cảnh mới”.

Hội thảo do Ban Kinh tế Trung ương chỉ đạo, Tạp chí Kinh tế Việt Nam/VnEconomy phối hợp với Vụ Kinh tế tổng hợp (Ban Kinh tế Trung ương) cùng một số đơn vị liên quan tổ chức.

Đây là sự kiện trong chuỗi hoạt động nghiên cứu, khảo sát, tham vấn ý kiến các bên liên quan và chuyên gia nhằm có thêm luận cứ khoa học và thực tiễn phục vụ xây dựng Đề án sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết số 39-NQ/TW ngày 15/1/2019 của Bộ Chính trị về nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác, sử dụng và phát huy các nguồn lực của nền kinh tế (Nghị quyết số 39).

a-k.jpeg
Hội thảo “Phát huy và nâng cao hiệu quả các nguồn lực tài chính phát triển kinh tế đất nước trong bối cảnh mới” do Ban Kinh tế Trung ương chỉ đạo, Tạp chí Kinh tế Việt Nam/VnEconomy phối hợp với Vụ Kinh tế tổng hợp (Ban Kinh tế Trung ương). Ảnh: Việt Dũng.

Theo mục tiêu đối với nguồn tài lực tại Nghị quyết 39/NQ-TW, đến năm 2025, giữ vững an ninh tài chính quốc gia; bảo đảm cân đối ngân sách tích cực, giảm dần tỷ lệ bội chi ngân sách nhà nước đến năm 2020 xuống dưới 4% GDP, đến năm 2030 xuống khoảng 3% GDP, hướng tới cân bằng thu - chi ngân sách nhà nước. Đến năm 2030, nợ công không quá 60% GDP, nợ chính phủ không quá 50% GDP, nợ nước ngoài của quốc gia không quá 45% GDP.

Đến năm 2020 cơ bản hoàn thành và đến năm 2025 hoàn thành việc sắp xếp lại, xử lý nhà đất thuộc sở hữu nhà nước trên phạm vi cả nước; hoàn thành di dời các cơ sở gây ô nhiễm môi trường, cơ sở phải di dời theo quy hoạch đã được phê duyệt.

Cùng với đó, đến năm 2025 mức dự trữ quốc gia đạt 0,8-1% GDP, dư nợ thị trường trái phiếu đạt 55% GDP.

Ông Nguyễn Như Quỳnh, Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách Tài chính (Bộ Tài chính) cho rằng, kết quả thực hiện nhiệm vụ ngân sách Nhà nước đã góp phần tích cực triển khai các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 đã đề ra.

ak.jpeg
Ông Nguyễn Như Quỳnh, Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách Tài chính (Bộ Tài chính), phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Việt Dũng.

Trong giai đoạn 2021-2023, tuy tình hình kinh tế còn rất nhiều khó khăn song tổng thu ngân sách Nhà nước có kết quả tích cực, đảm bảo ổn định kinh tế xã hội. Thời gian vừa qua, Bộ Tài chính cũng kiên trì thực hiện chính sách tài khoá mở rộng, những chính sách được ban hành đi vào cuộc sống, tạo tác động tích cực hỗ trợ người dân và doanh nghiệp vượt khó, phát triển ổn định.

Phát biểu tại hội thảo, ông Johnathan Hạnh Nguyễn - Chủ Tịch IPPG đánh giá chủ đề về phát huy và nâng cao hiệu quả các nguồn lực tài chính là một trong những vấn đề then chốt, ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển bền vững,và lâu dài của nền kinh tế Việt Nam.

Trong nhiều năm qua, Việt Nam đã đạt được những bước tiến quan trọng trong việc huy động và phân bổ nguồn lực tài chính phục vụ cho phát triển kinh tế. Hệ thống ngân hàng, thị trường vốn, và các tổ chức tài chính đã không ngừng phát triển, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

bai-a-k.jpg
Ông Johnathan Hạnh Nguyễn - Chủ Tịch IPPG phát biểu tại hội thảo.

Tuy nhiên, theo ông Johnathan Hạnh Nguyễn, chúng ta cũng đang đối diện với một số hạn chế trong việc khai thác các nguồn lực tài chính như: Nguồn lực tài chính chưa được phân bổ hiệu quả, thiếu cơ chế kết nối giữa các nguồn vốn trong và ngoài nước, công cụ tài chính hiện đại và các dịch vụ tài chính số chưa phát triển đồng bộ.

Để cải thiện và nâng cao hiệu quả khai thác và sử dụng nguồn lực tài chính, ông Johnathan Hạnh Nguyễn nêu 4 giải pháp chính:

Thứ nhất: Cơ chế thu hút nguồn lực từ tư nhân, thúc đẩy hợp tác công tư (PPP): hiện nay thu hút đầu tư PPP đa số tại các dự án hạ tầng, chúng ta nên mở rộng sang các dự án tài chính, các dự án lớn về cơ sở hạ tầng tài chính, quỹ đầu tư mạo hiểm và các chương trình hỗ trợ khởi nghiệp, năng lượng, công nghệ thông tin và các dự án công cộng có ý nghĩa chiến lược. Tuy nhiên, để các cơ chế này thực sự phát huy hiệu quả, cần xem xét điều chỉnh như sau:

  • Cần tiếp tục hoàn thiện luật pháp về PPP một cách minh bạch và ổn định, đặc biệt là về quy trình đấu thầu, phân chia rủi ro giữa các bên, và bảo đảm quyền lợi cho các nhà đầu tư tư nhân.
  • Đa dạng hóa các hình thức đầu tư như mô hình đối tác công – tư, đầu tư công – quản trị tư và đầu tư tư – quản trị công. Việc áp dụng linh hoạt các mô hình này sẽ tạo ra sự chủ động cho khu vực tư nhân trong quản lý và vận hành dự án, đồng thời giảm tải gánh nặng cho ngân sách nhà nước.
  • Tạo cơ chế ưu đãi về thuế, tín dụng và hỗ trợ tài chính phù hợp để thu hút các doanh nghiệp, tập đoàn lớn tham gia đầu tư vào các dự án trọng điểm.

Thứ hai: Cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp và tập đoàn kinh tế tư nhân tiếp cận vốn từ thị trường vốn quốc tế như:

  • Nâng cao năng lực quản trị tài chính và minh bạch hóa báo cáo tài chính, tuân thủ các tiêu chuẩn quốc tế về quản trị tài chính. Điều này sẽ giúp họ xây dựng uy tín và nâng cao cơ hội huy động vốn trên thị trường quốc tế.
  • Chính phủ cần có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp trong việc phát hành trái phiếu quốc tế, đồng thời thúc đẩy quá trình niêm yết trên các sàn giao dịch quốc tế, tạo điều kiện để họ tiếp cận được nguồn vốn lớn từ các nhà đầu tư nước ngoài.
  • Tăng cường hợp tác với các tổ chức tài chính quốc tế: như Ngân hàng Thế giới, Quỹ Tiền tệ Quốc tế …các quỹ đầu tư quốc tế này sẻ tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận các gói hỗ trợ kỹ thuật, tài chính và tư vấn chuyên sâu, giúp nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường vốn quốc tế.

Thứ ba: Mở rộng và cải thiện khung pháp lý để thu hút vốn ngoại: Chính phủ cần xem xét mở rộng room giới hạn sở hữu và điều chỉnh các chính sách ưu đãi để thu hút các tập đoàn tài chính quốc tế lớn, tạo điều kiện thuận lợi cho họ tham gia vào việc phát triển thị trường tài chính. Điều này không chỉ giúp tăng cường nguồn lực mà còn mang lại công nghệ quản trị hiện đại và tri thức tài chính tiên tiến.

Thứ tư: Vai trò của việc thành lập trung tâm tài chính quốc tế trong việc huy động nguồn lực tài chính cho Việt Nam và cơ chế để hình thành trung tâm tài chính quốc tế:

Tập đoàn IPPG chúng tôi rất tâm huyết về việc này và đã tài trợ cho đề án TTTC Quốc Tế tại thành phố Hồ Chí Minh và Đà Nẵng vì chúng tôi nhận thấy Việc xây dựng một TTTC quốc tế tại Việt Nam là chiến lược dài hạn có ý nghĩa quan trọng, không chỉ để thu hút nguồn lực tài chính mà còn nâng tầm vị thế của Việt Nam trên bản đồ kinh tế toàn cầu.

Ông Johnathan Hạnh Nguyễn cũng nêu một số lợi ích và các khía cạnh quan trọng khi Việt Nam có được một TTTC Quốc tế: TTTC sẽ giúp gia tăng hiệu quả phân bổ nguồn lực tài chính: Hiện tại, Việt Nam đã có nền tảng tốt với hệ thống ngân hàng và thị trường tài chính đang phát triển. Tuy nhiên, việc tập trung các dịch vụ tài chính vào một trung tâm quy mô lớn sẽ tạo ra sự kết nối tốt hơn giữa các nguồn vốn trong nước và quốc tế. Điều này sẽ nâng cao khả năng huy động vốn cho các dự án quan trọng, góp phần đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế.

TTTC sẽ thu hút các định chế tài chính quốc tế và dòng vốn FDI chất lượng cao: Với việc xây dựng một môi trường đầu tư minh bạch, pháp lý rõ ràng và cơ sở hạ tầng hiện đại, Việt Nam hoàn toàn có thể trở thành một điểm đến lý tưởng cho các tập đoàn tài chính và nhà đầu tư quốc tế. Điều này không chỉ mang lại nguồn vốn dồi dào mà còn thúc đẩy quá trình chuyển giao công nghệ và tri thức tài chính tiên tiến cho nền kinh tế Việt Nam.

TTTC sẽ góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam trong chuỗi giá trị toàn cầu:Trong bối cảnh cạnh tranh khu vực ngày càng gay gắt, việc có một trung tâm tài chính tầm cỡ quốc tế sẽ giúp Việt Nam khẳng định vai trò và vị trí của mình trong mạng lưới kinh tế toàn cầu, qua đó mở rộng thêm cơ hội hợp tác quốc tế và tham gia sâu hơn vào các tổ chức tài chính quốc tế.

TTTC là nơi kết nối tài chính trong khu vực và quốc tế: TTTC quốc tế Việt Nam sẽ liên kết với các trung tâm tài chính lớn trong khu vực như Singapore, Hồng Kông và Thượng Hải để tận dụng mạng lưới vốn và dòng chảy tài chính quốc tế. Đồng thời, thúc đẩy các cơ chế hợp tác tài chính và thương mại với các quốc gia khác, tạo điều kiện cho dòng vốn xuyên biên giới đổ về Việt Nam.

"Chính sách tài khoá mở rộng chỉ nên thực hiện đến hết năm nay. Bắt đầu từ năm 2025 mở ra một chu kỳ mới, chúng tôi không đề cập đến việc thắt chặt chính sách tài khoá mà khi một chu kỳ hoạt động sản xuất kinh doanh mới bắt đầu, khi doanh nghiệp trở lại bình thường sẽ điều chỉnh chính sách trở lại bình thường. Chẳng hạn, trước đây giảm thuế giá trị gia tăng 10% về mức 8%, nay quay trở lại 10%. Đây là những vấn đề, quan điểm cần có sự đồng thuận".

Ông Nguyễn Như Quỳnh, Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách Tài chính (Bộ Tài chính).

PV